Giấc mơ Giáo hoàng người châu Phi có thành hiện thực?

Không nơi nào trên thế giới mà Giáo hội Công giáo La Mã phát triển nhanh hơn ở châu Phi, lục địa được Đức Giáo hoàng Francis dành rất nhiều sự quan tâm.

Các Hồng y tại Thánh lễ tang của Giáo hoàng Francis. Ảnh: AA/TTXVN

Các Hồng y tại Thánh lễ tang của Giáo hoàng Francis. Ảnh: AA/TTXVN

Theo tờ New York Times, khi Đức Giáo hoàng Francis chủ trì Thánh lễ kết hợp các yếu tố truyền thống Congo tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô vào năm 2019, điều này được coi là dấu hiệu cho thấy cam kết lâu dài của ngài đối với người Công giáo La Mã trên khắp châu Phi.

Khi ngài đến thăm những người di cư châu Phi ở miền Nam Italy và sau đó hôn chân hai lãnh chúa đối địch của Nam Sudan, hành động đó đã thu hút nhiều sự chú ý hơn đến mối quan tâm của ngài dành cho một lục địa nơi số lượng người Công giáo đang tăng nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

"Là người đến từ Mỹ Latinh, ngài cảm thấy hoàn cảnh khó khăn của chúng ta với tư cách là một lục địa thế giới thứ ba đang vật lộn trong một thế giới bị kiểm soát từ xa", Đức Hồng y John Onaiyekan, cựu Tổng giám mục Abuja, Nigeria, người đã bỏ phiếu trong mật nghị năm 2013 bầu ra Đức Francis, cho biết.

Khi Đức Hồng y Onaiyekan và những người đồng cấp chuẩn bị họp tại Nhà nguyện Sistine vào tuần tới để bầu ra Giáo hoàng mới sau khi Đức Francis qua đời, câu hỏi về cách dân số Công giáo đang gia tăng của châu Phi có thể định hình triều đại Giáo hoàng tiếp theo và tương lai của Nhà thờ đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Công giáo phát triển mạnh ở châu Phi

Khoảng 1/5 dân số châu Phi, tức khoảng 280 triệu người, là người Công giáo. Gần 1/5 số người Công giáo là người châu Phi và sự cân bằng đó đang thay đổi: Theo Vatican, hơn một nửa trong số 13 triệu người gia nhập Nhà thờ vào năm 2022 là người châu Phi.

Châu Phi cũng là nơi có nhiều chủng sinh (người được đào tạo làm linh mục) nhất thế giới. Trong số 135 hồng y sẽ tham gia bầu chọn giáo hoàng tiếp theo, có 18 người đến từ châu Phi.

Di sản của Đức Francis ở châu Phi được đón nhận đa dạng, một số người ghi nhận công lao của ngài vì đã điều chỉnh giáo lý của nhà thờ theo phong tục châu Phi và những người khác nói rằng đôi khi thông điệp của ngài không phù hợp với các tín ngưỡng đa dạng và mạnh mẽ đang tồn tại trong nhiều xã hội châu Phi.

Buổi lễ Chủ nhật tại một nhà thờ Công giáo La Mã ở Juba, Nam Sudan. Ảnh: New York Times

Buổi lễ Chủ nhật tại một nhà thờ Công giáo La Mã ở Juba, Nam Sudan. Ảnh: New York Times

Về vấn đề hôn nhân đồng giới và ly hôn, việc Đức Francis ban phước cho các cặp đôi đồng giới đã phải đối mặt với sự chỉ trích mạnh mẽ từ các giám mục châu Phi và nhiều người Công giáo ở các quốc gia mà tình dục đồng giới vẫn bị coi là phạm pháp, bị kỳ thị hoặc bị cấm kỵ. Các nhà quan sát cho biết sự phản kháng của các giám mục châu Phi đã làm nổi bật ảnh hưởng ngày càng tăng của họ trong giáo hội.

"Giáo hoàng Francis có sự đoàn kết nhất định với châu Phi và tôi nghĩ rằng những lời dạy của ngài về các vấn đề xã hội đã được đánh giá cao", Cha Giulio Albanese, một nhà truyền giáo người Italy từng làm việc tại Uganda vào những năm 1980 và đã tháp tùng Đức Francis trong hai chuyến đi đến châu Phi, cho biết.

Đức Francis đã đến thăm 10 quốc gia châu Phi qua 5 chuyến đi trong 12 năm làm giáo hoàng của mình, trong khi người tiền nhiệm của ngài chỉ đến thăm lục địa này 2 lần.

