Giá vịt xiêm tăng cao, nhiều hộ dân tái đàn
Giá vịt tại nhiều địa phương vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đang ở mức cao kỉ lục kể từ đầu năm đến nay khiến nhiều hộ dân tích cực tái đàn.
Giá lên đỉnh cao nhất
Năm nay, giá vịt trải qua nhiều đợt giảm giá khiến người chăn nuôi rơi vào tình trạng lỗ vốn. Thời điểm hiện tại, họ dần vực lại được nguồn tài chính khi giá vịt bất ngờ cao kỉ lục từ đầu năm đến nay.
Cụ thể, tại Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ĐBSCL như Bến Tre, Vĩnh Long… giá vịt ta (vịt hơi loại 1, lông trắng) được hộ chăn nuôi bán cho thương lái và các cơ sở kinh doanh gia cầm ở mức 50.000 - 58.000 đồng/kg, còn vịt xiêm có giá 62.000 - 65.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá vịt ta làm sẵn bán lẻ tại nhiều chợ và điểm kinh doanh thịt gia cầm ở mức 85.000 - 90.000 đồng/kg, còn vịt xiêm có giá 110.000 đồng/kg. Ở một mặt hàng khác như heo hơi, giá dao động khoảng từ 49.000 - 52.000 đồng/kg. Điều này cho thấy, giá vịt xiêm đang cao gấp hơn 2 lần giá lợn hơi.
Giá vịt ta tăng cao mức kỷ lục ở ĐBSCL. (Ảnh minh họa)
ĐBSCL là khu vực nuôi vịt lớn nhất cả nước. Chăn nuôi thủy cầm là nghề truyền thống và là nguồn thu nhập quan trọng của hàng nghìn hộ nuôi vịt ở vùng ĐBSCL. Mặc dù hiện nay, nhiều nơi đã hình thành các mô hình chăn nuôi công nghiệp, nhưng chăn nuôi theo phương thức vịt chạy đồng vẫn phổ biến. Bởi theo phương thức này, người nuôi có thể tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trên đồng ruộng, giảm chi phí sản xuất.
Giá vịt thịt tăng cao do sức mua tăng và nguồn cung giảm vì thời gian qua giá thấp, người dân giảm nuôi. Bởi lẽ lúc này, đồng ruộng chưa thu hoạch, không có chỗ chăn thả nên người dân chưa chăn nuôi vịt thả đồng.
Dịch Covid-19 dần được khống chế nhiều địa phương đã cho các chợ và dịch vụ ăn uống mở cửa hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới nên sức tiêu thụ thịt vịt và nhiều loại gia cầm tăng. Ngoài ra, do ảnh hưởng bởi thức ăn gia cầm và nhiều chi phí đầu vào phục vụ chăn nuôi tăng cao, khi đầu ra sản phẩm thuận lợi, người chăn nuôi thương lượng với người mua để bán sản phẩm giá cao hơn trước.
Thận trọng tái đàn
Nhằm phục vụ nhu cầu của người dân vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian qua, nhiều chủ trang trại và hộ chăn nuôi đã chủ động tái đàn, bảo vệ và phát triển đàn vật nuôi. Tuy nhiên, vịt là vật nuôi ngắn ngày (một lứa chỉ từ 55 - 60 ngày được xuất bán), do vậy việc tái đàn sẽ nhanh. Người dân không nên thấy giá vịt tăng cao mà tái đàn ồ ạt sẽ dẫn tới tình trạng cung thừa cầu. Người chăn nuôi nên cân nhắc tái đàn trong thời điểm hiện nay.
Theo Trưởng Phòng Dịch tễ, Chi cục Thú y Long An – Nguyễn Văn Cường: “Thời gian tới, thời tiết rất phức tạp sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cũng như khả năng đề kháng của vật nuôi. Trong khi đó, gần tết, việc tái đàn phục vụ tiêu dùng làm cho mật độ chăn nuôi tăng, việc vận chuyển buôn bán tăng mạnh nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh tương đối cao, khó kiểm soát”.
Việt Nam cũng là nước có nguy cơ lây lan, bùng phát dịch cúm gia cầm rất lớn. Bởi mầm bệnh ở nhiều nơi, mật độ chăn nuôi cao, thời tiết cực đoan, tập quán buôn bán, giết mổ lạc hậu. Trước thực trạng này, chăn nuôi an toàn sinh học được xem là bài toán hiệu quả nhất để phát triển bền vững. Tuy nhiên, chăn nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học cần lưu tâm đến chất lượng con giống (nhất là con giống bố, mẹ).
Mô hình nuôi vịt xiêm thả vườn. (Ảnh minh họa)
Nhằm bảo vệ tốt hơn đàn vật nuôi phục vụ nhu cầu thực phẩm của người tiêu dùng dịp tết, công tác phòng, chống dịch bệnh và chống rét cần được đặc biệt quan tâm. Theo đó, người chăn nuôi cần chủ động sử dụng nhiều biện pháp như che chắn chuồng trại, sưởi ấm cho gia súc, gia cầm, bảo đảm chuồng trại khô, kín gió.
Bên cạnh đó, quy trình chăn nuôi cần bảo đảm từ lò ấp nở đến nguồn thức ăn, nước uống như vậy sẽ nâng cao sản lượng trứng đẻ, kích cỡ trứng. Đồng thời, liên kết đưa trứng vịt tham gia vào chuỗi khép kín từ nơi sản xuất đến bàn ăn, góp phần bảo đảm tiêu thụ ổn định; tổ chức các lớp tập huấn về chăn nuôi an toàn sinh học, cập nhật các kiến thức, kỹ thuật mới về chăn nuôi vịt cho người dân…