Giá vật liệu xây dựng tăng, nhà thầu gặp khó
Giá vật liệu xây dựng tăng cao khiến nhiều chủ đầu tư, nhà thầu trên địa bàn tỉnh Bình Định gặp khó khi triển khai thực hiện các dự án.
Dự án đường ven biển Cát Tiến - Diêm Vân đang khan hiếm trầm trọng nguồn vật liệu cát, không đủ phục vụ việc thi công san lấp mặt bằng. Với giá cát hiện tại, nhà thầu phải chấp nhận lỗ 80 nghìn đồng/m3 và với khoảng 40 nghìn mét khối cát đã nhập vào, nhà thầu lỗ tới 30%. Tuy nhiên, Tập đoàn Đèo Cả vẫn chủ động các biện pháp để phấn đấu hoàn thành dự án vào cuối năm 2024.
Ông Phạm Quỳnh Hải, Phó Giám đốc Ban điều hành Tập đoàn Đèo Cả cho hay, hiện tại nguồn vật liệu cát phục vụ thi công dự án rất khan hiếm. Mặc dù vậy, do việc chuẩn bị tốt nên Tập đoàn Đèo Cả đã phần nào giải quyết được “bài toán” nan giải đó. Đến nay, nhà thầu đã thi công được 4,3/4,8km sử dụng vật liệu cát lấp, còn khoảng 500m nữa là hoàn thành dự án.
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn qua địa bàn huyện Hoài Ân cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi “bí” nguồn vật liệu đầu vào, nhất là vật liệu đá dăm, cát bởi tại địa phương chỉ có một số mỏ tư nhân với trữ lượng nhỏ, không đủ đáp ứng cho dự án.
Thiếu tá Hồ Sỹ Biên, Phó Giám đốc Ban điều hành Trường Sơn 5, Tổng công xây dựng Trường Sơn phản ánh, khó khăn lớn nhất mà nhà thầu gặp phải là thiếu vật liệu đá dăm, vật liệu dạng hạt để đắp các đầu cống.
Trước thực tế trên, ngoài việc ký hợp đồng với các chủ mỏ trên địa bàn huyện, nhà thầu sẽ kết nối, tìm thêm một số mỏ khác; đồng thời, kiến nghị phía địa phương tạo điều kiện cho nhà thầu làm thêm thủ tục khai thác để chủ động về nguồn vật liệu, nhất là nguồn cát.
Ông Lưu Nhất Phong, Giám đốc Ban quản lý dự án giao thông tỉnh Bình Định cho biết, trước “bão giá”, Ban đã thiết kế các hợp đồng theo điều chỉnh giá, đến cuối kỳ sẽ điều chỉnh giá vật liệu xây dựng cho các nhà thầu nhằm giảm thiểu đáng kể ảnh hưởng của giá vật liệu khi triển khai thi công các dự án. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát, điều hành giá vật liệu sát với giá thị trường giúp các nhà thầu tổ chức sản xuất ổn định, đảm bảo chất lượng công trình.
Theo thống kê từ Sở Xây dựng tỉnh Bình Định, trong 2 tháng đầu năm 2023, mặt hàng thép xây dựng tiếp tục điều chỉnh tăng với tỷ lệ từ 3 - 5%; xăng dầu tăng khoảng 3%. Riêng đối với khoáng sản cát, đá xây dựng, trước nhu cầu sử dụng ngày càng tăng cao, đặc biệt nhu cầu sử dụng cho các dự án xây dựng trọng điểm của tỉnh.
Cụ thể như: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đoạn qua tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2025 (13 triệu m3 đất san lấp, 1,8 triệu m3 cát xây dựng, 4,5 triệu m3); Dự án đường ven biển đoạn Cát Tiến - Diêm Vân (1,25 triệu m3 cát) dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung và tăng giá đột biến nếu cơ quan quản lý nhà nước không kịp thời thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giá vật liệu xây dựng. Có thời điểm, giá cát tăng tới 12%.
Ông Lê Anh Sơn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định thông tin, Sở Xây dựng đã có văn bản gửi đến các Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh, Ban Quản lý dự án 2, 85 (Bộ Giao thông Vận tải), UBND các huyện, thị xã, thành phố đề nghị các đơn vị này chủ động nắm bắt tình hình biến động giá vật liệu xây dựng, đặc biệt đối với nhóm vật liệu xây dựng chủ yếu (cát, đá, xi măng, thép xây dựng, nhựa đường) để phục vụ cho dự án.
Ngoài ra, có văn bản gửi về Sở đối với giá các loại vật liệu xây dựng có biến động bất thường hoặc giá công bố chưa phù hợp theo giá thị trường, làm cơ sở để liên Sở Xây dựng - Tài chính kịp thời xem xét, điều chỉnh công bố giá. Sở cũng đã phối hợp với Sở Tài chính đề nghị bổ sung mặt hàng đá xây dựng, cát xây dựng vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá trên địa bàn.