Giá vé máy bay cao làm giảm tính cạnh tranh của các tour du lịch

'Sản phẩm du lịch ở khu vực đồng bào thiểu số phong phú, nhưng lưu trú trong nhiều khu vực thì chưa được phép. Trong khi du khách muốn đắm mình vào thiên nhiên. Vấn đề là chính quyền địa phương tính toán hợp lý, không quá cứng nhắc, phát huy tối ưu loại hình du lịch ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số', Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng trả lời đại biểu.

Đầu giờ sáng nay 6-6, Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng tiếp tục trả lời 10 chất vấn và 1 phát biểu tranh luận của đại biểu Quốc hội (ĐB) về giá vé máy bay, công nghiệp văn hóa, mô hình du lịch các bạn trẻ khởi nghiệp... Vẫn còn tới 34 ĐB chưa kịp chất vấn, sẽ được Bộ trưởng trả lời bằng văn bản.

 Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng trả lời đại biểu tại phiên chất vấn, sáng 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng trả lời đại biểu tại phiên chất vấn, sáng 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Lý Thị Lan (Hà Giang) nêu vấn đề thời gian vừa qua, giá vận chuyển trong nước tăng cao, điển hình là giá vé máy bay tăng cao dẫn đến giá tour du lịch trong nước tăng cao so với tour du lịch quốc tế. Bà đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp về vấn đề này, nhất là về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

“Cũng rất bức xúc, bởi trong cơ cấu giá tour, giá vé máy bay chiếm 30-40%. Giá vé máy bay cao làm giảm tính cạnh tranh của các tour du lịch. Nhưng việc này thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ GTVT và Bộ Tài chính”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ.

"Dù vậy, Bộ cũng đã thu thập thông tin, dữ liệu nhiều chiều để trao đổi với hai bộ trên", ông Nguyễn Văn Hùng nói. Sau khi làm việc với các đơn vị liên quan, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu nhiều nguyên nhân khiến giá vé máy bay tăng, như chi phí dịch vụ ở cảng hàng không và sân bay; chi phí giá đầu vào nhiên liệu.

 Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Bên cạnh đó, vừa qua, do máy bay phải bảo dưỡng định kỳ nên số lượng máy bay của chúng ta không nhiều như trước, ảnh hưởng đến giá vé.

Với các hãng hàng không, Bộ đề xuất doanh nghiệp cố gắng đảm bảo máy bay, tuyến bay và thiết kế tăng cường các chuyến bay đêm, các khung giờ bay để đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân nói chung, trong đó có du khách. Về phần các công ty lữ hành, ông mong muốn có sự điều chỉnh, tối ưu hóa lịch trình tour, tuyến; có gói sản phẩm kích cầu du lịch và có sự hỗ trợ lẫn nhau để giảm giá thành.

“Những đề xuất đó đã được chấp thuận và sau đó Thủ tướng đã có chỉ đạo trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Từ ngày 28-5, giá vé máy bay trên các tuyến đã giảm nhiệt”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thông tin.

"Chúng tôi đã đề nghị Bộ GTVT, Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét, ban hành chính sách hỗ trợ giảm giá phí điều hành khai thác ở các sân bay nhằm hỗ trợ giảm giá tour. Từ ngày 28-5, giá vé máy bay trên các tuyến đã giảm nhiệt", Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng

ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) hỏi liên quan giải pháp cho chính sách pháp luật về đất đai nhằm thu hút đầu tư du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vừa bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, vừa tạo sinh kế và nâng cao đời sống người dân.

Bộ trưởng cho biết đã và sẽ phối hợp với Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT để phát triển các sản phẩm du lịch khai thác được tài nguyên văn hóa, ẩm thực… địa phương. Nhưng hiện Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai còn một số điểm vướng. Sản phẩm du lịch phong phú, nhưng lưu trú trong nhiều khu vực lại chưa được phép. Trong khi du khách thì muốn đắm mình vào thiên nhiên, như rừng đặc dụng chẳng hạn, nhưng chưa làm được.

Theo Bộ trưởng, Luật Đất đai mới cũng đã có một số quy định thoáng hơn, phân cấp phân quyền cho địa phương. “Vấn đề là chính quyền địa phương tính toán hợp lý, không quá cứng nhắc, phát huy tối ưu loại hình du lịch ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, Bộ trưởng phát biểu.

ĐB Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) hỏi cần thực hiện những giải pháp gì để phát huy vai trò của ngành công nghiệp văn hóa trong mối liên kết với du lịch. Trong nhiều giải pháp, Bộ trưởng nhấn mạnh kinh nghiệm của Hàn Quốc trong đào tạo nhân lực.

“Bộ trưởng của họ trao đổi với tôi, họ đã gửi hàng ngàn người đi đào tạo bài bản ở nước ngoài. Không có nhân lực tốt thì không thể phát triển bền vững công nghiệp văn hóa”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận định.

Cũng liên quan vấn đề đào tạo nhân lực, ĐB Trình Lam Sinh (An Giang) hỏi về tình hình thực hiện Đề án 1437 của Chính phủ năm 2016 về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài, cũng như giải pháp để đạt mục tiêu Đề án đặt ra là đến năm 2030, nước ta sẽ có 930 người được cử đi học để hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao cho văn hóa nghệ thuật.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, đến nay, đề án này đã có một số điểm không còn phù hợp, tới đây sẽ tiến hành đánh giá, điều chỉnh. Những ngành công nghiệp văn hóa rất cần thì sẽ tăng cường, một số bộ môn ta đã tự đào tạo được rồi thì thôi.

“Bộ trưởng nắm chắc vấn đề, trả lời tâm huyết hầu hết các vấn đề mà ĐB đặt ra”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tổng kết nội dung chất vấn đối với Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/gia-ve-may-bay-cao-lam-giam-tinh-canh-tranh-cua-cac-tour-du-lich-post743281.html