Giấc mơ tỷ phú dưới tán rừng Tênh Phông
ĐBP - Chẳng phải đến tận các tỉnh Tây Nguyên để mục sở thị sâm Ngọc Linh, chỉ cần ngược ngàn đến xã Tênh Phông (huyện Tuần Giáo), chúng tôi đã 'nhìn tận mắt bắt tận tay' loại dược liệu được ví như 'quốc bảo' này. Khoảng 2.000 cây sâm Ngọc Linh trồng thử nghiệm nơi đây đang sinh trưởng và phát triển tốt.
Người dân bản Ten Hon cắt cành cho sâm ngọc linh ngủ đông.
Đi theo lối mòn vào sâu rừng già, chúng tôi đến vườn ươm cây sâm Ngọc Linh tại bản Ten Hon, xã Tênh Phông. Càng vào sâu, tán rừng càng dày, rậm rạp, nhiệt độ thấp dần, sương mù bao phủ ngọn cây. Vài tia nắng xuyên qua kẽ lá, soi chéo xuống vườn sâm đang thời kỳ “ngủ đông”.
Thời gian từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau, cây sâm rũ lá song vẫn sinh trưởng âm thầm trong lòng đất. Anh Vừ A Dơ, nhân viên gắn bó với vườn sâm đã nhiều năm cẩn thận kiểm tra từng bầu cây. Trước khi cây bước vào thời kỳ “ngủ đông”, anh Dơ đã chủ động thu hoạch hạt sâm để gieo cây giống mới, cắt lá nhằm “dưỡng sâm”, bởi nếu cứ để cây sâm nuôi lá trong quá trình héo rũ, củ sâm sẽ bị suy kiệt trong mùa “ngủ đông”. Sau khi cắt hết lá sâm, anh lấy lá cây mục khác phủ một lớp dày nhằm giữ ẩm cho củ sâm và chống xói mòn nếu có mưa to. Để nhận biết gốc sâm dưới lòng đất, mỗi hốc được đánh dấu bằng que tre. Hàng ngày anh Dơ cặm cụi với công việc của mình như một lập trình sẵn có.
Anh Dơ kể: Lúc mới nhận công việc, điều kiện sinh hoạt khó khăn lắm, chỉ có một căn lều nhỏ giữa rừng già, không điện, không nước, đêm xuống anh em phải chống chọi với cái lạnh thấu xương. Suốt ngày ở vườn sâm mãi rồi cũng quen, ăn núi ngủ rừng không còn là vấn đề. Giờ thì cuộc sống đã đủ đầy hơn, có điện, nước sinh hoạt dùng thoải mái, còn có cả wifi, internet. Thời tiết vùng trồng sâm Ngọc Linh mùa này rất khắc nghiệt, ban đêm nhiệt độ xuống thấp và sương giăng mịt mù nên việc bảo vệ sâm càng thêm vất vả.
Ngoài chăm sóc cây sâm, anh Dơ và những nhân viên ở vườn sâm Ngọc Linh còn có những “cuộc chiến” khác với những kẻ trộm sâm, với mưa rừng, với chim, chuột… Bao nhiêu cây sâm là bấy nhiêu kho báu, vậy nên vào mùa sâm “ngủ đông”, anh em phải canh gác vườn 24/24 giờ. Ban ngày, người trong ca trực sẽ kiểm tra để kịp thời xử lý nước mưa xói lở, cây cối ngã đè lên luống sâm; còn ban đêm tuần tra liên tục quanh vườn sâm để đuổi chuột chuyên ăn sâm hoặc kẻ trộm lén đột nhập vào nhổ sâm.
Nằm trên độ cao từ 1.200m - 1.800m so với mực nước biển, Tênh Phông là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Tuần Giáo. Với diện tích đất có rừng 2.186ha, trong đó rừng tự nhiên trên 2.100ha, tỷ lệ che phủ trên 38%, đất đai giàu mùn, tầng canh tác khá dày. Có được những ưu thế đó nên Tênh Phông rất thuận lợi phát triển các loại cây dược liệu dưới tán rừng. Nhận thấy tiềm năng đó, anh Hà Văn Quyết ở thị trấn Tuần Giáo đã quyết định đầu tư ươm, trồng thử nghiệm 2.000 cây sâm Ngọc Linh.
Trời về tối, núi rừng dần chìm trong màn đêm lạnh, sương nặng hạt rơi lộp độp trên mái tôn. Có mưa rét đến mấy thì trong những ngày cuối năm này người chăm sâm càng chú trọng hơn việc bảo vệ vườn sâm. Nhận thấy tiềm năng phát triển cây dược liệu dưới tán rừng Tênh Phông, huyện Tuần Giáo đã khảo sát điều kiện tự nhiên và nguyện vọng của người dân. Kết quả cho thấy tại các bản Ten Hon, Thẩm Nặm, Háng Rùa có điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp phát triển một số cây dược liệu. Dự kiến đến năm 2025, Tênh Phông sẽ phát triển khoảng 200ha các chủng loại dược liệu (bao gồm: 20ha sâm Lai Châu, 20ha sâm Ngọc Linh, 20ha lan kim tuyến, 20ha bảy lá một hoa, 70ha tam thất Bắc, 50ha sa nhân tím).