Giải bài toán cấp nước sản xuất nông nghiệp cho nông dân và HTX

Một trong những yếu tố quan trọng để người dân, HTX sản xuất nông nghiệp thuận lợi là nguồn nước tưới. Tuy nhiên, hệ thống thủy lợi ở hiện nay chưa phát triển, các chính sách về khai thác nguồn nước, đặc biệt là nguồn nước ngầm lại quá chặt...

Người Việt từ xưa đã đúc kết “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Và, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng đã từng khẳng định: “Bản thân hệ thống thủy lợi là một công cụ, phương tiện để tạo giá trị sản xuất nông nghiệp cao hơn và giúp đời sống người nông dân tốt hơn”.

Thiếu nước, tăng chi phí

Có thể thấy, nước hay nói rộng hơn là hệ thống thủy lợi có vai trò không nhỏ khi đóng góp vào thành công của ngành nông nghiệp, từ đó giúp người dân, HTX nâng cao hiệu quả sản xuất. Ngành nông nghiệp có phát triển được bền vững hay không một phần cũng nhờ vào hệ thống thủy lợi có tốt hay không.

Tuy nhiên, theo một thành viên HTX Tây Tựu (Hà Nội), dù gắn bó với nghề trồng hoa nhiều năm nhưng ông thấy hệ thống thủy lợi tại địa phương với các lịch bơm, xả nước dường như chỉ tập trung phục vụ cho cây lúa theo hình thức 2 vụ mà chưa đảm bảo phục vụ theo hoạt động gieo trồng của cây hoa. Chính vì vậy, nông dân, thành viên HTX muốn phát triển cây hoa đều phải chủ động tìm nguồn nước, thậm chí phải tự đầu tư xây dựng hệ thống dẫn nước cho phù hợp với mô hình sản xuất của mình.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Tổ trưởng Tổ hợp tác rau an toàn Láng Cát (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, do kênh mương dẫn nước từ hồ thủy lợi vào các cánh đồng chưa được đầu tư nên vào mùa nắng nóng, lượng nước bơm tưới cho rau của người dân bị thiếu thiếu hụt khoảng 30-40%, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây rau. Dù người dân có đầu tư hệ thống tưới phun sương, tưới nhỏ giọt thì cũng phải có nước để bơm vào các hồ tích trữ. Việc phải đấu nối, bơm dẫn nước từ xa và gián đoán làm tăng chi phí đầu vào của người trồng rau.

Tuy ngành nông nghiệp Việt Nam đã phát triển và đạt được nhiều thành tựu nhưng không khó để thấy tình trạng thiếu nước, hay hoạt động cấp - tiêu nước ở nhiều địa phương hiện vẫn còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho người dân, HTX phát triển sản xuất.

Theo thống kê của Viện Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), hiệu quả sử dụng nước phục vụ ngành nông nghiệp ở Việt Nam chỉ đạt khoảng 0,37 USD/m3. Con số này chỉ bằng 1/4 so với Trung Quốc, 1/2 so với Nhật Bản.

Hệ thống thủy lợi ở các địa phương hiện đang tập trung phục vụ cho cây lúa, chưa đảm bảo cho đa dạng cây trồng.

Việc thủy lợi không đáp ứng được hoạt động phát triển sản xuất nông nghiệp được các chuyên gia lý giải là do hệ thống thủy lợi ở Việt Nam hiện vẫn chưa được đầu tư bài bản. Các kênh, mương hiện nay đảm nhiệm cả hai nhiệm vụ tưới và tiêu mà chưa có sự tách bạch rạch ròi gây ra quá tải, khó điều tiết nước, không đáp ứng được nhu cầu giữ và ngăn nước.

Trong khi đó, ở nhiều nơi, việc chuyển đổi cây trồng diễn ra mạnh mẽ, cây rau màu được đưa xuống ruộng lúa thay cây lúa rất nhiều. Tuy nhiên, hệ thống thủy lợi của Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu đa dạng hóa cây trồng, thâm canh tăng vụ mà chỉ tập trung vào phục vụ cho cây lúa.

Cụ thể là sau khi chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây trồng cạn, nuôi thủy sản, nhu cầu nước tưới sẽ tăng lên ít nhất 1-2 lần so với cây lúa. Trong khi hệ thống thủy lợi, lịch điều tiết nước vẫn giữ như cũ đi liền với biến đổi khí hậu, hạn hán khiến hệ thống thủy lợi, nguồn nước không đáp ứng được thực trạng tổ chức sản xuất của người dân, HTX.

