Giá xuất khẩu hồ tiêu cao nhất trong nhiều năm, triển vọng các thị trường lớn tiếp tục tích cực

Sáu tháng đầu năm nay ghi nhận sự bứt phá của giá xuất khẩu hồ tiêu, với tiêu đen đạt bình quân 6.665 USD/tấn, tăng 93,6%, còn tiêu trắng đạt 8.079 USD/tấn, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giá cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, phản ánh rõ nét xu hướng phục hồi của thị trường hồ tiêu thế giới và sự cải thiện về chất lượng, giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất của Việt Nam.

Sáng 24/7, tại Hà Nội, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025.

Tham dự Hội nghị có bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA); bà Trịnh Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đại diện Ban Giám sát và Quản lý Hải quan, Cục Hải quan (Bộ Tài chính); đại diện Văn phòng VPSA, cùng đông đảo doanh nghiệp ngành hàng hồ tiêu và cây gia vị.

Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) tổ chức sơ kết tình hình 6 tháng năm 2025 và thông tin những nội dung liên quan tới doanh nghiệp thuộc ngành hàng

Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) tổ chức sơ kết tình hình 6 tháng năm 2025 và thông tin những nội dung liên quan tới doanh nghiệp thuộc ngành hàng

Giá xuất khẩu hồ tiêu cao nhất trong nhiều năm trở lại đây

Báo cáo của VPSA cho biết, tính đến hết tháng 6/2025, Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng 124.133 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen chiếm tỷ trọng lớn với 105.939 tấn, còn lại là 18.194 tấn tiêu trắng. Mặc dù lượng xuất khẩu giảm 12,9% so với cùng kỳ năm 2024, song kim ngạch xuất khẩu lại đạt 850,5 triệu USD, tăng mạnh 34,1% so với năm trước.

Sự tăng trưởng ấn tượng về giá trị chủ yếu đến từ sự bứt phá của giá xuất khẩu, trong đó tiêu đen đạt bình quân 6.665 USD/tấn, tăng 93,6%, còn tiêu trắng đạt 8.079 USD/tấn, tăng 63,0% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giá cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, phản ánh rõ nét xu hướng phục hồi của thị trường hồ tiêu thế giới và sự cải thiện về chất lượng, giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất của Việt Nam.

Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ tiếp tục là điểm đến lớn nhất, chiếm 23,6% tổng lượng xuất khẩu, tương ứng 24.979 tấn, tuy nhiên lại giảm mạnh 29,4% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là tín hiệu cần được theo dõi kỹ lưỡng, bởi Mỹ là thị trường có ảnh hưởng lớn đến xu hướng giá và chính sách xuất khẩu của Việt Nam. Các thị trường quan trọng khác bao gồm Ấn Độ (7.768 tấn), UAE (7.700 tấn), Trung Quốc (6.610 tấn) và Đức (4.836 tấn) đều duy trì lượng nhập khẩu ổn định, cho thấy thị trường đang dần phân hóa và đa dạng hóa, giảm bớt sự phụ thuộc vào một vài thị trường truyền thống.

Về phía doanh nghiệp, Olam Việt Nam tiếp tục dẫn đầu với 12.388 tấn, chiếm khoảng 10% thị phần, dù giảm nhẹ 6,7% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp lớn khác gồm Nedspice Việt Nam (10.604 tấn), Phúc Sinh (10.232 tấn), Trân Châu (6.624 tấn) và Haprosimex JSC (6.460 tấn). Đây đều là các đơn vị có năng lực xuất khẩu ổn định, thị trường tiêu thụ rộng và đóng vai trò quan trọng trong việc giữ vững vị thế của Việt Nam trên bản đồ hồ tiêu thế giới.

