Giá xe dịch vụ tăng phi mã dịp nghỉ lễ 30/4-1/5

Giá xe dịch vụ đã tăng rất cao dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 do nhu cầu về quê, đi du lịch tăng cao trong dịp nghỉ lễ dài ngày. Thậm chí, người tiêu dùng dù sẵn sàng trả mức giá cao cũng khó có xe trong dịp này dù đã đặt từ trước.

Giá xe tăng phi mã

Muốn đưa cả gia đình về quê (tỉnh Thái Bình) chơi trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 vì dịp này được nghỉ lễ tương đối dài, anh Nguyễn Văn Chiến (Hoài Đức, Hà Nội) đã cẩn thận đặt trước một chiếc taxi từ cách kỳ nghỉ lễ 1 tuần. Sau khi hỏi giá, anh đồng ý với mức giá 12.000 đồng/km.

Nhu cầu thuê xe dịch vụ, xe taxi di chuyển khá cao trong dịp lễ

Nhu cầu thuê xe dịch vụ, xe taxi di chuyển khá cao trong dịp lễ

“Dù đây là mức giá khá cao so với thời điểm nghỉ lễ năm ngoái, nhưng tôi chấp nhận vì đây là thời điểm nghỉ lễ nên nhu cầu cao, giá xe có điều chỉnh hơn một chút cũng là điều có thể chấp nhận được. Chưa kể, giá xăng dầu thời gian qua cũng tăng khá cao. Tuy nhiên, khi về đến nhà, tôi vẫn “bật ngửa” khi lái xe đọc giá 1,7 triệu đồng cho quãng đường 120km từ Hà Nội về Thái Bình. Họ lý giải, ngoài mức giá kể trên, tôi còn phải chịu toàn bộ cước phí đường bộ từ Hà Nội về quê”, anh Chiến chia sẻ. Đồng thời cho biết, trước đó, trong dịp Tết Nguyên đán, anh chỉ mất 1,2 triệu đồng cho cùng lộ trình này.

Chị Nguyễn Thị Hà (Hưng Yên) cũng chịu cảnh tương tự khi gửi hai đứa con về quê chơi dịp lễ 30/4-1/5. Chị chia sẻ, vì gần sát ngày lễ mới quyết định về quê nên không kịp đặt xe. Do đó, chị không thể gọi được chiếc xe nào gần nhà dịp này. Cuối cùng, chị phải chấp nhận đặt một chiếc xe dịch vụ từ quê lên Hưng Yên đón với giá 10.000 đồng/km, tính cả chiều đi và chiều về. Chị nói: “Mức giá này có nghĩa là tôi phải chấp nhận chi trả mức giá cao gấp 1,5 lần ngày thường”.

Lái xe nói gì?

Nhu cầu tăng cao vàp dịp lễ khiến nhiều người thậm chí không thể đặt được xe để di chuyển vì lượng khách quá tải. Liên tục nghe điện thoại từ chối khách hàng vì không thể sắp xếp được xe, anh Đỗ Xuân Toàn – lái xe tại Mỹ Đình cho biết, anh cùng một số anh em lái xe tập hợp thành một hợp tác xã vận tải để vận chuyển khách. Tuy nhiên, sau 2 năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lượng người đặt xe rất thấp. Chỉ đến dịp từ giỗ Tổ Hùng Vương đến Lễ 30/4 – 1/5 này, lượng người đặt xe mới dần tăng lên.

“Anh em chúng tôi nhiều người trước đây phải vay mượn để mua xe chạy , dịch vụ kiếm tiền, nhưng nhiều người không trụ nổi, phải bán xe. Gần đây, nhu cầu đi lại của người dân có tăng lên, nhưng không đáng là bao so với thời điểm trước dịch. Cộng với giá xăng dầu tăng mạnh, dù không muốn, nhưng chúng tôi vẫn phải tăng giá dịch vụ để bù đắp chi phí” – anh Đỗ Xuân Toàn lý giải.

Thực tế, do giá xăng dầu tăng cao, thời gian vừa qua, một số hãng taxi công nghệ cũng đã công bố tăng giá dịch vụ. Thông tin từ Grab Việt Nam cho hay, bắt đầu từ ngày 10/3/2022, đơn vị này sẽ chính thức điều chỉnh giá cước của một số dịch vụ nhằm thích ứng với những biến động về giá xăng dầu và giá tiêu dùng.

Cụ thể, kể từ ngày 10/3, với dịch vụ gọi xe ôtô GrabCar, giá cước điều chỉnh đối với dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội tăng 2.000 đồng/km, lên mức 29.000 đồng cho 2km đầu tiên và giá cước mỗi km tiếp theo là 10.000 đồng; Grab 7 chỗ là 34.000 đồng cho 2km đầu tiên và giá cước mỗi km tiếp theo là 13.000 đồng.

Dịch vụ taxi công nghệ có giá cước cao nhất của Grab là GrabCar Protect 7 chỗ tại Thành phố Hồ Chí Minh được điều chỉnh lên mức 38.600 đồng cho 2 km đầu tiên và 13.900 đồng mỗi km tiếp theo; tại Hà Nội là 34.300 đồng cho 2 km đầu tiên và cho 2 km đầu tiên và 11.800 đồng mỗi km tiếp theo.

Giá cước trên chưa bao gồm thời gian di chuyển sau 2 km đầu tiên, dao động từ 430-590 đồng mỗi phút theo từng dịch vụ và thành phố.

Ở các tỉnh thành khác, dịch vụ GrabCar cũng tăng giá cước tại các tỉnh thành như Lâm Đồng, Bắc Ninh, Vũng Tàu, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Huế, Cà Mau, Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang, Gia Lai, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Vĩnh Phúc…

Cùng với Grab, Gojek cũng thông báo tăng giá cước. Ngoại trừ hãng xe Be là chưa tăng giá.

Anh Nguyễn Văn Chiến chia sẻ, việc tăng giá do khách quan là điều người tiêu dùng sẵn sàng chấp nhận và chia sẻ với các hãng taxi hoặc các bác tài xế dịch vụ. Tuy nhiên, điều khó hiểu là từ trước đến nay, giá xăng tăng thì các hãng taxi rất nhanh chóng điều chỉnh tăng, nhưng nếu giá xăng giảm thì không điều chỉnh tăng tương ứng. Đáng nói, việc các hãng xe lý giải “giờ cao điểm, nhu cầu tăng cao” để tăng giá là không phù hợp và không công bằng với người tiêu dùng, vì thời điểm này, họ vẫn mất công sức và chi phí giá thành như vậy cho một cuốc xe.

Bảo Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/gia-xe-dich-vu-tang-phi-ma-dip-nghi-le-304-15-176599.html