Giá vé liên tục tăng cao, có chặng tăng gấp 2 – 4 lần: Vì sao các hãng hàng không vẫn thua lỗ?
Còn hơn hai tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán song nhiều chuyến bay từ TP HCM đến một số địa phương như Thanh Hóa, Vinh,... đã hết chỗ, còn một số ghế giá tăng gấp đôi so với ngày thường.
Để chuẩn bị cho chuyến về Hà Nội thăm gia đình dịp Tết, anh Phạm Trung Kiên, trú tỉnh Bình Dương, lên mạng tìm mua vé máy bay về vào ngày 7/2 (28 tháng chạp) và trở lại ngày 15/2 (mùng 6 Tết).
Anh Kiên khảo sát giá một số chặng bay khứ hồi trong khoảng thời gian trên, cho thấy vé của Vietnam Airlines là 14 triệu đồng khứ hồi cho hai người. Bamboo Airways có giá tương tự kể cả chuyến bay đêm. Giá vé của Vietjet Air thấp hơn song chưa bao gồm hành lý gửi. Do giá vé tăng gấp đôi so với ngày thường, anh Kiên đang tính ra Tết mới về thăm quê hoặc chờ giá giảm khi cận ngày Tết.
Giá vé máy bay Tết nhiều chặng cao gấp 3 - 4 lần ngày thường
Hiện nay các hãng hàng không nội địa đã mở bán vé Tết, tuy nhiên giá vé được tính ở mức cao gấp 3 - 4 lần ngày thường. Theo đó, vé máy bay khứ hồi chặng Tp.HCM - Hà Nội trong cao điểm Tết của các hãng dao động mức 6,5 - 7 triệu đồng cho hạng phổ thông.
Các chặng từ Tp.HCM đi Vinh-Nghệ An; Thọ Xuân - Thanh Hóa; Đồng Hới - Quảng Bình; Phú Bài - Thừa Thiên Huế... giá vé cũng giao động mức trung bình từ 6-7 triệu đồng/vé khứ hồi cho hạng phổ thông. Mức giá hạng thương gia thì dao động mức 9 - 12 triệu đồng.
Đặc biệt các chặng Tp.HCM - Thanh Hóa hay Tp.HCM - Vinh hiện nay tình trạng vé máy bay khá căng thẳng. Các hãng hàng không vẫn chưa ra thông báo tăng tải, trên website bán vé thì mức giá rất cao và hầu như không có vé cho hạng phổ thông.
Trước đó, đón đầu mùa cao điểm Tết năm nay, các hãng hàng không đã mở bán vé Tết từ rất sớm (tháng 9/2023). Hàng triệu vé máy bay được cung ứng ra thị trường.
Tuy nhiên, điều đáng nói là vé máy bay giá rẻ trong dịp Tết năm nay rất khan hiếm. Ngay giai đoạn vừa mở bán, các hãng đã đưa ra mức giá khá cao so với ngày thường, rất khó để người dân tiếp cận.
Đại diện một hãng hàng không cho biết, giá vé máy bay Tết vẫn đang nằm trong khung giá quy định của Bộ Giao thông Vận tải, không tăng so với cùng kỳ Tết năm ngoái. Tuy nhiên, so sánh bối cảnh năm nay, cùng một mức giá vé nhưng áp lực lên người lao động lại gia tăng hơn.
Điều đáng nói, dù giá vé tăng bằng lần nhưng các hãng hàng không vẫn liên tục phát đi thông báo kinh doanh thua lỗ và cắt giảm đường bay.
Ngày 29/11, Tổng cục Thống kê cho biết, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 8 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước, trong đó chỉ số giá nhóm vé máy bay bình quân 11 tháng năm 2023 tăng 87,29% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do chi phí của các hãng bay đã tác động đến giá vận tải hàng không.
Báo cáo tài chính quý III/2023 của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) cho thấy, doanh thu đạt 23.600 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 9 tháng, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần 67.627 tỷ đồng, tăng trưởng tới 32,3%.
Tuy nhiên, trong báo cáo gửi lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), ước tính VNA có thể lỗ trước thuế 4.515 tỷ đồng troniêng năm 2023.
Khó khăn cũng diễn ra tương tự với hãng hàng không Bamboo Airways. Liên tục thay đổi nhân sự cấp cao, trong chưa đầy 1 năm qua, hãng hàng không này đã 5 lần thay người đứng đầu.
Đồng thời, hãng cũng liên tục gửi đi thông báo đến các đại lý về việc tạm dừng hàng loạt đường bay quốc tế mà hãng đang khai thác và đã từng đặt kỳ vọng như dừng đường bay đi Úc, Đức, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Singapore…
Với thị trường trong nước, hãng cũng giảm tần suất với nhiều đường bay trục chính, nhiều đường bay ngách cũng đã tạm dừng bay.
Lý giải vì sao giá vé tăng cao nhưng các hãng vẫn kêu lỗ, đại diện VNA cho biết, giá nhiên liệu trung bình năm 2023 so với năm 2015 (thời điểm khung giá vé máy bay hiện tại được áp dụng) đã tăng tới 58,6%. Cụ thể, giá nhiên liệu bay tăng từ hơn từ hơn 110 USD/thùng lên hơn 130 USD/thùng và tỷ giá cũng tăng khoảng hơn 10%.
“Năm 2023, giá nhiên liệu bay được xây dựng khoảng 112 USD/thùng trên cơ sở dự báo giá dầu thô Brent, nhưng rủi ro giá nhiên liệu diễn biến rất khó lường do nhiều yếu tố không chắc chắn về kinh tế vĩ mô, thị trường năng lượng và địa chính trị thế giới. Giá nhiên liệu bay chỉ cần tăng hoặc giảm 1 USD/thùng có thể tác động chi phí nhiên liệu”, đại diện Vietnam Airlines cho biết.
Ông Đinh Việt Sơn, Phó cục trưởng Hàng không Việt Nam, cho hay về tổng thể giá vé máy bay trên phạm vi toàn cầu đang cao hơn so với năm 2022 do chi phí đầu vào tăng. Hiện các hãng phải đối mặt với giá nhiên liệu tăng (nhiên liệu chiếm 36% phí vận chuyển). Cụ thể giá nhiên liệu Jet A1 tháng 10 là trên 122 USD/thùng, tăng hơn 60% so với năm 2019. "Thị trường vận tải hàng không nội địa đã dần hồi phục như giai đoạn trước dịch Covid-19 nhưng các hãng hàng không Việt Nam vẫn chưa thể có lãi", ông Sơn nói.
Để giảm giá vé máy bay, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các hãng bay tăng nguồn cung ra thị trường. Đồng thời, Cục hỗ trợ và khuyến khích các hãng tăng năng lực khai thác như thuê máy bay ngắn hạn, kéo dài thời gian khai thác hàng ngày của đội bay, tăng cường bay đêm. Các sân bay được yêu cầu chuẩn bị phục vụ nhu cầu bay đêm của khách.