Bất cập từ quy định pháp luật

Bên cạnh đó, các quy định pháp luật hiện nay còn chồng chéo chưa tạo hành lang pháp lý thuận lợi trong việc khai thác, sử dụng nguồn nước hiệu quả. Hiện, Bộ NN&PTNT muốn giải quyết bài toán thiếu nước tưới cho nông dân, HTX nên khuyến khích đầu tư, có chính sách hỗ trợ về cơ sở hạ tầng trong nông nghiệp, trong đó có phát triển hệ thống thủy lợi. Nhất là việc khoan giếng đang được cho là mang lại hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương.

Tuy nhiên, quy định của Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Tài nguyên nước và các văn bản pháp luật liên quan của Bộ TN&MT đều cho rằng nguồn nước ngầm đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt nên cần được khai thác hợp lý, cần cấp phép. Đi liền với đó là hoạt động đào ao hồ, kênh mương để dẫn và trữ nước mưa cũng bị hạn chế về chiều sâu và quy mô đào, thậm chí còn bị buộc vào tội phá hoại tài nguyên đất nông nghiệp.

Chính vì vậy, hoạt động đầu tư thủy lợi, kênh mương, ao hồ dẫn chứa nước của người dân, HTX không thuận lợi, việc giải bài toán nước tưới cho phát triển nông nghiệp vẫn còn nhiều trăn trở ở các địa phương.

Tại hầu hết các địa phương trên cả nước hiện nay, vấn đề nước tưới vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng nên sản xuất nông nghiệp bấp bênh, nông sản chưa thực sự đảm bảo chất lượng.

Theo các chuyên gia, nguồn nước phục vụ cho phát triển nông nghiệp cần được các ngành chức năng nhìn nhận một cách thấu đáo. Muốn nông nghiệp phát triển, đời sống người dân được nâng lên thì điều không kém phần quan trọng là phải đảm bảo nước tưới, tiêu.

Việc Bộ TN&MT cho rằng nguồn nước ngầm là quý hiếm cần được bảo vệ là đúng nhưng xét trên thực tế sản xuất, người dân, HTX muốn phát triển nông nghiệp thuận lợi thì cần phải đảm bảo được nguồn nước canh tác. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần xem xét giải quyết hài hòa vấn đề nguồn nước ngầm để vừa không làm cạn kiệt nguồn tài nguyên này nhưng vừa có thể giúp người dân, HTX đảm bảo đủ nước tưới, vừa có thể tiết kiệm được chi phí sản xuất.

Theo TS. Ninh Đức Hùng, chuyên gia tư vấn phát triển HTX và sản phẩm OCOP, trong sản xuất nông nghiệp, làm sao đủ nguồn nước, hạn chế phát sinh chi phí là điều nông dân, HTX nào cũng cần. Chính vì vậy, hệ thống thủy lợi cần được cấp để đảm bảo phát triển kinh tế nông nghiệp cho đa dạng cây trồng, giúp người dân chủ động sản xuất.

Nhìn rộng ra, tại Thái Lan, để đảm bảo nguồn nước cho sản xuất, nước này đang hướng đến năm 2025 sẽ đầu tư khoảng 440 hệ thống cung cấp nước ngầm cho nông nghiệp và tưới được cho khoảng 67.000ha đất nông nghiệp thường xuyên khô hạn, không có hệ thống công trình thủy lợi hoặc hệ thống công trình thủy lợi không đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu.

Theo đó, hệ thống nước ngầm sử dụng năng lượng mặt trời và có thể đảm bảo cho người dân sản xuất đa dạng các cây con. Đi liền với đó, Thái Lan còn có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân canh tác tiết kiệm nước như tưới nhỏ giọt, phun sương, canh tác canh tác hữu cơ, trồng thêm cỏ thể chống bay hơi nước, đào ao, đào kênh để điều tiết nước mưa, bổ sung nước ngầm trở lại cho các giếng khoan.

Vì vậy, một số chuyên gia cho rằng để nông nghiệp thực sự phát triển, Việt Nam có thể học hỏi Thái Lan về việc sử dụng hiệu quả nguồn nước, trong đó có nguồn nước ngầm thay vì đưa ra các quy định, chính sách cấm đoán quá mức.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/giai-bai-toan-cap-nuoc-san-xuat-nong-nghiep-cho-nong-dan-va-htx-1096610.html