Giá vé máy bay tăng cao ảnh hưởng đến du lịch, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch nói gì?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, trách nhiệm thuộc về Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính, nhưng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng không đứng ngoài cuộc.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn sáng 6/6.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn sáng 6/6.

Sáng 6/6, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường đối với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng. Ông Hùng có 30 phút để trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội nêu chiều 5/6.

Đại biểu Lý Thị Lan (đoàn Hà Giang) nêu vấn đề, thời gian vừa qua, giá vận chuyển trong nước tăng, đặc biệt là giá vé máy bay tăng cao làm giá tour du lịch trong nước tăng cao so với giá tour du lịch quốc tế. Điều này đã làm ảnh hưởng tới sự phục hồi chung của ngành du lịch. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp của Bộ VHTTDL đối với vấn đề này, nhất là các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp?

ĐBQH Lý Thị Lan (đoàn Hà Giang)

ĐBQH Lý Thị Lan (đoàn Hà Giang)

Trả lời chất vấn này của đại biểu Lý Thị Lan, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định trách nhiệm thuộc về Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính, nhưng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng không đứng ngoài cuộc.

Vì vậy, khi giá vé máy bay tăng tác động đến kinh tế - xã hội nói chung, trong đó có lĩnh vực du lịch, Bộ cũng đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ; tiến hành tổ chức các hội thảo, diễn đàn để thu thập thêm thông tin, phân tích thêm các dữ liệu; lắng nghe ý kiến các hiệp hội du lịch…

Qua đó thấy rằng, trong cơ cấu giá tour du lịch, thông thường vé máy bay và dịch vụ bao giờ cũng chiếm tỷ trọng 30 - 40%. “Vì vậy, nếu giá máy bay tăng cao sẽ ảnh hưởng đến giá thành của gói tour và làm giảm đi năng lực cạnh tranh của các tour du lịch”, ông Hùng nói.

Ông Hùng cho biết, qua làm việc với các bộ, ngành thì thấy, giá vé máy bay tăng vì phụ thuộc vào chi phí dịch vụ ở cảng sân bay; chi phí về giá đầu vào nhiên liệu; số máy bay phải đi bảo dưỡng, bảo hành theo định kỳ; trong khi số lượng máy bay không nhiều như trước nên đã ảnh hưởng đến giá máy bay.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã đề xuất Chính phủ và đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính kịp thời báo cáo với cấp có thẩm quyền để xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ giảm giá, phí điều hành khai thác tại các sân bay, từ đó góp phần hạ giá tour.

Đối với các hãng hàng không, Bộ đề xuất các doanh nghiệp này cố gắng có máy bay đảm bảo các tuyến, thiết kế tăng cường các chuyến bay đêm, khung giờ bay để đảm bảo nhu cầu đi lại cho nhân dân nói chung trong đó có du khách nói riêng.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề nghị các doanh nghiệp lữ hành tối ưu hóa chương trình tour, xây dựng điểm đến linh hoạt, có thể kết nối xây dựng gói sản phẩm kích cầu du lịch, có sự hỗ trợ lẫn nhau để hạ giá thành.

Sáng 6/6, Quốc hội bước vào ngày chất vấn cuối cùng

Sáng 6/6, Quốc hội bước vào ngày chất vấn cuối cùng

Ông Hùng thông tin, những đề xuất đó đã được chấp thuận và sau đó Thủ tướng đã có chỉ đạo, nên bắt đầu từ ngày 28/5 giá vé máy bay trên các tuyến đã "giảm nhiệt".

“Tôi cho rằng, khi vấn đề được nêu lên, các bộ ngành ngồi lại bàn bạc, tính toán, xem xét, sao cho tối ưu hóa các lợi nhuận và quán triệt quan điểm của Thủ tướng là “lợi ích phải hài hòa, rủi ro cùng chia sẻ” thì sẽ giải quyết được vấn đề. Vừa qua đã có kết quả bước đầu”, ông Hùng nói.

Trước đó, tại phiên thảo luận tại hội trường sáng 23/5 về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội đã phản ảnh câu chuyện này và hiến kế để giúp "hạ nhiệt" giá vé máy bay.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu)kiến nghị 3 giải pháp:

Thứ nhất, cơ quan quản lý cần tạo cơ chế cạnh tranh minh bạch trong hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách bằng đường hàng không, để hoạt động này "quay về bản chất thực của nó"; không còn râm ran trong dư luận câu chuyện có hay không việc độc quyền, ghim vé máy bay để dẫn tới khan hiếm, bán giá cao khi người dân có nhu cầu.

Thứ hai, cần có chính sách thu hút đầu tư hạ tầng hàng không, thay vì chỉ có Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), để kiểm soát, hạn chế tối đa sự chồng chéo thuế, phí, dẫn tới giá vé máy bay tăng cao.

Thứ ba, đề nghị cân nhắc, xem xét lại quy định về giá sàn, giá trần đối với giá vé máy bay nội địa.

Trong khi đó, đại biểu Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề nghị có gói hỗ trợ hàng không, du lịch để có những giảm giá. Đơn cử như hỗ trợ phí dịch vụ ở các sân bay (vốn chiếm 10 - 30% giá vé).

Theo ông Sơn, hợp tác giữa ngành hàng không và du lịch đa phần vẫn mạnh ai nấy làm, lợi ai người ấy hưởng, không có cơ chế chia sẻ rủi ro, giá vé máy bay cao, ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch, hàng không và ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển kinh tế - xã hội các địa phương.

Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo 5 nội dung:

Phát biểu kết thúc phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề văn hóa, thể thao và du lịch sáng 6/6, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, phiên chất vấn có 45 lượt ý kiến phát biểu (trong đó có 37 ý kiến chất vấn, 08 ý kiến tranh luận). Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung, nắm chắc vấn đề, trả lời thẳng thắn, tâm huyết, cụ thể, đầy đủ các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Qua phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL, các Bộ trưởng liên quan quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp:

Thứ nhất, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tuyển chọn, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực trong các lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật chuyên sâu, đặc thù.

Thứ hai, khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ ba, sớm ban hành và triển khai thực hiện Quy hoạch hệ thống phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ tư, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch. Rà soát, hoàn thiện cơ chế quản lý, vận hành và phát huy vai trò của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.

Thứ năm, tăng cường đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...

Minh Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/gia-ve-may-bay-tang-cao-anh-huong-den-du-lich-bo-truong-van-hoa-the-thao-va-du-lich-noi-gi-post346716.html