Giá xăng dầu ngày 5/2: Trượt mốc 80 USD/thùng trong tuần

Giá dầu Brent ghi nhận mức giảm 7,8% trong tuần này và WTI giảm 7,9%. Nguyên nhân do hoài nghi triển vọng tiêu thụ tác động đến nguồn cung bởi các lệnh cấm vận của EU, G7 đối với Nga.

Khép tuần giao dịch, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, hôm nay ghi nhận giá dầu dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3/2023 đứng ở mức 72,23 USD/thùng. Còn giá dầu Brent giao tháng 4/2023 đứng ở mức 79,76 USD/thùng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Giá dầu hôm nay tiếp đà sụt giảm trong bối cảnh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước triển vọng phục hồi nhu cầu tiêu thụ gia tăng khi Fed và ECB tăng lãi suất.

Cả Brent và WTI cùng ngập trong sắc đỏ khi kết thúc tuần. Giá dầu Brent giảm xuống dưới 80 USD/thùng. So với trước đó 3 tuần, giá dầu Brent đã ghi nhận mức giảm 7,8% trong tuần này và WTI giảm 7,9%.

Các chuyên gia nhận định, sau tuần giảm giá mạnh và cũng đang trên đà lao dốc, giá dầu thô bất ngờ bước vào tuần giao dịch từ ngày 30/1 với xu hướng tăng nhẹ trong bối cảnh đồng USD yếu hơn và thị trường dự báo về việc OPEC+ sẽ giữ nguyên chính sách cắt giảm sản lượng.

Nguồn cung dầu thô cũng được dự báo giảm khi Nga có kế hoạch cắt giảm sản lượng từ 5 - 7% vào đầu tháng 2/2023, trong khi OPEC+ nhiều khả năng tiếp tục duy trì chính sách cắt giảm sản lượng.

Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 30/1 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3/2023 đứng ở mức 80,32 USD/thùng. Còn giá dầu Brent giao tháng 3/2023 đứng ở mức 86,90 USD/thùng.

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch sau đó, đà tăng của giá dầu đã không thể duy trì khi giới đầu tư lo ngại quyết định tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương sẽ gia tăng đáng kể áp lực đối với triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu.

Những thông tin về nguồn cung dầu thô từ Nga vẫn khá dồi dào, bất chấp các lệnh cấm vận của EU, G7… cũng là yếu tố khiến giá dầu ngày 31/1 đi xuống.

Giàn RC-10 khai thác dầu khí ngoài khơi của Petrovietnam. Ảnh minh họa

Giàn RC-10 khai thác dầu khí ngoài khơi của Petrovietnam. Ảnh minh họa

Song bước vào phiên giao dịch giữa tuần, trong bối cảnh đồng USD yếu hơn và lo ngại nguồn cung dầu thô từ Nga sụt giảm mạnh sau khi nước này công bố các biện pháp giám sát hoạt động xuất khẩu dầu, giá dầu đã quay đầu tăng mạnh.

Áp lực giảm giá với dầu thô tiếp tục gia tăng trong phiên giao dịch sau đó khi đồng USD phục hồi trong bối cảnh Fed phát đi thông điệp về khả năng đưa lãi suất lên mức 5 - 5,25% trước khi dừng lại.

Giới chuyên gia lo ngại, lãi suất tăng sẽ làm tăng chi phí sản xuất hàng hóa và các hoạt động kinh tế khác, qua đó có thể đẩy lạm phát tăng trở lại. Điều này được dự báo tạo các tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.

Giá dầu giảm mạnh còn do thị trường ghi nhận dấu hiệu chậm lại của nền kinh tế Mỹ. Ở diễn biến khác, triển vọng tiêu thụ dầu tại Mỹ, nước tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới, cũng đang bị hạn chế bởi đồng USD mạnh hơn và mặt bằng lãi suất cao hơn, trong khi các nền kinh tế lớn như EU, Anh, Nhật, Canada… vẫn đang được cảnh báo nguy cơ suy thoái.

Quyết định mở cửa trở lại nền kinh tế của Trung Quốc được kỳ vọng thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu. Tuy nhiên, theo những dữ liệu gần đây thì triển vọng này vẫn khá mờ nhạt.

Mới nhất, ngân hàng ANZ đã chỉ ra rằng, mặc dù lượng giao thông tại 15 thành phố lớn của Trung Quốc đã tăng vọt sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nhưng các thương nhân của Trung Quốc lại khá thưa thớt.

Sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 mới tại nhiều nền kinh tế lớn như Nhật Bản cũng dấy lên nhiều lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu.

Nguyên Dương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/gia-xang-dau-ngay-5-2-truot-moc-80-usd-thung-trong-tuan.html