Giải bài toán 10 tỷ USD thức ăn chăn nuôi
Trong 10 tỷ USD nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi năm 2021, có 10 triệu tấn ngô, 5 triệu tấn khô dầu đậu tương
Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu hàng chục tỷ USD nguyên liệu thức ăn chăn nuôi
Năm 2021, Việt Nam phải nhập 22,3 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trị giá 10 tỷ USD, chủ yếu là ngô, khô dầu đậu tương. Trong 10 tỷ USD nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi năm 2021, có 10 triệu tấn ngô, 5 triệu tấn khô dầu đậu tương. Thống kê cho thấy, Việt Nam phải nhập đến 60% nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi
Tại sao một nước sản xuất nông nghiệp, đứng top đầu thế giới về xuất khẩu gạo (năm 2021 đạt 6,2 triệu tấn, giá trị 2,88 tỷ USD, chiếm bình quân hơn 12% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của thế giới.) lại phải nhập khẩu ngô, đậu tương? Làm thế nào để có thể giữ lại 10 tỷ USD ấy?
Phát triển cây trồng biến đổi gene một cách an toàn là giải pháp cho nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi
Theo các chuyên gia, số nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi mà ta nhập về phần lớn là sản phẩm từ cây trồng biến đổi gene. Phát triển cây trồng biến đổi gene đang là xu hướng không thể cưỡng lại trên quy mô toàn cầu mặc dù đây còn là vấn đề nhạy cảm do nỗi lo về tính an toàn sinh học và khả năng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.
Nhiều nước lớn như Mỹ, Canada, Trung Quốc đã có chính sách phát triển loại sản phẩm này. Đến năm 2017, thế giới đã có 189,8 triệu héc ta trồng cây biến đổi gene, tăng gấp hơn 110 lần so với năm 1996 (1,7 triệu héc ta). Trong số 27 quốc gia có chính sách phát triển cây biến đổi gene thì có 52% diện tích là ở các nước đang phát triển với tốc độ tăng trưởng 11%/năm.
Chỉ trong 10 năm, nhờ ứng dụng cây trồng biến đổi gene, Philippines đã tăng sản lượng ngô gấp hai lần, từ 2,5 triệu lên 5 triệu tấn/năm. Hiện nay, các nhà khoa học đang tạo ra những cây trồng chuyển gene thế hệ thứ hai có đặc điểm tăng giá trị dinh dưỡng hoặc có những tính trạng thích hợp cho công nghiệp chế biến.
Mỹ đã sử dụng 80% ngô và 70% đậu tương chuyển gene để chế biến thức ăn chăn nuôi... Nhờ ưu thế năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt…, cây trồng biến đổi gene đã góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng sản lượng, lợi nhuận cũng như cải thiện môi trường. Giá ngô biến đổi gene dù đi nửa vòng trái đất về Việt Nam vẫn rẻ hơn giá thành hạt ngô bản địa.
Hiện nay, Nhà nước ta vẫn chưa có chính sách cụ thể về phát triển loại cây trồng này. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ chỉ mới cho phép khảo nghiệm 3 loại cây trồng biến đổi gene là ngô, đậu tương và bông vải (ba loại cây mà thế giới đang trồng nhiều nhất).
Hạn chế phát triển cây trồng biến đổi gene nhưng lại không cấm nhập khẩu sản phẩm loại này là nghịch lý của nền sản xuất nông nghiệp ở nước ta.
Trong khi đó, các nhà khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã tìm ra phương pháp gây đột biến trên cây lúa, tạo ra được giống lúa cho năng suất 12 tần/héc ta/vụ, nhưng phương pháp và giống lúa năng suất siêu cao này vẫn chưa được phát triển đại trà, một phần vì là giống biến đổi gene.
Tại hội thảo khoa học "Công nghệ sinh học Việt Nam: Hướng phát triển cho tương lai" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức vào cuối năm 2013 tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, áp lực của sự gia tăng dân số; tác động của biến đổi khí hậu; nguồn tài nguyên như đất, nước... ngày càng khan hiếm, trong khi nhu cầu về lương thực ngày càng tăng đòi hỏi các quốc gia phải tìm kiếm các giải pháp về công nghệ sinh học, trong đó có giải pháp nghiên cứu cây trồng biến đổi gene.
Nhiều nhà quản lý, nhà khoa học cho rằng: Bài toán làm thế nào để giữ lại 10 tỷ USD sẽ không thể giải được nếu không cho trồng cây lương thực biến đổi gene. Theo Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Lân Dũng, nếu phải đi nhập ngô, đậu tương sinh học về sử dụng thì tại sao chúng ta không tự trồng ngay trong nước. Ông nói: "Chúng ta còn chậm trễ bao nhiêu thì nông dân Việt Nam sẽ chịu thiệt thòi bấy nhiêu".
Kết quả của nhiều nhóm nghiên cứu độc lập về độ an toàn của thực phẩm biến đổi gen trên thế giới và được công bố ở một số tạp chí khoa học có giá trị như: Critical Reviews in Biotechnology, Environment International, Genetics, Nature Biotechnology cũng như các tổ chức quốc tế như WHO và FAO cũng cho biết, lịch sử dùng thực phẩm biến đổi gen của toàn thế giới cho đến nay khoảng 20 năm, chưa thấy có báo cáo nào nói đến hiện tượng ngộ độc, gây quái thai, dị tật, gây ung thư hay bất kỳ tác dụng có hại nào trên người sử dụng.
Để phát triển cây lương thực biến đổi gene, trước mắt nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi cho thị trường trong nước, tiến tới xuất khẩu như nhiều nước đã làm, Nhà nước cần quan tâm đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực công nghệ sinh học, cải tiến thủ tục hành chính trong việc cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học, Giấy xác nhận đủ tiêu chuẩn làm thức ăn chăn nuôi cho loại sản phẩm này (hiện nay, thời gian để cấp một Giấy chứng nhận an toàn sinh học cho sản phẩm biến đổi gene là 210 ngày…).
Việc xem xét, thẩm định phải làm thật chặt chẽ, theo đúng tiêu chuẩn quốc tế để bảo đảm sản phẩm thật sự an toàn, không gây hại. Đồng thời, phải chứng minh cho nông dân thấy được tính lợi ích, hiệu quả kinh tế của việc ứng dụng cây trồng biến đổi gene.
Đừng quá lo lắng về cây trồng biến đổi gene mà hãy tiếp cận vấn đề ở khía cạnh nông dân có thêm một lựa chọn và hãy để họ có quyền lựa chọn cây trồng nào sẽ mang lại giá trị kinh tế cao nhất. Các cơ quan báo chí cần tìm hiểu kỹ, có thông tin đa chiều để dư luận hiểu rõ vấn đề, mạnh dạn ứng dụng loại sản phẩm này vào sản xuất.
Hy vọng một khi đã có thể tự bảo đảm nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi cho nhu cầu trong nước, đất nước sẽ chấm dứt được tình trạng "chảy máu" hàng chục tỷ USD ngoại tệ ra ngoài biên giới mỗi năm.
Nguồn: Tổng hợp