Những gương mặt tiềm năng từ châu Phi

Báo New York Times đánh giá, trong số những người kế nhiệm tiềm năng của Đức Francis từ châu Phi có Hồng y Fridolin Ambongo, Tổng giám mục 65 tuổi của Kinshasa, là thành viên của Hội đồng Hồng y và là người lãnh đạo phe đối lập với tuyên bố của Vatican cho phép nhà thờ ban phước cho các cặp đôi đồng tính.

Phe đối lập đó về cơ bản đã buộc Đức Francis phải để các giám mục châu Phi bỏ qua chính sách này.

Các nhà lãnh đạo thế giới dự Thánh lễ an táng Giáo hoàng Francis tại Vatican ngày 26/4/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Các nhà lãnh đạo thế giới dự Thánh lễ an táng Giáo hoàng Francis tại Vatican ngày 26/4/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Những ứng cử viên khác đến từ châu Phi bao gồm Hồng y Peter Turkson của Ghana, người là ứng cử viên trong mật nghị năm 2013 và có quan điểm tương tự như Đức Francis về biến đổi khí hậu, công lý xã hội và đồng tính luyến ái.

Ở phía có quan điểm đối lập là Hồng y Robert Sarah của Guinea – nhân vật phản đối hàng đầu của Giáo hoàng Francis và những nỗ lực hiện đại hóa nhà thờ của ngài.

Việc bầu một giáo hoàng người châu Phi rất có thể sẽ mở ra một kỷ nguyên bảo thủ, phù hợp với quan điểm truyền thống của nhiều người Công giáo châu Phi.

Tuy nhiên, về nhiều chủ đề, các tín hữu Công giáo châu Phi cho biết Đức Giáo hoàng Francis đã rao giảng những giá trị gần gũi với trái tim họ, bao gồm mối quan hệ tôn trọng hơn với thiên nhiên, đối thoại liên tôn giáo với Hồi giáo và tầm quan trọng của việc tích hợp các truyền thống bản địa vào đức tin.

Ngay cả về vấn đề đồng tính, nhiều người cho rằng cách tiếp cận tinh tế của Đức Francis đã tạo được sự đồng cảm ở châu Phi và khiến giáo lý của Giáo hội trở nên hấp dẫn hơn tại một châu lục có tỷ lệ người trẻ cao nhất thế giới.

Giáo dân thương tiếc Giáo hoàng Francis trong nhà thờ ở Goma, CHDC Congo. Ảnh: New York Times

Giáo dân thương tiếc Giáo hoàng Francis trong nhà thờ ở Goma, CHDC Congo. Ảnh: New York Times

“Lập trường của Đức Giáo hoàng Francis về người đồng tính là vừa tái khẳng định giáo huấn truyền thống của Công giáo, vừa kêu gọi sự bao dung và tôn trọng lớn hơn”, Brian Mboh, 28 tuổi, một tín hữu Công giáo và là chuyên gia truyền thông người Cameroon – nơi đồng tính luyến ái vẫn bị hình sự hóa – chia sẻ.

Trong một buổi tiếp kiến riêng với Đức Giáo hoàng vào năm 2023, Sheila Leocádia Pires, cán bộ truyền thông của Hội đồng Giám mục Công giáo miền Nam châu Phi, cho biết bà đã nêu vấn đề các bà mẹ đơn thân bị từ chối cho rước lễ tại châu Phi. “Tất cả đều được chào đón” là câu trả lời của ngài, bà Pires kể lại.

Dù Đức Francis dành nhiều sự quan tâm cho châu Phi, người Công giáo ở đây cũng nhận thấy ảnh hưởng và những lời kêu gọi hòa bình của ngài chỉ mang lại ít kết quả.

Cuộc chiến ở Cộng hòa Dân chủ Congo đã bước sang một giai đoạn đẫm máu mới trong năm nay. Người di cư châu Phi vẫn đối mặt với vô vàn hiểm nguy trên hành trình đầy rủi ro sang châu Âu. Hai nhà lãnh đạo đối địch ở Nam Sudan lại đang đe dọa một cuộc chiến mới.

“Họ đã quên cách ngài quỳ xuống và hôn chân họ, bởi giờ đây họ lại đang xâu xé nhau”, Hồng y Onaiyekan nói.

Tuy vậy, một số người cho rằng sự quan tâm và chăm sóc mà Đức Francis dành cho châu Phi chính là điều họ sẽ nhớ nhất về ngài. “Đất nước chúng tôi đang có chiến tranh, nhưng ngài vẫn đến đây để chia sẻ nỗi đau với chúng tôi”, Eugenie Ndumba, một giảng viên giáo xứ ở Congo nói.

Thu Hằng/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/giac-mo-giao-hoang-nguoi-chau-phi-co-thanh-hien-thuc-20250430234855365.htm