Ổn định nguyên liệu đầu vào phục vụ cho xuất khẩu

Ở chiều ngược lại, trong 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng 28.296 tấn hồ tiêu, với kim ngạch đạt 174,1 triệu USD. Trong đó, tiêu đen chiếm 23.537 tấn và tiêu trắng là 4.759 tấn. So với cùng kỳ năm 2024, lượng nhập khẩu tăng mạnh 57,2%, còn kim ngạch nhập khẩu thậm chí tăng đến 150,1%, phản ánh rõ xu hướng gia tăng nhập khẩu không chỉ về số lượng mà cả giá trị.

Việc nhập khẩu hồ tiêu tăng cao diễn ra trong bối cảnh sản lượng trong nước sụt giảm, giá hồ tiêu toàn cầu tăng mạnh và nhu cầu tái xuất - chế biến gia tăng. Đây cũng là chiến lược phổ biến của các doanh nghiệp lớn nhằm tận dụng nguồn cung giá cạnh tranh từ các quốc gia có sản lượng dồi dào, đồng thời giữ ổn định nguyên liệu đầu vào phục vụ cho xuất khẩu.

Ba quốc gia cung cấp hồ tiêu lớn nhất cho Việt Nam trong kỳ gồm có Brazil (14.904 tấn), Campuchia (6.257 tấn) và Indonesia (5.574 tấn). Đây đều là các quốc gia có sản lượng lớn và giá bán cạnh tranh với Việt Nam. Về phía doanh nghiệp, một số đơn vị có hoạt động nhập khẩu nổi bật gồm Olam Việt Nam với 6.433 tấn, Trân Châu với 2.524 tấn và Nedspice Việt Nam với 1.809 tấn.

Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) trao đổi tại Hội nghị

Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) trao đổi tại Hội nghị

Nhận định và dự báo các thị trường lớn trong thời gian tới

VPSA cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2025, thị trường hồ tiêu toàn cầu tiếp tục duy trì xu hướng tiêu thụ ổn định và tăng nhẹ, bất chấp bối cảnh nguồn cung sụt giảm so với năm 2024. Giá tiêu duy trì ở mức cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, tạo động lực thúc đẩy một số quốc gia mở rộng diện tích trồng mới. Tuy nhiên, hiệu ứng từ các diện tích này chỉ có thể tác động đến nguồn cung trong vòng 2-3 năm tới, không giải quyết được tình trạng thiếu hụt trước mắt.

Tại các nước sản xuất, do thu hoạch diễn ra trong bối cảnh nguồn cung giảm và nông dân có tài chính dư dả hơn nhờ giá cao, thị trường không ghi nhận hiện tượng bán tháo sau thu hoạch như những năm trước. Điều này giúp giữ mặt bằng giá ổn định và củng cố kỳ vọng giá tiếp tục cao trong thời gian tới.

Yếu tố thuế quan tại Hoa Kỳ có gây tác động nhất định đến giao dịch nhưng chưa phải là nhân tố chính chi phối thị trường. Hiện tại, thách thức lớn nhất với xuất khẩu Việt Nam là việc áp dụng Luật Thuế Giá trị gia tăng trong ngành hàng nông sản chưa có hướng dẫn cụ thể từ cơ quan chức năng. Điều này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu lúng túng trong kê khai, làm chậm lại hoạt động giao dịch và tạm thời làm trầm lắng thị trường trong nước. Khi chính sách thuế được làm rõ, nhiều khả năng giá tiêu sẽ hồi phục trở lại nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ thị trường quốc tế.

Tại thị trường Hoa Kỳ, dữ liệu cho thấy nước này chỉ nhập 1.029 tấn hồ tiêu từ Brazil trong tổng số 50.333 tấn xuất khẩu của Brazil, chiếm chưa đến 2%. Với mức thuế nhập khẩu 50% mà Hoa Kỳ áp lên hồ tiêu Brazil, dự kiến thị phần của Brazil tại Mỹ sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Tương tự, Campuchia cũng đang chịu mức thuế 36%, tạo ra sự cạnh tranh bất lợi về giá so với Việt Nam - quốc gia chỉ bị đề xuất áp thuế ở mức 20%. Indonesia với mức thuế điều chỉnh còn 19% sẽ có cơ hội lớn để tiếp tục dành lấy thị phần của các nước. Đối với Việt Nam, dù xuất khẩu vào Hoa Kỳ trong 6 tháng đầu năm nay có sụt giảm, nhưng đây có thể là kết quả tạm thời trong giai đoạn thị trường điều chỉnh trước chính sách thuế mới.

