Thần tốc truy kích địch

Tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Trị Thiên-Huế (1975), cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Ngọc Thuấn không thể nào quên những ngày truy kích địch rút chạy ra cửa Thuận An (TP Huế).

Mùa xuân năm 1975, tình hình chiến trường diễn biến nhanh chóng theo hướng có lợi cho cách mạng. Ngày 4-3-1975, Chiến dịch Tây Nguyên mở màn cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam. Sau đó chỉ một ngày (5-3), Chiến dịch Trị Thiên-Huế cũng rền vang tiếng súng.

Các đơn vị của ta được lệnh tiến công bao vây tiêu diệt tập đoàn phòng ngự của địch tại Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Khi đó, đồng chí Nguyễn Ngọc Thuấn tham gia chiến đấu trong đội hình Tiểu đoàn 47, Trung đoàn 270, Bộ CHQS Đặc khu Vĩnh Linh.

 Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Thuấn (giữa) ôn lại kỷ niệm chiến đấu với đồng đội. Ảnh: VŨ DUY

Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Thuấn (giữa) ôn lại kỷ niệm chiến đấu với đồng đội. Ảnh: VŨ DUY

Một tối đầu tháng 3-1975, ông Thuấn được cấp trên giao nhiệm vụ quan trọng. “Lúc đó, tôi đang ngồi sinh hoạt thì nhận được lệnh khẩn của đồng chí Đại đội trưởng Nguyễn Văn Hùng. Ngay trong đêm, tôi cùng đồng chí Hùng cơ động lên Ban Tác chiến nghe giao nhiệm vụ trinh sát đường tiến quân đánh từ Quảng Trị về cửa Thuận An”, ông Thuấn nhớ lại.

Tại khu vực thôn 8, xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, đồng chí Thuấn cùng với Đại đội phó Nguyễn Trọng Tấn nhận nhiệm vụ cơ động vào gần khu vực địch đồn trú làm công tác địch vận. Mặc dù không có lực lượng yểm hộ nhưng hai người vẫn tiến sát gần hàng rào gọi hàng địch. Cầm chiếc loa trên tay, đồng chí Thuấn hô lớn: “Hỡi binh sĩ, đây là thời cơ để quay trở về với nhân dân. Nếu ai còn suy nghĩ chần chừ thì ở đâu hãy đứng nguyên đó để chúng tôi tiến vào thực hiện nhiệm vụ”. Nghe tiếng loa, song địch không ra hàng mà vẫn ngoan cố rút chạy xuống Thừa Thiên Huế.

Ngày 19-4-1975, đơn vị cơ động chiến đấu tới địa phận xã Điền Hương, huyện Phong Điền. Tại đây, tiểu đoàn của đồng chí Thuấn phối thuộc chiến đấu với Lữ đoàn Xe tăng 203, Quân đoàn 2 (nay là Quân đoàn 12) truy quét địch đang rút chạy. Đội hình truy kích vượt qua những cồn cát trống trải, chang chang nắng. Bầu trời rền vang tiếng đạn pháo. Địch câu từng loạt đạn pháo từ ngoài biển vào nhằm ngăn chặn đoàn xe tăng dẫn dắt bộ binh tiến quân thần tốc. Bất chấp hiểm nguy, lực lượng Quân giải phóng quyết tâm ngăn chặn đường rút chạy của địch. Đang trong thế thắng, đội hình đơn vị cơ động rất nhanh. Đi đến đâu, tinh thần chiến thắng lan tỏa đến đó, lực lượng của ta cũng nhận được sự ủng hộ rất lớn từ nhân dân địa phương. Tuy nhiên, một số gia đình có con em bị bắt đi lính cho địch đã chạy ra xin Quân giải phóng ngừng tiến quân và không nổ súng, tránh gây thương vong. Khi ấy, đơn vị phải tạm dừng lại, gặp gỡ bà con, nói rõ chính sách khoan hồng của cách mạng và đề nghị bà con vận động binh lính ngụy mau chóng quay về ra hàng cách mạng. Sau khi nghe Quân giải phóng giải thích, thân nhân binh lính ngụy liền sử dụng xe máy chạy theo hướng địch rút lui. Chỉ một tiếng sau, số lính tháo chạy đã tự động quay trở lại hạ vũ khí đầu hàng.

Ngày 24-3, đồng chí Thuấn đã có mặt ở bờ Nam Thuận An. Khi đó, nhiệm vụ của đơn vị là phải vượt qua sông để tiếp tục truy quét địch ở bên bờ Bắc. Tại đây có một bộ phận binh lính do một tên sĩ quan ngụy rất ác ôn chỉ huy, ngoan cố không chịu đầu hàng. Số binh lính đó co cụm cố thủ chờ tàu đến đón để tháo chạy ra biển về Đà Nẵng. Để chuẩn bị vượt sông, đồng chí Thuấn cùng Chính trị viên đại đội Nguyễn Hữu Chí tiếp tục trinh sát địa hình. Khi lực lượng của ta tiến đến bờ sông, tên sĩ quan ngụy đã lệnh cho số tàn binh bắn trả rất ác liệt. Với quyết tâm bắt gọn số tàn binh, không để chúng tháo chạy, đơn vị đề nghị pháo binh yểm trợ bắn sang bên bờ Bắc. Sau những loạt đạn pháo phá hủy, tiếng súng bắn trả thưa dần rồi ngưng hẳn. Tên sĩ quan ngụy tử vong, số tàn binh lần lượt ra đầu hàng, giao nộp vũ khí.

Nhớ lại thời điểm giải giáp hàng binh, CCB Nguyễn Ngọc Thuấn chia sẻ: “Khi đó, bọn chúng vừa đi vừa kêu xin chúng tôi đừng giao cho du kích địa phương vì sợ mất mạng. Chúng tôi giải thích rằng đã có chính sách của cách mạng đối với tù, hàng binh, miễn là phải khai báo trung thực, đầy đủ”. Đưa được số hàng binh sang bờ Nam, đơn vị tiến hành bàn giao cho lực lượng của ta tiếp quản rồi chuyển về khu vực tập trung. Sau đó, đơn vị tiếp tục cơ động phối hợp với các lực lượng khác tiến quân vào giải phóng Huế.

Trong suốt quá trình cơ động chiến đấu, tình hình chiến sự diễn ra rất nhanh, tính chất ác liệt. Tuy nhiên, thế đánh như chẻ tre cùng tinh thần chiến thắng hân hoan đã cổ vũ, động viên đồng chí Thuấn cùng đồng đội thêm quyết tâm vững bước đi đến thắng lợi cuối cùng. Sau này, mỗi khi có dịp gặp lại đồng đội hay nói chuyện truyền thống với thế hệ trẻ, CCB Nguyễn Ngọc Thuấn lại bồi hồi kể về những ngày chiến đấu truy kích địch, bắt được nhiều hàng binh, thu giữ nhiều phương tiện chiến tranh, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Trị Thiên-Huế năm 1975.

ĐỨC NAM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/than-toc-truy-kich-dich-826143