Giá xuất khẩu cà phê đồng loạt tăng, Robusta tiến lên vùng đỉnh
Trên thị trường cà phê, giá cà phê Arabica đảo chiều hồi phục 1,81% so với mức tham chiếu; giá cà phê Robusta lấy lại 2,11%, tiến lên vùng đỉnh 30 năm.
Trên thị trường cà phê, giá Arabica đảo chiều hồi phục 1,81% so với mức tham chiếu; giá Robusta lấy lại 2,11%, tiến lên vùng đỉnh 30 năm. Đồng USD suy yếu kết hợp cùng rủi ro thiếu hụt nguồn cung đã thúc đẩy giá Robusta thiết lập mức đỉnh mới trong 30 năm.
Thời tiết khô nóng tại vùng gieo trồng cà phê chính của Việt Nam chưa có dấu hiệu dịu lại. Điều này thúc đẩy tâm lý tiêu cực về triển vọng nguồn cung vụ mới tại quốc gia xuất khẩu Robusta lớn nhất thế giới.
Bên cạnh đó, việc đồng USD yếu đi sau cuộc họp lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khiến tỷ giá USD/VND thu hẹp và nông dân Việt Nam hạn chế bán cà phê. Điều này khiến lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường trở nên trầm trọng hơn.
Giá Arabica cũng biến động mạnh bởi sự thay đổi của đồng USD. Khi mới mở cửa, giá cà phê đã tạo trước bối cảnh Fed giữ nguyên mức lãi suất 5,25-5,5% trong kỳ họp tháng 3 và tuyên bố sẽ có 3 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Sang đầu phiên tối, đà tăng của giá Arabica có nhịp điều chỉnh khi đồng USD hồi phục, kéo theo tỷ giá USD/BRL tăng. Chênh lệch tỷ giá nới lỏng giúp kích thích nhu cầu bán cà phê của nông dân Brazil.
Tính đến ngày 8/3, tồn kho cà phê Robusta do sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát giảm 160 tấn (tương đương mức giảm 0,66%) so với tuần trước, xuống mức 24.030 tấn (khoảng 400.500 bao, bao 60 kg).
Theo báo cáo thương mại tháng 1 của Tổ chức cà phê Quốc tế (ICO), các quỹ và đầu cơ quay lại các thị trường cà phê kỳ hạn để tăng mua, bất chấp các yếu tố cơ bản không hỗ trợ với báo cáo xuất khẩu tăng của nhiều khu vực sản xuất trên thế giới.
Sức mua mạnh đã kích hoạt các lệnh mua tự động đẩy giá cà phê kỳ hạn thiết lập những mức cao kỷ lục mới. Dự kiến, giá cà phê sẽ còn nhiều biến động đáng kể khi Brazil sắp bước vào vụ thu hoạch mới của năm nay.
Theo Nikkei, giá cà phê kỳ hạn đang ở vùng cao kỷ lục, được thúc đẩy bởi nhu cầu tăng do tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo ở Trung Quốc và các nước châu Á trong khi một số nhà sản xuất lớn như Indonesia và Việt Nam dường như đang đối mặt với vụ mùa thu hoạch kém.
Chuyên gia Nguyễn Quang Bình dẫn báo Nikkei Asia (Nhật Bản) nhận định, giá cà phê toàn cầu được hỗ trợ bởi nhu cầu ngày càng tăng từ tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều ở Trung Quốc và những nước châu Á khác. Trong bối cảnh các nước sản xuất lớn đang mất mùa. Tính đến tháng 12/2023, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia có nhiều chuỗi cà phê nhất toàn cầu.
Robusta tăng mạnh mẽ hơn Arabica khi một số nhà bán lẻ đang thay thế Arabica trong nỗ lực tránh giá cả tăng vọt. Nhu cầu về Robusta của thế giới ngày càng nhiều hơn.
Theo các chuyên gia, giá cà phê Việt Nam sẽ tăng ít nhất đến tháng 4/2024, trước khi Indonesia vào vụ mới. Có thể cà phê nhân Việt Nam sẽ đắt nhất thế giới trong năm 2024. Hiện, Việt Nam là nước dẫn đầu thế giới cả về sản lượng xuất khẩu và chất lượng cà phê Robusta.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thời tiết khô nóng tại khu vực Tây Nguyên hiện vẫn chưa có dấu hiệu dịu lại, khiến thị trường thế giới lo ngại về triển vọng sản lượng cà phê tới đây của Việt Nam.
Tổng cục Hải quan Việt Nam báo cáo, dữ liệu sơ bộ cho thấy xuất khẩu cà phê, chủ yếu là cà phê Robusta, trong nửa đầu tháng 3/2024 đã đạt 199.719 tấn (khoảng 3,32 triệu bao), tăng 119,47% so với cùng kỳ năm trước.
Đưa xuất khẩu cà phê trong 2,5 tháng đầu tiên của năm 2024 lên đạt tổng cộng 598.235 tấn, tăng 38,18% so với 3,5 tháng đầu năm 2023. Khối lượng xuất khẩu cao này đã bác bỏ đồn đoán nông dân Việt Nam găm hàng, không muốn bán ra ở mức giá hiện tại. Nhưng đồng thời cũng khiến cà phê dự trữ cạn kiệt.