Lợi thế thuế suất thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh, cùng với năng lực cung ứng ổn định, là cơ sở để kỳ vọng rằng xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ phục hồi tích cực trong nửa cuối năm 2025. Thị trường Hoa Kỳ dự kiến sẽ tăng mạnh đơn hàng vào quý IV/2025 và quý I/2026, khi doanh nghiệp nhập khẩu bắt đầu xây dựng tồn kho cho mùa tiêu thụ cao điểm.

Với Trung Quốc, mặc dù xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này có sự cải thiện nhẹ trong nửa đầu năm, song chưa có dấu hiệu bùng nổ rõ rệt. Dự kiến 6 tháng cuối năm, Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng nhập khẩu từ Việt Nam nhưng khó lặp lại mức độ mua ồ ạt như năm 2023, một phần do cạnh tranh giá từ Indonesia - quốc gia đã xuất khẩu sang Trung Quốc tăng hơn 100,7% trong 4 tháng đầu năm. Điều này đặt ra yêu cầu rõ ràng hơn về giá cả linh hoạt và chiến lược giao hàng phù hợp với biến động nhu cầu từng giai đoạn.

"Trong bối cảnh thị trường quốc tế còn tiềm ẩn nhiều bất ổn từ chính sách thuế, địa chính trị, cho đến nhu cầu tiêu dùng theo mùa, các nhà nhập khẩu quốc tế đang dần ưu tiên chiến lược mua nhỏ giọt, đều đặn, có kiểm soát thay vì mua gom với khối lượng lớn. Đây được xem là cách tiếp cận hiệu quả nhất trong việc giảm rủi ro chi phí và quản lý tồn kho linh hoạt", đại diện VPSA nhấn mạnh.

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025 của VPSA, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đại diện Cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã cập nhật một số quy định mới liên quan tới vấn đề xuất xứ hàng hóa, thủ tục hải quan đối với ngành hàng hồ tiêu và gia vị xuất khẩu đi các thị trường...

Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cập nhật quy định xuất xứ hàng hóa - Tác động và lưu ý đối với ngành hàng hồ tiêu và gia vị.

Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cập nhật quy định xuất xứ hàng hóa - Tác động và lưu ý đối với ngành hàng hồ tiêu và gia vị.

Đại diện Ban Giám sát và Quản lý Hải quan, Cục Hải quan (Bộ Tài chính) cập nhật về quy định hải quan trong tình hình mới - Những lưu ý cho doanh nghiệp ngành hàng hồ tiêu và gia vị

Đại diện Ban Giám sát và Quản lý Hải quan, Cục Hải quan (Bộ Tài chính) cập nhật về quy định hải quan trong tình hình mới - Những lưu ý cho doanh nghiệp ngành hàng hồ tiêu và gia vị

Cũng tại sự kiện, Lãnh đạo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) đã giới thiệu về Đề án chiến lược phát triển bền vững ngành Hồ tiêu và Gia vị Việt Nam; chia sẻ đánh giá dự báo ảnh hưởng thuế quan của Hoa Kỳ đối với ngành hồ tiêu và gia vị Việt Nam. Đại diện các doanh nghiệp chia sẻ tình hình xuất khẩu hồ tiêu và gia vị trong thời gian qua.

Đồng thời đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Cục Hải quan (Bộ Tài chính) và VPSA đã trao đổi, giải đáp những nội dung, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các quy định và hoạt động xuất nhập khẩu với các thị trường.

Việt Hằng

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/gia-xuat-khau-ho-tieu-cao-nhat-trong-nhieu-nam--trien-vong-cac-thi-truong-lon-tiep-tuc-tich-cuc-151575.htm