Giấc mơ 'Hồng sa' và khu vườn thần tiên

Tôi đến xưởng gốm của nghệ nhân Phạm Thế Anh với sự tò mò và háo hức. Đầu tiên chỉ vì dân Bát Tràng loan tin đây là bối cảnh của công ty gia đình Vũ, một trong những nhân vật chính của bộ phim 'Về Nhà đi con' (rất lôi cuốn khán giả truyền hình thời gian qua). Sau đó lại biết rằng Phạm Thế Anh là tác giả bản quyền về đất 'Hồng sa', một chất liệu làm gốm mới ở Bát Tràng.

Những khắc khoải bên sông Hồng

Khu vườn gốm của nghệ nhân Phạm Thế Anh nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi. Bởi ống kính trong bộ phim truyền hình nổi tiếng "Về nhà đi con" không quay hết được cảnh vườn thượng uyển thơ mộng với đàn cá vàng bơi tung tăng trong hồ nước. Một chiếc cầu kiều và những hàng cây bên con suối chảy róc rách. Chúng tôi ngồi bên bộ tràng kỷ gỗ mun đàm đạo về đất và gốm.

Nghệ nhân Thế Anh hồi tưởng lại bao đêm trăn trở về một thứ đất quê hương. Anh mộng ước gốm Bát Tràng phải được làm từ đất mẹ sông Hồng, nơi anh cất tiếng khóc chào đời. Đất sét Bát Tràng đã không còn. Nay người làm gốm phải đi mua đất các miền xa. Từ khi còn nhỏ Thế Anh đã chui vào chiếc lò than (lò bầu) của gia đình và nhắm mắt mơ về một vườn gốm quanh nhà.

Những ký ức tuổi thơ luôn đeo đuổi trong tâm hồn người thợ trẻ. Anh có dịp đi đây đó khảo sát thị trường nên biết đến gốm sứ Trung Hoa nổi tiếng với thứ đất "Tử sa". Vậy tại sao mình lại không có một thứ gốm đặc sản mà chỉ có ở Bát Tràng.

Vậy là ý tưởng khai phá đất "Hồng sa" xuất hiện. Từ đó Thế Anh nuôi mộng tìm ra một thế giới gốm của riêng mình. Giấc mơ mang tên "Hồng sa" đeo đuổi Thế Anh trong nhiều năm từ khi bắt tay kế tục sự nghiệp của cha (2004). Hằng đêm anh luyện đất từ phù sa sông Hồng. Rồi nặn tượng cùng các mặt hàng để trải nghiệm. Anh mong ước phải ngửi thấy mùi đất quê hương trên cái bát, cái đĩa Bát Tràng. Không ít người cho là gàn. Bởi đất nào chả là đất.

Nghệ nhân Thế Anh - tác giả gốm “Hồng sa''.

Nghệ nhân Thế Anh - tác giả gốm “Hồng sa''.

Nhưng với Thế Anh lại khác. Hàng tháng trời anh lấy phù sa sông Hồng về nhào nặn. Thử nghiệm rồi lại hỏng. Dựng hàng xong nung lại nứt. Điều chỉnh nhiệt độ lò ra sao đây. Biết bao lo toan trong sự kiếm tìm. Miền phù sa bao la sông Hồng đang đón chờ người thợ trẻ khám phá. Quả nhiên, trời không phụ lòng người. Sự mải mê luyện đất ngày đêm đã đem lại cho Thế Anh một thành tựu bất ngờ. Anh bảo vệ thành công sáng chế của mình: luyện đất từ phù sa sông Hồng để làm gốm Bát Tràng (2019).

Đặc biệt những mẫu ấm trà "Hồng sa" đã được người Nhật ưa chuộng. Nhiều năm nay, các công ty bên Nhật đã ký hợp đồng sản xuất với xưởng gốm Thế Anh. Quanh chỗ chúng tôi ngồi bên hồ sen là một công viên gốm làm bằng đất "Hồng sa". Công viên được dựng lên đúng với ước mơ của tuổi thơ mà Thế Anh hằng tưởng tượng. Trên những bức tường chung quanh công viên gốm là những bức tranh đồng quê được vẽ theo ý tưởng của Thế Anh.

