Giấc mơ ngành công nghiệp bán dẫn vẫn đau đáu với doanh nghiệp Việt
Việt Nam đã bắt tay vào lĩnh vực sản xuất bán dẫn khá sớm, những giấc mơ nay chưa thành hiện thực và đây là nỗi niềm đau đáu của nhiều doanh nghiệp công nghệ.
Việt Nam đã bắt tay vào hiện thực hóa xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn từ rất sớm từ những năm 1979, nhưng con đường này gặp nhiều chông gai. Thế nhưng lịch sử đang gọi tên, cơ hội mới đang mở ra cho Việt Nam để trở thành trung tâm sản xuất bán dẫn trên thế giới và những thế hệ người Việt đang hiện thực hóa giấc mơ dang dở này.
Giấc mơ xây dựng ngành bán dẫn từ sau khi đất nước thống nhất
Chia sẻ tại tọa đàm “Chuỗi giá trị chip và cơ hội cho Việt Nam” câu chuyện về những bước đi đầu tiên của ngành bán dẫn Việt Nam, Giáo sư – Tiến sĩ Trần Xuân Hoài (Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) cho biết, Việt Nam đã quan tâm đến bán dẫn từ rất sớm.
Chỉ 4 năm sau ngày đất nước thống nhất, tháng 9/1979, Nhà máy bán dẫn Z181 được thành lập, bắt đầu thực hiện các hợp đồng sản xuất, xuất khẩu diode, transistor. Giáo sư – Tiến sĩ Trần Xuân Hoài, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam
Năm 1962, Giáo sư Đàm Trung Đồn (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) đã nghiên cứu, giảng dạy về bán dẫn, và chế tạo ra transistor. Năm 1974, Viện Vật lý xây dựng được một phòng thí nghiệm về bán dẫn, năm 1975 – 1976 chế tạo ra hàng loạt transistor silicon (bóng bán dẫn silicon) bằng công nghệ Planar-Epitaxi. Những năm 1976 – 1977, quân đội cũng đầu tư thiết bị của Tây Âu và chế tạo ra bóng bán dẫn silicon.
Chỉ 4 năm sau ngày đất nước thống nhất, tháng 9/1979, nhà máy bán dẫn Z181 được thành lập, bắt đầu thực hiện các hợp đồng sản xuất, xuất khẩu diode, transistor (bóng bán dẫn).
Tới cuối những năm 80 đầu những năm 90 thế kỷ trước, do biến động chính trị thế giới, nhà máy không còn những đơn hàng sản xuất bán dẫn, và việc sản xuất, đóng gói chip vi mạch của nhà máy Z181 phải dừng lại.

Tháng 9/1979, nhà máy bán dẫn Z181 được thành lập, bắt đầu thực hiện các hợp đồng sản xuất, xuất khẩu diode, transistor (bóng bán dẫn). Ảnh: Báo QĐND
Nếu nhìn sang Hàn Quốc, năm 1974, Samsung mới chế tạo ra bóng bán dẫn silicon đầu tiên, và họ cũng chỉ lập nhà máy trước Z181 khoảng chừng 5 năm. Tuy nhiên, tới đầu những năm 1990, khi Hàn Quốc với Samsung làm “đầu tàu” đã trở thành cường quốc về công nghiệp bán dẫn, trong khi đó ngành bán dẫn Việt Nam quay trở về con số 0.
Giấc mơ sản xuất máy tính Việt Nam vụt tắt vì đám cháy
Chia sẻ với VietNamNet về lịch sử ngành công nghiệp điện tử Việt Nam, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC cho biết, có những lúc, Việt Nam đã có chiến lược đầu tư cho công nghệ rất đáng tự hào, nhưng cũng có những giai đoạn, vì thiếu chính sách tốt, thiếu sự bảo vệ thị trường nên chưa thể thành công.
Ông Chính kể rằng, từ năm 1986, Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia đã có đề án sản xuất, chế tạo máy tính tại Việt Nam. Đây được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Viện và giao trực tiếp cho phòng Tin học của Viện Vi điện tử.
“Năm 1987, tôi tốt nghiệp bằng giỏi Khoa Điện tử - Viễn thông của Đại học Bách Khoa Hà Nội nên được tham gia vào đề án luôn. Nhóm nghiên cứu của chúng tôi hồi đó có khá nhiều đặc quyền, như được báo cáo thẳng lên Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Chúng tôi được tiếp cận với nhiều tài liệu, gồm cả các tài liệu bí mật, các tài liệu “xách tay” từ nước ngoài về BIOS (Basic Input/Output System).
“Năm 1986, Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia đã có đề án sản xuất, chế tạo máy tính tại Việt Nam. Đây được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Viện và giao trực tiếp cho phòng Tin học của Viện Vi điện tử” Ông Nguyễn Trung Chính Chủ tịch CMC
Ngay cả việc nhập dây chuyền sản xuất máy tính từ nước ngoài, dù rất khó khăn, nhưng Viện cũng đã nhập được. Nhờ có dây chuyền này, sau khi hoàn thiện thiết kế, chúng tôi đã sản xuất được sản phẩm mẫu đầu tiên gọi là “prototype”, và được sản xuất ở mức thử nghiệm 100 chiếc. Những sản phầm này được gọi là “máy tính Bác Tô” (lấy theo tên của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng). “Máy tính Bác Tô” sử dụng CPU 12 bit của Hitachi, RAM Dynamic, có bảng mạch chính, ổ đĩa 1.44’’, bàn phím, hệ phát triển EPROM... Giai đoạn ấy, việc Việt Nam nghiên cứu sản xuất máy tính chip 12bit được đánh giá là khá mạnh dạn vì thế giới mới đang trong giai đoạn đầu chuyển đổi từ 8 bit lên 16 bit”, ông Nguyễn Trung Chính kể.

