Giấc mơ mua ô tô giá rẻ vẫn còn xa vời
Mỗi năm, mặc dù người dân mua hàng trăm nghìn chiếc xe ô tô nhưng có vẻ điều này chưa thực sự tạo động lực để hạ giá ô tô trong nước và cũng chưa đủ lớn để phát triển ngành công nghiệp ô tô.
Theo số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong 3 năm qua từ 2019 - 2021, người dân trên cả nước đã mua gần 900.000 xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Cụ thể, tổng doanh số bán hàng trên toàn thị trường cả năm 2021 đạt 287.637 xe. Còn con số này của năm 2020 là 308.713 xe và của năm 2019 là 296.411 xe.
Giá xe vẫn chưa rẻ
Với lượng tiêu thụ này, Việt Nam đã đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á về lượng ôtô tiêu thụ trong năm 2021. Đây cũng là năm thứ 2 Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực. Trước đó, vị trí này từng thuộc về Philippines.
Bước sang năm 2022, Việt Nam đang từng bước tiến đến mục tiêu bao phủ vắc-xin, kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19, hoạt động kinh doanh ô tô được dự báo sẽ ổn định hơn. Cùng với đó, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp sản xuất trong nước kéo dài đến hết tháng 5/2022 sẽ tạo thêm động lực cho người dân mua ô tô. Cụ thể là chỉ trong 2 tháng đầu năm nay, đã có 53.544 xe các loại được bán ra toàn thị trường.
Mặc dù có lượng ô tô tiêu thụ hàng trăm nghìn chiếc mỗi năm và tiếp tục được đánh giá là hoạt động mua bán ô tô sẽ sôi động trong năm nay nhưng có một điều không thể phủ nhận là mức giá ô tô ở Việt Nam vẫn cao hơn so với các nước.
Theo tính toán của các ngành chức năng, một chiếc xe nhập từ khu vực ASEAN, chẳng hạn như Indonesia có giá trung bình khoảng 300 triệu đồng. Dù được hưởng thuế nhập khẩu 0% nhưng để đến tay người dùng, một chiếc xe có giá gốc 300 triệu đồng, dung tích 2.0 - 2.5L phải chịu 50% thuế tiêu thụ đặc biệt (150 triệu đồng), 10% chi phí bán hàng và 10% VAT.
Như vậy, giá của chiếc xe này tại đại lý thấp nhất là 515 triệu đồng chưa bao gồm các chi phí marketing, phí trước bạ, phí đăng kiểm, phí bảo trì đường bộ, phí cấp biển, bảo hiểm... Các khoản này đội thêm khoảng hơn 100 triệu đồng nữa.
Còn với xe nhập từ các nước châu Âu, mức thuế nhập khẩu ô tô đang được áp dụng tới 70% chưa kể các loại thuế, phí khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT và chi phí bán hàng, chi phí đăng ký… Như vậy, với 1 chiếc xe nhập khẩu ở các nước châu Âu với giá 1 tỷ (loại xe dung tích 3.0L) thì giá khi đến tay người dùng sẽ gấp ít nhất khoảng 3 lần so với giá gốc.
Dẫn chứng trên cho thấy, một trong những nguyên nhân khiến giá ô tô trong nước vẫn cao hơn so với các nước khác là bởi chính sách thuế, phí với ô tô hiện đang theo kiểu “thuế chồng thuế, phí chồng phí”. Thậm chí, tiền thuế, phí các loại hiện đang chiếm phần lớn giá trị thực sự của nhiều chiếc xe ô tô trước khi chúng được lăn bánh trên thị trường.
Tăng sản lượng, thúc đẩy nội địa hóa
Không chỉ chịu gánh nặng thuế phí, ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam được đánh giá là chưa phát triển do tỷ lệ nội địa hóa thấp. Hiện, thị trường ô tô trong nước đang có rất nhiều dòng xe khác nhau. Nếu chỉ tính về mẫu mã, trong hơn 100 loại xe đang được sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam, không có mẫu xe nào đạt được sản lượng 50.000 xe/năm, trong khi đây là mức tối thiểu để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa của ngành.
Theo các chuyên gia, dù mỗi năm người tiêu dùng mua gần 300.000 xe ô tô nhưng con số trên cho thấy sản lượng xe của Việt Nam còn rất thấp, chưa đủ để tạo ra một ngành công nghiệp ô tô phát triển đúng nghĩa.
