Giả vờ giúp 'lấy lại tiền bị lừa' để lừa tiền

Các hình thức lừa đảo như 'lấy lại tiền bị lừa', mua thuốc đặc trị hay xuất khẩu lao động, du lịch miễn thị thực đang nở rộ trên mạng xã hội.

 Người dân cần cảnh giác những hình thức lừa đảo đang ngày càng tinh vi trên mạng xã hội. Ảnh: Bộ TT&TT.

Người dân cần cảnh giác những hình thức lừa đảo đang ngày càng tinh vi trên mạng xã hội. Ảnh: Bộ TT&TT.

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cảnh báo người dân cần đặc biệt lưu ý và tìm hiểu những dấu hiệu để nhận biết và phòng tránh kịp thời hình thức lừa đảo "lấy lại tiền bị lừa" đang tràn lan trên mạng xã hội.

Cụ thể, các đối tượng tạo lập các tài khoản ảo, không có thông tin rõ ràng về công ty, địa chỉ hoặc các thông tin liên hệ. Đối tượng lừa đảo chạy quảng cáo các bài đăng với nội dung "hỗ trợ lấy lại tiền", "cam kết lấy lại được tiền bị lừa", bên dưới là những bình luận cảm ơn đã lấy lại tiền bằng những tài khoản ảo khác.

Sau khi được người dùng liên hệ, các đối tượng nhiệt tình tư vấn, đồng thời liên tục hứa hẹn, cam kết lấy lại 100% số tiền đã mất.

Tiếp đó, đối tượng yêu cầu nạn nhân cung cấp các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số tiền đã bị lừa và chuyển khoản thành công "tiền phí dịch vụ". Tuy nhiên, ngay lập tức nhân viên thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi và không cho rút tiền về. Khi nạn nhân thắc mắc thì đối tượng sẽ chặn toàn bộ liên lạc.

Bên cạnh đó, Cục An toàn thông tin cũng khuyến cáo người dân cảnh giác với hình thức mua thuốc đặc trị trên mạng. Cơ quan này lưu ý người dân tuyệt đối không thực hiện mua bán trên mạng xã hội, đặc biệt là đối với các loại thuốc đặc trị không rõ nguồn gốc. Người dân khi có bệnh, cần đến bệnh viện để trực tiếp thăm khám và mua thuốc dưới sự tư vấn và chỉ định của bác sĩ.

Đồng thời, người dân cần tuyệt đối cảnh giác với quảng cáo thuốc hứa hẹn chữa trị nhanh chóng các bệnh nghiêm trọng hoặc cung cấp kết quả thần kỳ mà không có bằng chứng rõ ràng; cũng như tìm hiểu về nhà sản xuất và thuốc qua các nguồn thông tin đáng tin cậy như trang web của cơ quan quản lý dược phẩm hoặc các tổ chức y tế.

Bên cạnh đó, trên mạng xã hội cũng đang xuất hiện các chiêu trò lừa đảo xuất khẩu lao động, du lịch miễn thị thực. Cục khuyến cáo người dân kiểm tra tính xác thực và thông tin của đối tượng, công ty dịch vụ mà mình liên hệ; chỉ làm visa thông qua các đại lý hoặc dịch vụ làm visa được chứng nhận, có địa chỉ văn phòng cụ thể và thông tin liên hệ rõ ràng.

Cơ quan này lưu ý người dân tuyệt đối không truy cập vào những đường link lạ, chủ động tìm kiếm và truy cập vào trang web của cơ quan lãnh sự, đại sứ quán hoặc các tổ chức chính thức để tìm hiểu quy trình làm visa; không tin vào các dịch vụ hứa hẹn cấp visa nhanh chóng hoặc đảm bảo tỷ lệ thành công cao mà không cần kiểm tra hồ sơ kỹ lưỡng.

Diệu Thanh

Nguồn Znews: https://znews.vn/canh-giac-voi-chieu-lua-dao-lay-lai-tien-bi-lua-post1489993.html