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC cho biết, có những lúc, Việt Nam đã có chiến lược đầu tư cho công nghệ rất đáng tự hào, nhưng cũng có những giai đoạn, vì thiếu chính sách tốt, thiếu sự bảo vệ thị trường nên chưa thể thành công.
Chưa thỏa mãn với “máy tính Bác Tô” bản thử nghiệm, ông Chính tiếp tục nghiên cứu và được phép thuê Đài Loan (Trung Quốc) sản xuất bo mạch chủ (mainboard). Thời đó, Viện Nghiên cứu nằm trong chế độ bảo mật của Nhà nước nên mọi tài sản trí tuệ đều đặt ở Viện, nhân viên tuyệt đối không được mang tài liệu về nhà.
“Tôi còn nhớ rõ hôm ấy là Chủ nhật, đó là ngày các kỹ sư đã hoàn thiện thiết kế bo mạch chủ, in ra bản film để hôm sau chuyển sang Đài Loan sản xuất hàng loạt. Đúng hôm ấy, Viện bị cháy. Tất cả tài liệu, thiết kế... đều bị thiêu rụi. Nếu không có vụ cháy đó thì năm 1989, Việt Nam đã có máy tính Made in Vietnam ngang ngửa với thế giới do Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia nghiên cứu và sản xuất.
Viện cháy có nghĩa là những hệ thống quan trọng như hệ thống thiết kế mạch chuyên dụng colorcam của Tây đức, toàn bộ thiết kế được tự động hóa phần lớn… đều bị cháy hết. Trị giá cả máy và phần mềm vào khoảng 100 nghìn USD. Có thể con số vài trăm nghìn bây giờ không ý nghĩa lắm nhưng vào thập niên 80, khi chúng ta ăn ko đủ no và còn phải độn bo bo thì mới hiểu được, mất mát đó lớn thế nào.
Từ những nhà nghiên cứu đầy hào hứng, chúng tôi trở thành những người gần như thất nghiệp trong gần 2 năm. Sau này nghĩ lại, điều chúng tôi cảm thấy tự hào nhất là khi khi đất nước còn thiếu ăn, nhưng với chiến lược đúng và lòng quyết tâm cháy bỏng, với 10 thành viên còn rất trẻ, chúng ta đã có thể đi thẳng đến ứng dụng công nghệ cao của thế giới”, ông Chính chia sẻ.
Đến năm 1991, Giáo sư Chu Hảo quyết định cho chúng tôi thành lập Trung tâm ADCOM là Trung tâm nghiên cứu phát triển máy tính. Trung tâm phải tự hạch toán, tự lo trang trải chi phí nghiên cứu (trong khi Viện là mô hình bao cấp 100% bằng ngân sách nhà nước).
Việc đầu tiên của ông Chính và các cộng sự là đi buôn máy tính, sau đó là sửa chữa máy tính. Hồi đó, máy tính hay bị hỏng hóc, người dùng cũng thiếu kỹ năng, rất cần tư vấn sử dụng. Từ năm 1993, máy tính bắt đầu có nhiều hơn ở Việt Nam.
Từ sự cố cháy Viện nghiên cứu, đến việc lắp ráp sản xuất máy tính không được hỗ trợ và việc quản lý thị trường không nghiêm, tôi nghĩ, tất cả đã làm mất đi cơ hội có thể sản xuất máy tính Made in Việt Nam Ông Nguyễn Trung Chính Chủ tịch CMC
Khi có tiền ông Chính quay về với ước mơ sản xuất máy tính còn dang dở, bắt đầu bằng việc lắp ráp. Và CMS là thương hiệu máy tính đầu tiên được sản xuất bởi Việt Nam. Thế nhưng chính sách hỗ trợ sản xuất công nghiệp của Việt Nam không tốt, đã không có bất kỳ ưu đãi nào mà lại còn “ưu đãi ngược”. Chính sách thuế áp nhập khẩu linh kiện còn cao hơn cả nhập khẩu nguyên chiếc.

CMS là thương hiệu máy tính đầu tiên do Việt Nam sản xuất. Ảnh: TL
“Từ sự cố cháy Viện nghiên cứu, đến việc lắp ráp sản xuất máy tính không được hỗ trợ và việc quản lý thị trường không nghiêm, tôi nghĩ, tất cả đã làm mất đi cơ hội có thể sản xuất máy tính Made in Việt Nam. Khả năng để có ngành sản xuất như vậy bây giờ là không thể vì chúng ta đã đánh mất yếu tố thiên thời. Việt Nam là thị trường hơn 100 triệu dân không phải là nhỏ. Nếu chúng ta không có chính sách tốt, không biết cách bảo vệ cho thị trường thì rõ ràng không thể có chỗ cho nhà sản xuất”, ông Nguyễn Trung Chính nói.