Nghiên cứu của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cũng cho thấy, hơn 90% doanh nghiệp cung cấp linh kiện ô tô tại Việt Nam là các doanh nghiệp FDI. Mới chỉ có một số doanh nghiệp trong nước tham gia vào mạng lưới cung ứng cho sản xuất, lắp ráp ô tô nhưng chiếm thị phần nhỏ bé. Trong khi, muốn làm ra một chiếc ô tô hoàn thiện, phải cần từ 30.000 - 40.000 chi tiết, linh kiện.
Còn theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu Chiến lược, chính sách Công Thương, ngành công nghiệp ô tô trong nước hiện nay vẫn nhập khẩu khoảng 80% linh kiện, trong khi Thái Lan chỉ còn nhập khẩu dưới 10%. Việt Nam cũng chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp cung ứng đầu vào cho sản xuất, lắp ráp nhưng Thái Lan đã có gần 4.000 doanh nghiệp.
Vì chưa chủ động sản xuất được các linh kiện và cũng chưa có doanh nghiệp thực sự lớn trong ngành công nghiệp ô tô nên việc nhập khẩu các linh kiện chắc chắn khiến chi phí sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đội lên ở mức khá cao.
Thực tế cho thấy, ngành công nghiệp ô tô có điểm khác biệt so với các ngành sản xuất công nghệ như điện thoại, hàng dân dụng... ở chỗ, chỉ khi thị trường nội địa tiêu thụ tốt thì ngành phụ trợ mới phát triển, từ đó thúc đẩy lắp ráp, sản xuất.
Chính vì vậy, việc tiếp tục sửa đổi thuế, phí để tăng tính cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách sản xuất ô tô trong và ngoài nước, không để tình trạng thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc, cao hơn cả nhập linh kiện về lắp ráp là điều cần thiết. Việc này cũng từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và hạ giá thành ô tô khi đến tay người tiêu dùng.
Bà Trương Thị Chí Bình, chuyên gia Viện nghiên cứu Chiến lược, chính sách Công Thương, cho biết khi tăng được sản lượng tiêu thụ ô tô trong nước thì sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ. Muốn vậy, Nhà nước phải có các chính sách khuyến khích người dân mua ô tô bằng nhiều cách khác nhau. Còn nếu không tăng được sản lượng tiêu thụ ô tô thì ngành công nghiệp ô tô không thể phát triển, điều này cũng đồng nghĩa với việc chúng ta “chủ động” nhường thị trường ấy cho nước ngoài.
Đặc biệt hiện nay, căng thẳng Nga - Ukraine đang cắt đường cung linh kiện nên thị trường sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Đi kèm với đó là vấn đề nhập khẩu ô tô cũng khó khăn và chậm hơn. Chính vì vậy, theo các doanh nghiệp, trước tiên cần có nhóm chính sách để duy trì thị trường tiêu thụ ô tô tăng trưởng ổn định, không ảnh hưởng đến sản lượng xe tiêu thụ. Còn về lâu dài, cần có chính sách đẩy nhanh nội địa hóa với các linh kiện để phục vụ sản xuất, lắp ráp trong nước.
Chẳng cần nhìn đâu xa, Việt Nam có thể học hỏi ngay các nước trong khu vực ASEAN để giúp người dân hoàn thành giấc mơ mua xe giá rẻ. Thống kê trong khu vực, Thái Lan và Indonesia vẫn là hai nước giữ ngôi đầu về mức tiêu thụ xe mới lẫn sản xuất nội địa. Trong đó, Thái Lan sản xuất ôtô gần gấp đôi nhu cầu tiêu thụ xe mới trong nước. Để có được kết quả như vậy, chính phủ Thái Lan đã dành một khoản ngân sách nhất định để hỗ trợ người dân bằng cách giảm các loại thuế phí, đồng thời có gói hỗ trợ nhằm kích cầu người dân mua xe lần đầu.
Còn đối với Indonesia, nước này đã có kế hoạch phát triển xe cỡ nhỏ, giá rẻ với mục đích người dân nào cũng có thể sở hữu xe ô tô. Bên cạnh đó, Indonesia còn tăng sản lượng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển công nghiệp ôtô. Đến nay, nước này không chỉ có nhà máy của các hãng nước ngoài mà còn có hai thương hiệu nội địa là Proton và Perodua vốn đứng đầu về thị phần xe bán ra trong nhiều năm qua.