Người nghệ nhân ở tuổi 45 này có một kiểu chơi tranh rất kỳ lạ. Anh mời họa sĩ về tận nhà vẽ theo ý tưởng của mình. Toàn tranh đồng quê, con cò, hoa sen và sương bay. Tôi bỗng chú ý tới một bức tranh lò gạch cũ. Một lò gạch bị bỏ rơi hoang rêu có ống khói như vẫn hổn hển phà những hơi khói của thời gian đầy ám ảnh trong khu vườn hoang. Đúng lúc đó một số bạn trà đến quây quần râm ran đòi Thế Anh pha trà chính bằng cái ấm "Hồng sa" đầu tiên. Làn gió heo may thu sang. Những con cá vàng quẫy đuôi lóe trên mặt nước như chùm tia nắng chớp sáng

Những vần thơ thiền trà

Bất ngờ có một bạn trẻ đố từng người thử đọc những câu thơ hay về trà. Không khí mỗi lúc một rôm rả. Họ kêu nghệ nhân Thế Anh "phát hỏa" đầu tiên. Anh mỉm cười rồi nói trà luôn xuất hiện trong thi ca từ xưa tới nay. Trà là nhu cầu đời sống sinh hoạt thường ngày, nhưng có lẽ trà đến với cửa Phật tạo nên một trường phái thiền trà lắng đọng nhất ở nước ta. Anh lấy giọng rồi ngâm nga: "Nhẹ nâng một chén trà thiền. Bình tâm nhìn khói ưu phiền thoảng bay. Cuộc đời một giấc mộng say. Trăm năm nhìn lại mới hay vô thường".

Ánh mắt Thế Anh trở nên suy tư bởi những ký ức một thuở quay về. Bố anh cả một đời làm gốm cũng đã ra đi bên ngọn lửa nung trong mẻ gốm dở dang. Nước trà thiết quan âm dịu chát và có chút ngọt hậu thơm hương. Trời se lạnh, để tiếp nối cái nét vô thường mà Thế Anh vừa gợi mở, tôi xin tham gia mấy vần thơ tự viết: "Ấm đất ủ hương sen. Trà rót đầy một chén. Sau bao lần hò hẹn. Xin dâng người tình nhân".

Đúng lúc đó có một cô gái mặc áo dài đỏ xin vào khu vườn nhà Thế Anh để chụp ảnh thời trang. Ai nấy sững sờ trước vẻ đẹp kiêu sa của cô gái. Có người thốt lên rằng câu thơ của tôi đúng là thần giao cách cảm: "Sau bao lần hò hẹn. Xin dâng người tình nhân". Thì ra người tình nhân trong mộng xuất hiện như trong mơ vậy. Nghệ nhân Phạm Thế Anh mời chúng tôi đi cùng người đẹp ra vườn thượng uyển. Chim ca. Suối chảy. Thông reo. Những phiến đá đi trên con suối dường như cũng nở những đóa hoa vân rất rụt rè dưới bước chân người đẹp. Cô gái nghiêng mình tự giới thiệu tên là Huệ Chi và tỏ lời cảm kích trước những "trà nhân". Những tay máy đã sẵn sàng bật sáng ánh đèn từ những góc vườn. Người đẹp uyển chuyển bước nhẹ trên những phiến đá hoa cương…

Góc bày gốm “Hồng sa” của nghệ nhân Thế Anh.

Góc bày gốm “Hồng sa” của nghệ nhân Thế Anh.

