Giá xăng dầu đồng loạt giảm, RON 95 về sát 23.000 đồng/lít
Giá xăng dầu chiều 21/2: Mỗi lít xăng RON 95 và E5 RON 92 đều giảm 320 đồng; dầu diesel giảm 700 đồng, dầu hỏa giảm 750 đồng.
Chiều nay 21/2, liên Bộ Công thương - Tài chính điều hành giá xăng dầu theo quy định. Các doanh nghiệp đầu mối sẽ đưa ra mức giá bán lẻ không cao hơn giá điều hành từ liên Bộ.
Thông báo từ doanh nghiệp đầu mối cho thấy, giá mặt hàng xăng đồng loạt giảm từ 15h chiều nay (21/2).
Cụ thể, mỗi lít xăng RON 95 giảm 320 đồng, xuống mức 23.440 đồng; xăng E5 RON 92 xuống 22.540 đồng, giảm 320 đồng.
Giá các mặt hàng dầu đồng loạt giảm. Dầu diesel giảm 700 đồng, xuống 20.860 đồng một lít; dầu hỏa có mức giá mới là 20.840 đồng, giảm 750 đồng. Riêng dầu mazut tăng 620 đồng, có giá mới là 14.250 đồng/kg.
Trong kỳ điều chỉnh lần này, cơ quan điều hành đã quyết định không trích lập, cũng không chi Quỹ Bình ổn xăng dầu với xăng.
Mới đây, Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời kiến nghị cử tri gửi trước kỳ họp thứ 4 và kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội.
Theo đó, cử tri phản ánh, tình hình kinh tế khó khăn, nguy cơ Việt Nam đối mặt lạm phát tăng cao. Để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng suy thoái kinh tế, cử tri kiến nghị Chính phủ có giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; giảm, bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với xăng dầu.
Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ Tài chính khẳng định thu thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng là phù hợp!.
Bộ này cho biết, theo quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, chỉ thu thuế này đối với xăng các loại, không thu thuế đối với dầu. Mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng 10%, xăng E5 8% và xăng E10 ở mức 7%.
Thuế TTĐB là loại thuế thu vào hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng (thuốc lá, rượu, bia,...), cần tiêu dùng tiết kiệm (xăng gốc hóa thạch), và những nhóm hàng hóa, dịch vụ được bộ phận người có thu nhập cao tiêu dùng cần phải điều tiết thu nhập (ô tô, máy bay, du thuyền, chơi gôn...).
"Xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo cần phải sử dụng tiết kiệm”, Bộ Tài chính cho biết, đồng thời dẫn chứng hầu hết các nước đều thu thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng, bao gồm: Pháp, Đức, Ý, Anh, Hàn Quốc, Úc, Thái Lan, Sigapore, Trung Quốc, Campuchia, Lào...
Tại Việt Nam, mặt hàng xăng là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 1995. Quy định này phù hợp với mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt và phù hợp thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, biến động khí hậu đang là vấn đề toàn cầu, cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP26 về giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Cùng với giải pháp khác, thu thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng như hiện nay phù hợp, góp phần giảm phát thải.