Giấc mơ gạo quê...
Có lẽ lâu... thật lâu tôi mới trở lại Vĩnh Ninh (Quảng Ninh). Nhân dịp hội ngộ, Bí thư Đảng ủy xã Trần Công Thượng và Chủ tịch UBND xã Đỗ Mười mời tôi một bữa cơm 'chất lừ': dĩa cá 'long tong' kho nghệ cất rớ từ sông Nhật Lệ, rau sạch làng Hà Thiệp (Võ Ninh), bát canh chua cá lóc hồ Điều Gà và cơm trắng từ gạo quê Vĩnh Tuy... Bí thư Trần Công Thượng khoe: 'Gạo Vĩnh Tuy dẻo thơm, ngon nức tiếng đây anh. Ai đã thử một lần, nhớ thương không bỏ được!'.
Làng Vĩnh Tuy nằm ở phía tây thị trấn Quán Hàu, được “rào chắn” bởi Quốc lộ 9B phía Bắc và sông Nhật Lệ phía Nam. Nếu đứng từ cầu Quán Hàu bao quát lên, cánh đồng Vĩnh Tuy trải dài ngút mắt.
Các cụ cao niên làng Vĩnh Tuy khẳng định hạt lúa trên cánh đồng Vĩnh Tuy dù trải qua bao thăng trầm, biến thiên lịch sử vẫn giữ trọn “chất” riêng của mình, khó lẫn với sản phẩm lúa gạo vùng “Nhất Đồng Nai, nhì hai huyện”. Họ cho rằng, đồng lúa qua mỗi lần lũ tràn, phù sa sông Long Đại bồi đắp là nguồn nuôi dưỡng muôn đời để có những vụ mùa bội thu.
Nhưng điều quan trọng nhất, khác với các “chân đất” trồng lúa tại huyện Quảng Ninh, cánh đồng Vĩnh Tuy mặc dù sát cạnh sông Nhật Lệ nhưng lại không bị nhiễm mặn, nhiễm phèn, nên giống lúa gieo trên cánh đồng Vĩnh Tuy cho hạt gạo dẻo thơm, hương nồng nàn.
Ngày cuối năm, theo chân ông Đỗ Văn Nam (SN 1959), Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Trung (HTX Vĩnh Trung) ra đồng, vui cùng niềm vui vỡ đất với bà con nông dân chuẩn bị cho vụ sản xuất đông-xuân 2022-2023.
Ông Đỗ Văn Nam say chuyện: “Xưa cha ông ta quan niệm “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” để bảo đảm cho một vụ mùa thắng lợi, nhưng theo xu thế hiện nay, thì trật tự đang có sự thay đổi. Khi HTX Vĩnh Trung bắt tay xây dựng thương hiệu gạo sạch Vĩnh Tuy vào năm 2019, chúng tôi thấy rằng, giống lúa mới là yếu tố quan trọng nhất trong quy trình sản xuất. Từ đó cho đến nay, chúng tôi vẫn đang trên hành trình tìm giống lúa phù hợp đối với gạo sạch Vĩnh Tuy”.
Giống P6 được khảo nghiệm và gieo đại trà trên cánh đồng Vĩnh Tuy, ban đầu cho năng suất và chất lượng cao. Gạo P6 hạt đều tăm tắp, ngon, dẻo, thơm, chất lượng không suy giảm theo thời gian, góp phần đưa thương hiệu gạo sạch Vĩnh Tuy ra với thị trường. Tuy nhiên, qua 3 vụ xuống đồng hiệu quả, giống lúa P6 bị thoái hóa dần.
“Rứa là chúng tôi bàn nhau xin ý kiến lãnh đạo xã Vĩnh Ninh đi tìm giống mới thay thế như Hương thơm số 1, Đài Thơm, Bắc Thịnh, nhưng vẫn không ưng ý. Và bây giờ đang định hình hai giống lúa mới Hương Cốm và J02, giống lúa chất lượng cao đến từ đất nước Nhật Bản”, ông Đỗ Văn Nam cho biết thêm.
