Giấc mơ đoàn tụ

Mở ra một nguyên đán tinh khôi, nhiều hy vọng. Hy vọng an lành, hy vọng may mắn, hy vọng tốt đẹp cho mình, cho gia đình, cho quê hương, cho đất nước và cho nhân loại. Khát vọng ấy chẳng của riêng ai và tôi nghĩ tới giấc mơ đẹp có tên: Ðoàn tụ.

Đoàn tụ. Giấc mơ có từ ngày xưa trong dằng dặc chia ly của người Việt. Chẳng hiếm hoi cảnh kẻ ở người đi, đẫm đầy nước mắt của những năm tháng giang sơn chìm trong chiến tranh. Hòa bình rồi vẫn không ít người phải sống nơi đất khách quê người để theo cuộc mưu sinh hay vì những lý do khác. Dù là ai, đang ở đâu, trong hoàn cảnh nào thì có lẽ giấc mơ đoàn tụ vẫn canh cánh trong họ. Ca dao xứ sở mình những câu da diết nhất thường nương vịn vào chuyện ra đi - trở về như một ẩn dụ rất quen thuộc này: Thuyền về có nhớ bến chăng/Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền. Lại bâng khuâng, níu náu biết mấy khi người cất bước lên đường còn ngoái lại: Ra đi ngó trước ngó sau/ Ngó nhà mấy cột, ngó cau mấy buồng. Và đây là nỗi nhớ khôn nguôi khi quê hương khuất vắng: Ra đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương/ Nhớ ai dãi nắng dầm sương/ Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao... Cái sự nhớ ấy là thuộc tính của con người, dân Việt vốn duy tình như thường thấy càng nặng lòng gấp bội lúc xa nhau. Tôi nghĩ ít ai đi xa mà không mong ngày trở lại nơi được gọi là Tổ quốc, quê hương, gia đình. Trong những ngày giáp Tết hay khi Ngày xuân con én đưa thoi (thơ Nguyễn Du) đã đến rồi thì sự mong mỏi được trở về càng nôn nao, giục giã, thôi thúc lòng người tha hương.

Năm cùng tháng tận, khi mùa đông khô lạnh sắp qua, những làn mưa bụi bắt đầu bay bay, cái nhộn nhịp tất tả mua sắm Tết dâng lên từng ngày thì cảm giác trống vắng, bồi hồi càng đầy đặn trong người đi xa. Nỗi nhớ thương sẽ dồn chặt lại, căng đầy trong bấy nhiêu thổn thức khi nghĩ tới ngày gặp mặt người thân. Cứng cỏi đến mấy cũng khó lấp khỏa được tâm trạng cảm giác đó và người ta mong được thắp nén hương cho tổ tiên, ông bà nơi chốn quê nhà...

Thời nay, khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra ồ ạt trên toàn cầu như một xu hướng không thể cưỡng được, thì với người Việt, tình nước, tình quê, tình nhà chẳng có gì thay thế được. Bởi vì đó không chỉ là dấu tích của quá khứ mà là văn hóa nền tảng, văn hóa cốt lõi của dân tộc này. Nó in sâu trong tâm hồn người Việt như diệp lục nằm trong lá xanh, bao nhiêu mùa màng nhân nghĩa nối tiếp nhau tươi tốt khởi nguồn từ đó. Tết Việt vừa mang trong nó nhiều giá trị cốt lõi của văn hóa Việt vừa là sự kết nối bền vững xưa - nay, trên - dưới, trong - ngoài… Yếu tố hiện thực và yếu tố tâm linh hòa quyện vào nhau trên nền tảng yêu thương, bao dung, nhân ái.

