Giá xăng dầu tăng, nhiều tàu cá nằm bờ
Thông thường, từ mồng 4 đến mồng 6 tháng Giêng hằng năm, các làng biển ở miền trung đều tổ chức ra khơi đánh bắt. Nhưng năm nay, giá xăng, dầu trong nước đang ở mức rất cao cộng với ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giá hải sản xuống thấp; thiếu nhân lực đi biển... đã khiến nhiều tàu, thuyền đánh cá của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh phải nằm bờ chờ chính sách hỗ trợ. Một số ngư dân vẫn 'cắn răng' tiếp tục vươn khơi để có nguồn thu nhập, trả lãi vay ngân hàng...
Sau quãng thời gian phải nằm bờ do tác động của thời tiết và giá nhiên liệu tăng cao, ông Nguyễn Văn Ninh, chủ tàu cá HT 20454 ở xã Thạch Kim, Thạch Hà (Hà Tĩnh) vẫn phải cho tàu xuất bến đánh bắt. “Mặc dù sản lượng đánh bắt không thay đổi so với trước, nhưng do giá dầu tăng “phi mã” kéo theo các nguyên vật liệu tăng theo, giá hải sản giảm... nên các chuyến tàu đều lỗ. Nhưng ngặt nỗi tiến thoái lưỡng nan: đi không được, ở nhà không xong!... Không ra khơi thì không có tiền trả lãi vay đóng tàu và người lao động (bạn thuyền) sẽ tìm đến chủ tàu khác để kiếm kế sinh nhai. Do đó, dù có phải bù lỗ cũng phải cho tàu xuất bến”, ông Nguyễn Văn Ninh chia sẻ.
Phó Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Hà Tĩnh Thân Quốc Tế cho biết, câu chuyện bù lỗ của ông Ninh là tình cảnh chung của nhiều chủ tàu, thuyền đang hoạt động tại cảng cá Cửa Sót (Lộc Hà) hiện nay. Ngoài các tàu, thuyền buộc phải ra khơi để giữ chân người lao động, hầu hết tàu, thuyền khác phải nằm bờ do hoạt động đánh bắt không mang lại hiệu quả. Khác với cảnh tấp nập thuyền ra vào cảng như trước đây, tại cảng cá Cửa Sót hiện bình quân mỗi ngày chỉ có 15 tàu, thuyền cập cảng. Ông Nguyễn Văn Bê, Tổ trưởng Quản lý nghề cá xã Xuân Liên, Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho biết, sau dịp nghỉ Tết, mặc dù thời tiết khá thuận lợi, nhưng hoạt động đánh bắt gần bờ hết sức ảm đạm. Số thuyền ra khơi cứ giảm theo từng ngày, ngư dân bây giờ chỉ biết ở nhà chơi...
Trong tổng số hơn 3.500 thuyền đánh bắt hải sản ven bờ ở Hà Tĩnh hiện nay, chỉ có khoảng 500 thuyền đang hoạt động, số còn lại nằm bờ. Người dân vùng biển vốn khó khăn do tác động của dịch Covid-19, nay đời sống lại càng bấp bênh hơn.
Thực trạng thuyền nằm bờ lâu ngày không chỉ ảnh hưởng lớn đến đời sống của ngư dân mà còn tác động tiêu cực đến hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá. Hiện lượng tiêu thụ dầu ở năm đầu mối bán cho các tàu thuyền tại cảng cá Cửa Sót giảm từ 50-60% so với trước đây, và sản lượng thu mua của các cơ sở chế biến hải sản chỉ đáp ứng được hai phần ba so với nhu cầu. Bà Lê Thị Khương, Giám đốc Hợp tác xã thu mua và chế biến hải sản Phú Khương (Kỳ Anh) cho biết, mỗi năm hợp tác xã thu mua hơn 400 tấn cá để chế biến 300 nghìn lít nước mắm. Thế nhưng từ đầu năm đến nay, sản lượng thu mua giảm hơn 30%. Nếu Nhà nước, địa phương không có chính sách hỗ trợ, kích cầu để ngư dân yên tâm ra khơi bám biển thì kế hoạch sản xuất của các cơ sở thu mua, chế biến hải sản cũng có nguy cơ phá sản.
Với sản lượng đánh bắt thủy sản bình quân chiếm gần một nửa sản lượng đánh bắt của tỉnh Nghệ An, huyện Quỳnh Lưu có gần 1.200 tàu thuyền, trong đó khoảng 700 chiếc đánh bắt xa bờ... Ông Bùi Xuân Trúc, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Hằng năm, khoảng mồng 4 đến mồng 6 tháng Giêng, nhiều địa phương trong huyện tổ chức lễ xuất bến ra khơi đánh bắt hải sản đầu năm. Nhưng năm nay do giá xăng, dầu tăng quá cao cho nên rất nhiều tàu cá ở các xã Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Long, Tiến Thủy, Sơn Hải... không dám ra khơi do lo thu không đủ bù chi, nợ chồng nợ...
