Giá xăng dầu giảm sâu, giá cước vận tải giảm chậm
Thời gian qua, liên Bộ Công thương - Tài chính đã nhiều lần điều chỉnh giảm giá xăng, dầu. Mặc dù, giá bán lẻ xăng, dầu trong nước đã giảm, song giá cước vận tải và các mặt hàng hóa thiết yếu lại giảm rất chậm. Vì sao?
Thời gian qua, liên Bộ Công thương - Tài chính đã nhiều lần điều chỉnh giảm giá xăng, dầu. Mặc dù, giá bán lẻ xăng, dầu trong nước đã giảm, song giá cước vận tải và các mặt hàng hóa thiết yếu lại giảm rất chậm. Vì sao?
Ghi nhận của phóng viên Báo Hà Nam cho thấy, hàng hóa vẫn được mua - bán theo mức giá tương tự những tháng trước đó. Hầu hết các tiểu thương ở chợ Bầu cho biết, giá cả hàng hóa vẫn giữ nguyên theo giá từ tháng 5 trở lại đây. Theo lý giải của nhiều tiểu thương, đặc thù của hàng nông sản là phụ thuộc nhiều vào thời tiết vùng trồng và chi phí trồng trọt, còn chi phí vận chuyển chỉ chiếm phần rất nhỏ.
Theo nhiều nhà xe chuyên vận chuyển hàng nông sản từ các tỉnh phía Bắc về Hà Nam cho biết, trong thời gian xăng, dầu tăng giá, họ phải đàm phán rất lâu mới được tăng một phần giá cước vận chuyển nên hiện chưa có kế hoạch giảm giá cước. Còn theo các chuyên gia trong ngành vận tải, khi giá xăng, dầu giảm liên tục trong hơn 1 tháng qua đã góp phần giúp nhà phân phối kìm hãm được đà tăng giá hàng hóa. Khi giá xăng, dầu tăng thì giá vận tải tăng nhưng thường khi giá xăng, dầu giảm sẽ có độ trễ nhất định để giá cước vận tải giảm. Bởi vì các doanh nghiệp phải nhập, trữ nguyên liệu từ nhiều tháng trước nên khó có thể giảm giá ngay theo nhịp điệu giảm giá xăng.
Trong thời gian vừa qua, khi giá nhiên liệu tăng, giá cước vận tải ở một số lĩnh vực của ngành giao thông đã điều chỉnh tăng. Ví như đường bộ, theo thống kê có đến 80-90% số doanh nghiệp vận tải hành khách theo tuyến cố định đã kê khai điều chỉnh tăng từ 10-15%, vận tải hàng hóa tăng từ 7-10% nhằm bù đắp cho chi phí về xăng, dầu. Tuy nhiên, khi giá xăng, dầu giảm, giá cước vận tải hầu như điều chỉnh rất chậm. Thậm chí có nhiều nhà xe vẫn giữ nguyên giá cước vận tải như thời điểm giá xăng hơn 30 nghìn đồng/lít.
Chị Trần Thị Hà, ở Phường Lương Khánh Thiện (TP Phủ Lý) cho biết: Cách đây khoảng 1 năm khi giá xăng RON 95 có 25 nghìn đồng/lít, giá xe khách từ Phủ Lý đến Hà Nội 55 nghìn đồng/lượt/người. Hiện nay, giá xăng cũng đã giảm về ngưỡng đó, giá cước vận tải nhiều nhà xe vẫn lấy cung đường Phủ Lý – Hà Nội giá 70 nghìn đồng/ lượt, không khác gì lúc giá xăng hơn 30 nghìn đồng/lít. Chúng tôi kiến nghị Nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ về giá, nhất là giá cước vận tải khi mà giá xăng, dầu giảm. Tránh tình trạng, khi giá xăng, dầu tăng, các nhà xe tăng giá đột biến, sau đó giá xăng, dầu giảm lại không chịu giảm giá hoặc giảm nhỏ giọt, đẩy hàng hóa khác không giảm, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Ngày 31/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 679 về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. Bộ Giao thông vận tải đã có chỉ đạo các đơn vị khẩn trương triển khai rà soát để kê khai giảm giá. Bộ cũng đã yêu cầu các tổng cục, cục phối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông vận tải (GTVT) các địa phương rà soát những đơn vị vận tải và yêu cầu đăng ký giảm giá. Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các cục cũng đã triển khai tăng cường công tác kiểm tra hướng dẫn Sở GTVT triển khai quy định về kê khai niêm yết và Công điện 679 của Thủ tướng Chính phủ. Tại Hà Nam, Sở GTVT cũng đã yêu cầu các đơn vị vận tải đăng ký giảm giá và niêm yết công khai giảm giá. Thanh tra Sở GTVT cũng tăng cường kiểm tra các phương tiện vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, đặc biệt kiểm tra về giá cước vận tải.
Nhằm tránh tình trạng trục lợi, lợi dụng khi giá xăng, dầu giảm song giá cước vận tải vẫn tăng cao, thiết nghĩ các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra giám sát những đơn vị vận tải hàng hóa, vận tải hành khách về việc đăng ký giảm giá và công khai giá cước. Có như vậy mới góp phần bình ổn thị trường, góp phần bảo đảm tốt hơn đời sống của người dân sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát.