Gia Viễn: Tận dụng lợi thế để phát triển du lịch

Với sự giàu có về thiên nhiên, văn hóa và truyền thống lịch sử, huyện Gia Viễn đã khai thác hiệu quả tiềm năng và cơ hội để phát triển du lịch. Tạo đà vươn mình trở thành một trong những trung tâm kinh tế vùng, là động lực cho sự phát triển của tỉnh.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long hấp dẫn khách du lịch. Ảnh: Minh Quang

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long hấp dẫn khách du lịch. Ảnh: Minh Quang

Gia Viễn là vùng đất cổ, địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa; sở hữu nhiều di tích, danh lam, thắng cảnh nổi tiếng. Điển hình như: Khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính (xã Gia Sinh); Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long (xã Gia Vân); suối khoáng Kênh Gà (xã Gia Thịnh); điểm tham quan du lịch hang Bóng, hang Cá, động Địch Lộng (được xếp là "Nam thiên đệ tam động"- động đẹp thứ ba trời Nam)… Những di tích lịch sử như: Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng - lăng Phát tích, chùa Kỳ Lân (Gia Phương); Thung Lau, Thung Lá (Gia Hưng); đền Đức Thánh Nguyễn (xã Tiến Thắng)…

Sự giàu có về thiên nhiên, văn hóa, truyền thống lịch sử là cơ sở, động lực và lợi thế lớn để huyện Gia Viễn phát triển du lịch, coi đây là một trong những hướng đi chủ lực trong định hướng phát triển kinh tế địa phương.

Bên cạnh đó, huyện cũng có cách làm hay, sáng tạo trong việc khai thác lợi thế để phát triển du lịch. Điển hình như khai thác hoạt động du lịch, sản phẩm du lịch, các tour du lịch trải nghiệm gắn với bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử văn hóa địa phương với chủ đề “Tìm về cội nguồn”. Tour du lịch trải nghiệm đặc sắc được tổ chức đã tạo điểm nhấn thu hút du khách đến với Gia Viễn.

Đặc biệt, huyện Gia Viễn đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm du lịch trên địa bàn. Theo đó, huyện đã thành lập, ra mắt Chi hội du lịch huyện Gia Viễn nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, tập trung nguồn nhân lực của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn huyện.

Đồng thời, huyện đã phối hợp tổ chức nhiều chương trình tập huấn, nâng cao văn hóa giao tiếp ứng xử, kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ, kỹ năng phục vụ khách du lịch cho những người làm du lịch. Từ đó, hình thành đội ngũ quản lý, phục vụ, thuyết minh, hướng dẫn viên du lịch người địa phương, các cơ sở kinh doanh nhà nghỉ, nhà hàng, homestay, các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động du lịch trên địa bàn huyện.

Nâng cao kiến thức, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch ở Khu du lịch sinh thái Vân Long. Ảnh: Minh Đường

Nâng cao kiến thức, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch ở Khu du lịch sinh thái Vân Long. Ảnh: Minh Đường

Huyện cũng chỉ đạo các phòng chức năng, các địa phương tổ chức có hiệu quả các chuyến đi khảo sát, học hỏi mô hình du lịch của các địa phương khác, từ đó có cách làm phù hợp với địa phương mình. Huyện cũng quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Tổng phụ trách Đội và đội ngũ giáo viên trong các trường học nhằm nâng cao trình độ, chuyên môn về giáo dục địa phương gắn với trải nghiệm tour du lịch...

Trước đây, chị Thục Anh (xã Gia Sinh) làm tại một công ty ở Hà Nội. Kể từ khi có dịch COVID-19, chị Thục Anh về quê và quyết định gắn bó với công việc làm hướng dẫn viên cho Khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính. Ban đầu, chị Thục An gặp nhiều khó khăn bởi nghiệp vụ, kỹ năng, kinh nghiệm…

“Thời điểm tôi xin vào nghề đúng lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, vì vậy khách du lịch cũng rất ít. Tôi tranh thủ quỹ thời gian đó để tham gia học tập, trau dồi kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng từ các lớp bồi dưỡng và từ chính những đồng nghiệp có nhiều kinh nghiệm. Nhờ vậy, khi dịch bệnh được kiểm soát, du khách tới tham quan đông trở lại, tôi cũng đã tự tin để làm một hướng dẫn viên”- chị Thục Anh nói.

Ông Phạm Hồng Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Sinh cho biết, hiện nay, ở Gia Sinh có hàng trăm người làm việc trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ như hướng dẫn viên du lịch, bán hàng, bảo vệ, lái xe điện, vệ sinh môi trường… Xác định rõ, mỗi một người lao động dù làm bất cứ công việc gì cũng đều phải có trách nhiệm như một “đại sứ” du lịch. Họ không chỉ quảng bá, giới thiệu vẻ đẹp của khu di tích, của địa phương mà còn đại diện cho vẻ đẹp, sự tinh tế, khéo léo, hồn hậu và mến khách của con người nơi đây.

Để đạt được những chuẩn mực nhất định đó, những năm qua, thực hiện sự chỉ đạo của huyện, xã Gia Sinh cũng đã tích cực phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp như: lớp bồi dưỡng tiếng Anh; kỹ năng phục vụ ăn nghỉ tại nhà hàng, khách sạn…; động viên người lao động tự rèn luyện để nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho bản thân mình. Nhờ đó, người lao động trong lĩnh vực du lịch của Gia Sinh ngày càng được nâng cao về chất lượng.

Với sự phát triển nhanh về số lượng và chất lượng, đội ngũ nhân lực đã góp phần quan trọng vào việc tạo thêm sức hút cho du lịch của huyện Gia Viễn.Đây là yếu tố chủ yếu giúp ngành thương mại, dịch vụ và du lịch tiếp tục phát triển toàn diện.

Số lượng khách du lịch đến các điểm tham quan trên địa bàn huyện tăng nhanh qua các năm, bình quân mỗi năm đạt 1,4 triệu lượt khách. Riêng năm 2025, phấn đấu đạt 2,55 triệu lượt khách, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Doanh thu từ hoạt động du lịch cũng tăng trưởng khá ấn tượng. Trong giai đoạn 2020-2025, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 5.438 tỷ đồng, bình quân mỗi năm đạt 1.087,6 tỷ đồng, bình quân tăng 1,96 lần/năm. Riêng năm 2025, doanh thu từ hoạt động du lịch phấn đấu đạt 1.600 tỷ đồng.

Thu Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/gia-vien-tan-dung-loi-the-de-phat-trien-du-lich-256053.htm