Mỗi chúng ta có những ngôi nhà chung, riêng. Ngôi nhà Tổ quốc là của chung cho tất cả con cháu Hùng Vương. Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba. Ngôi nhà ấy được định hình bằng dải đất cong cong hình chữ S nhìn ra bát ngát biển Việt rộng chừng 1 triệu cây số vuông với xấp xỉ 3 nghìn hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có Trường Sa, Hoàng Sa. Ngôi nhà ấy được định danh bằng hai tiếng Việt Nam, được xác định chủ quyền và vốn xưng nền văn hiến từ lâu... Ngôi nhà ấy đã mấy lần bị giặc ngoại xâm xộc tới, vó ngựa và dấu giày viễn chinh của chúng đặt ngang dọc trên lãnh thổ thiêng liêng này. Tuy nhiên, không sớm thì muộn kẻ thù của chúng ta đã bị đánh bại tan tành. Những cành đào báo tiệp còn khoe sắc hồng trên trang lịch sử đẫm mồ hôi và máu của dân tộc. Ngôi nhà ấy là nơi trở về cho con em đất Việt. Sau cánh cửa ngôi nhà Tổ quốc có thật nhiều tin yêu ngay thẳng đón ta vào, dù trong quá khứ họ là ai. Hòa hợp hòa giải là chủ trương của Đảng, Nhà nước ta thời hậu chiến. Mong sao có cuộc đoàn viên dân tộc hoàn hảo nhất, vòng tay lớn nối tới muôn nơi, tất cả được trở về trong yêu thương, bao dung, nhân ái. Đoàn kết dân tộc là cuộc đoàn tụ vĩ đại mà người yêu nước nào cũng mong ước. Trong đại dịch COVID-19 cực kỳ nguy hiểm, có những chuyến bay chở đồng bào ta từ vùng dịch về Tổ quốc. Dù khi về nước họ còn phải cách ly 14 ngày, nhưng những người con đất Việt ấy đã có cuộc đoàn tụ cảm động với Tổ quốc. Cuộc đoàn tụ rất Việt Nam, đất Mẹ thương yêu dẫu còn khó nghèo vẫn không bao giờ bỏ rơi con cái mình. Đó là chưa nói tới cái cách đưa đón, chuẩn bị nơi ăn chốn ở, chữa bệnh đầy nhân văn của Tổ quốc dành cho đồng bào. Sự thật ấy, dù ai có muốn bôi lem, đánh đổ cũng không thể làm được. Trong năm 2020, từ đại dịch COVID-19 đến bão lũ lịch sử ở miền Trung, phẩm chất tốt đẹp của người Việt càng tỏa sáng. Nói bao nhiêu cũng không đủ, không hết. Rưng rưng cảm thấu về nhân dân mình, khó thể nói khác được, lúc nào, ở đâu cũng biết thương người như thể thương thân.

Ngôi nhà chung nhỏ hơn là quê hương bản quán, nơi đánh dấu cội nguồn ruột thịt. Núi sông, bờ bãi, ruộng vườn, giọng nói, phong tục, tập quán… tất cả đã tạo nên một vùng quê thân thuộc. Cát đi mãi chẳng thành đường/ Tôi đi theo lối mẹ thường hát ru. Thơ ấy là ngôn điệu của tâm hồn tôi, cát và lời ru của mẹ vẫn theo tôi trên mỗi dặm đường xa. Tôi hằng nhớ cát trắng nhấp nhô bên thềm sóng biển và lời ạ ơi của mẹ thuở nào. Những cuộc trở về bao giờ cũng có hoài niệm trong hành trang và tôi biết rằng không gì có thể thay thế được quê hương. Nhiều người xa quê chắc cũng mang tâm trạng như tôi. Ai chẳng mong được trở lại với ngôi nhà quê hương. Mái làng vô hình mà cất giữ bao la cho nhiều thế hệ, bùn đất nuôi hương lúa, hương sen, nuôi mộc mạc ca dao tục ngữ muôn đời…; quên đi những chân chất thân thuộc ấy bạn sẽ không trưởng thành nổi bởi cây nào không có cội rễ mà tươi tốt được đâu.

Ngôi nhà bé nhỏ hơn nhưng vô cùng ấm áp chính là gia đình, bến đỗ bình yên của mỗi cuộc đời. Trở về gia đình là cuộc khứ hồi cần thiết nhất với mỗi người. Lòng yêu nước không siêu hình, nó bắt đầu từ ngôi nhà bé nhỏ này, từ sự gắn bó huyết thống đến hòa nhập vào làng quê rồi Tổ quốc mênh mông. Tấm vé hồi hương là tấm vé đáng yêu nhất đối với người xa quê. Lòng bỗng phập phồng khi cầm tấm vé trên tay. Trở về. Mùa xuân đang về kia. Tết cũng gần hơn rồi đó. Đoàn tụ. Cả nhà quây quần bên mâm cơm chiều cuối năm. Đêm trừ tịch. Phút giao thừa. Sáng mồng một. Không gian ấm áp. Mở ra nhiều hy vọng. Hy vọng an lành, hy vọng may mắn, hy vọng tốt đẹp cho mình, cho gia đình, cho quê hương, cho đất nước và cho nhân loại...

Nén hương, mâm ngũ quả, cặp bánh chưng trên ban thờ ngày Tết có ý nghĩa vô cùng đặc biệt với người Việt, nó không chỉ đơn thuần là chuyện tâm linh mà đó là đạo lý của dân tộc. Uống nước nhớ nguồn, diễn đạt gọn gàng là thế đấy. Và, cũng đủ lắm rồi cho sự dặn dò, nhắc nhở con cháu về sự biết ơn, tri ân người đi trước. Chính lúc này đây, khát khao đoàn viên càng trỗi dậy mãnh liệt, làm cho ta đứng ngồi không yên nữa; đất nước, quê nhà, gia đình người thân càng hiện lên rõ nét và tiếng gọi từ xứ sở càng vọng sâu hơn.

Đại tá, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/giac-mo-doan-tu-n185671.html