Chúng tôi lại ngồi trên một bàn trà khác và đàm đạo tiếp về những vần thơ thiền trà. Nhà báo trẻ Bùi Dương đột nhiên khoe vừa học thuộc được một câu thơ thiền. Anh hắng giọng đọc: "Uống trà trong nắng sớm. Vườn tâm đầy hương hoa" (Viên Ngộ). Giọng thơ Bùi Dương thật ấm áp làm mọi người tràn đầy hưng phấn. Một anh chàng họa sĩ tỏ ra nghiêm nét mặt rồi lấy hơi ngâm nga: "Chén trà trên hai tay. Chánh niệm dâng tròn đầy. Thân và tâm án trú. Bây giờ và ở đây". Anh cho đây là bài thơ hay về thiền trà được tôn lên đầu bảng trong "Thi kệ Thiền Trà". Họa sĩ lim dim con mắt rồi nói: "Bao nỗi buồn vui sinh tử mộng đều tan biến trong hương một chén trà". Mọi người đều vỗ tay tán thưởng vì được nghe những tâm tư về thiền trà sâu xa đến vậy.

Ai dè tôi lại được đôn lên hàng đàn anh bởi lớn tuổi hơn cả. Có người nhận ra tôi mới dự Lễ hội Trà trên xứ sở Tân Cương đầu xuân năm nay, nên đòi nghe lại bài thơ thiền về trà, trong một cuộc giao lưu. Đây là bài thơ tôi ngẫu hứng làm tại cuộc thi sao trà của các nghệ nhân. Khi ấy tôi uống thử một ấm trà mới sao xong và viết ra mấy câu: "Hương trà thơm ấm đất. Nồng đượm ủ mỗi ngày. Mây trời xanh bát ngát. Tụ về trong chén đầy". Một bạn trẻ gật gù nâng chén trà thơm phức hương sen lên môi rồi đọc luôn hai câu thơ của Thiền sư Thích Tánh Tuệ rằng: "Ai hay trong một chén trà. Có hồ sen ngát mượt mà dâng hương". Ai nấy đều tấm tắc với những vần thơ. Từ góc vườn vang lên những âm thanh họa mi hót cùng tiếng đàn hồ cầm thánh thót bên hồ sen.

Cuộc biểu diễn ấm trà

Điều thú vị về nguyện liệu đất "Hồng sa" của nghệ nhân Thế Anh nổi bật ở sắc màu dân gian gần gũi với đời sống. Thế Anh biểu diễn trước mặt chúng tôi về những chiếc ấm trà. Khi dựng tay cầm quai ấm lên trên bàn, cho dù thân ấm to và nặng, nhưng cũng không bị đổ. Có nghĩa là sản phẩm của người thợ rất chuẩn. Hoặc như kỹ thuật thiết kế vòi ấm. Về nguyên tắc, ấm trà sau khi rót, nước không bị rớt ra vòi hoặc rơi xuống bàn mới gọi là hoàn thiện. Hay đặc biệt về nắp ấm của đất Hồng sa khít tuyệt đối luôn giữ nhiệt cho thân ấm. Anh thể hiện rồi mời mọi người thao tác quả đúng như anh nói.

"Hồng sa" là một sáng tạo từ nên tảng văn hóa sông Hồng. Câu chuyện dẫn chúng tôi đếm với miền cổ tích Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Đây là một trong bốn vị thần được dân gian tôn vinh là Tứ bất tử của Việt Nam. Những vật gốm "Hồng sa" được tôi luyện qua lửa và bừng lên ánh sắc của riêng mình. Nghệ nhân Thế Anh chắp tay và quỳ trước cái ấm trà, với một nỗi niềm mê đắm của người thợ hết lòng với đất đai tổ tiên. Nhìn anh nâng nắm phù sa trên tay, tôi bỗng nhớ đến câu thơ của Trương Nam Hương viết: "Chỉ sông Hồng thương mẹ hát đơn côi. Phù sa đỏ như miếng trầu mẹ quệt. Ăn hạt gạo giờ con mới biết. Có sông và đời mẹ ở bên trong" (Với sông Hồng).

Vương Tâm

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/giac-mo-hong-sa-va-khu-vuon-than-tien-561748/