Một chủ tàu cá 700 CV ở xã Quỳnh Long tính toán: Năm 2021, bình quân mỗi chuyến biển kéo dài khoảng chục ngày, tàu bơm khoảng 60 triệu đồng tiền dầu. Nay giá dầu tăng lên 20.000 đồng/lít thì tiền dầu đã đội thêm ít nhất 15-17 triệu đồng cho một chuyến biển, chưa kể đá lạnh để bảo quản thủy sản, lưới, dây... cũng tăng giá theo xăng, dầu. Chính vì thế, một số tàu sau Tết Nguyên đán dù hăng hái ra khơi, kết quả thu không đủ bù chi, đành phải về nằm bờ... chờ giá dầu giảm! Cùng chung cảnh “đi không được, ở không xong” của các chủ tàu đánh cá, ngư dân vùng lộng ở các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, thị xã Hoàng Mai, Cửa Lò... chưa thể ra khơi, bám biển như trước đây.
Với sự hỗ trợ của địa phương, nhiều hội nghề cá, chủ tàu ở Nghệ An, Hà Tĩnh đã có những giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt như thành lập các tổ hợp khai thác hải sản để hỗ trợ nhau trên biển và tính toán làm sao cho chuyến biển đạt hiệu quả. Theo ngư dân Thái Bá Hồng, chủ tàu cá ở xã Diễn Ngọc (Diễn Châu, Nghệ An), trong điều kiện vật giá tăng, các chủ tàu đã tăng cường liên kết, trao đổi thông tin về luồng cá, tiết kiệm chi phí di chuyển dò tìm cá dưới biển, hy vọng đánh bắt được mùa.
Ngoài việc hỗ trợ nhau trên biển, trong thời điểm giá xăng, dầu tăng cao, các tàu cá khi đánh bắt ở ngoài biển sẽ tùy theo điều kiện địa lý để vào cảng cá của các tỉnh gần đó bán hải sản, thay vì trở lại cảng cá địa phương nhằm rút ngắn quãng đường, tiết kiệm chi phí. Ðồng thời, ngư dân cũng có thể chọn giải pháp bán hải sản trực tiếp ngay trên biển cho tàu dịch vụ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, thành phố Ðà Nẵng... để sau đó có thể đánh bắt tiếp thay vì trở về.
Ông Bùi Xuân Trúc, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho biết, ngoài hỗ trợ nhau trên biển, hiện nhiều tàu cá xa bờ của ngư dân Quỳnh Lưu đã đầu tư rất hiện đại về hầm bảo quản hải sản trên biển. Mỗi tàu bình quân có 7-9 hầm bảo quản với chi phí gần một tỷ đồng. Hầm được đóng theo phương pháp cách nhiệt dùng vật liệu xốp PU, nhờ đó cá được bảo quản tốt hơn so với cách truyền thống.
Nhằm hỗ trợ ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh tập trung tuyên truyền, vận động các chủ phương tiện đăng ký khai thác xa bờ theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ sẽ được hỗ trợ từ 75 đến 100 triệu đồng/chuyến đi biển, tùy vào công suất máy tàu. “Ngoài ra, Hội Nghề cá cũng trực tiếp làm việc với các chủ phương tiện để bố trí, sắp xếp đủ nguồn lao động; bảo đảm tốt điều kiện khai thác hải sản, xây dựng phương án kết nối ngư dân với cơ sở thu mua nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất...”, Chủ tịch Hội Nghề cá xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) Vũ Ngọc Chắt cho biết.
Hiện Chi cục Thủy sản Nghệ An, Hà Tĩnh đang hỗ trợ, động viên ngư dân tiếp tục bám biển, đồng thời triển khai các giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tăng cường thông báo tình hình thời tiết trên biển cho các tàu thuyền. Chi cục hỗ trợ máy thông tin tầm xa, tời thủy lực cho nghề lái chụp... giúp ngư dân tranh thủ thời điểm thời tiết thuận lợi để đánh bắt. Mặc dù vậy, ngư dân các tỉnh miền trung nói chung, Nghệ An, Hà Tĩnh nói riêng, vẫn mong muốn Nhà nước, các cơ quan chức năng sớm có giải pháp, chính sách hỗ trợ giá xăng, dầu cho ngư dân yên tâm đánh bắt, bám biển nhằm giảm chi phí, tránh thua lỗ, ổn định cuộc sống.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Ðức Chi: Hiện nay, Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi. Theo dự thảo Nghị quyết, Bộ đề xuất điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường như sau: Giảm 1.000 đồng/lít đối với xăng (trừ ethanol), giảm 500 đồng/lít/kg đối với dầu diesel, dầu hỏa, mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn...
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/gia-xang-dau-tang-nhieu-tau-ca-nam-bo-688195/