Say theo câu chuyện, ông Đỗ Văn Nam khẳng định: “Tìm được giống lúa phù hợp với đất ruộng Vĩnh Tuy rồi, kế tiếp phải đến yếu tố chăm sóc. Sau khi thương hiệu gạo sạch Vĩnh Tuy ra đời, HTX Vĩnh Trung vận động các thành viên tham gia trồng lúa theo quy trình SRI, áp dụng các biện pháp canh tác liên hoàn, tiết kiệm tối đa lượng giống, sử dụng cân đối phân bón giữa phân vi sinh, phân hữu cơ, giảm hóa chất trừ sâu bệnh, góp phần để cây lúa vừa bảo đảm năng suất, vừa duy trì chất lượng gạo...”
Phương pháp sản xuất lúa theo quy trình SRI và sự hình thành thương hiệu gạo sạch Vĩnh Tuy của HTX Vĩnh Trung từ buổi ban đầu đã nhận được sự đồng thuận cao từ Đảng ủy, UBND xã Vĩnh Ninh. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ninh Đỗ Mười cho biết: “Nhằm tạo điều kiện cho HTX Vĩnh Trung phát triển, thông qua phong trào dồn điền đổi thửa và phong trào xây dựng nông thôn mới, UBND xã đã áp dụng thành công những cánh đồng mẫu lớn tại Vĩnh Tuy. Huy động nhiều nông dân mạnh dạn nhận diện tích lớn, đầu tư máy móc, khoa học kỹ thuật vào sản xuất chuyên canh lúa. Làm giàu bền vững từ nông nghiệp”.
Tại Vĩnh Tuy, không khó để bắt gặp những nông dân dám “chơi lớn”, làm đến hàng mẫu ruộng, đơn cử như các hộ: Đỗ Văn Phương 5 mẫu; Đỗ Mạnh Trì 10 mẫu; Phùng Kim Thành 10 mẫu; Đỗ Văn Giỏ 20 mẫu... Việc áp dụng phương pháp sản xuất lúa chuẩn quy trình SRI cộng với quá trình tích tụ ruộng đất, đầu tư vào chăm sóc theo hướng thâm canh đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
“Gạo Vĩnh Tuy... hương thơm nhẹ, cơm đậm đà” là slogan thương hiệu gạo sạch, sản phẩm OCOP của xã Vĩnh Ninh do HTX Vĩnh Trung sản xuất. Từ chất đất “đặc trưng” không giống ai, từ giống lúa chất lượng, từ quy trình chăm sóc chuẩn VietGAP mới có hạt gạo thảo thơm gửi đi muôn nơi, được thị trường Quảng Ninh, Lệ Thủy, TP. Đồng Hới, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội... chấp thuận.
Với 10ha canh tác theo quy trình SRI vụ đầu tiên vào năm 2019, đến nay diện tích tăng lên 30ha phục vụ cho thương hiệu gạo sạch Vĩnh Tuy, huy động 87 hộ thành viên tham gia. Trong tương lai, diện tích có thể mở rộng thêm lên đến 180ha...
Năm đầu tiên, gạo sạch Vĩnh Tuy xuất bán ra thị trường khoảng hơn 22 tấn; thời điểm cao nhất đến 40 tấn, chủ yếu đáp ứng thị trường nội tỉnh. “Gạo Vĩnh Tuy... hương thơm nhẹ, cơm đậm đà” hiện tại đã thành sự thật, nhưng để có chỗ đứng thật vững trên thị trường thì còn là một quá trình dài.
Ông Đỗ Văn Nam tâm sự: “Hiện tại HTX chưa có hệ thống kho xưởng quy mô, máy móc hiện đại. Mỗi dây chuyền xay xát, phân loại, đóng gói gạo như thế trị giá trên dưới 2 tỷ đồng. Một câu hỏi đặt ra là gạo Vĩnh Tuy ngon như thế mà khó chen chân vào hệ thống các cửa hàng, siêu thị lớn? Tìm hiểu, chúng tôi mới hay, trước đây chúng tôi “ham” quá, đóng toàn bao lớn, trọng lượng 10kg, 20kg... rất bất tiện cho người tiêu dùng. Bây giờ chúng tôi đang thay đổi lại mẫu mã bao bì, giảm trọng lượng xuống còn 3-5kg. Hy vọng những thay đổi này sẽ là duyên mới giúp gạo sạch Vĩnh Tuy tỏa đi muôn phương”.
Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/phong-su/202212/giac-mo-gao-que-2205828/