Giải bài toán chất lượng rau quả xuất khẩu

Từ đầu năm đến nay, rau quả là mặt hàng xuất khẩu ghi nhận mức tăng trưởng trong tốp đầu của ngành Nông nghiệp cả nước.

Với 3,5 tỷ USD thu về trong nửa đầu năm 2024, ngành hàng này kỳ vọng xuất khẩu rau quả năm nay sẽ lập kỷ lục mới với trên 7 tỷ USD. Tuy nhiên, theo cơ quan quản lý cũng như các chuyên gia nông nghiệp, chất lượng rau quả xuất khẩu vẫn là bài toán khó, cần chú trọng giải quyết trong thời gian tới.

Kiểm tra chất lượng sầu riêng xuất khẩu tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu.

Kiểm tra chất lượng sầu riêng xuất khẩu tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu.

Tăng trưởng ở hầu hết các thị trường

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, 6 tháng năm 2024, xuất khẩu rau quả 3,5 tỷ USD, tăng hơn 28% so cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tăng trưởng ở hầu hết các thị trường.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Trung Quốc, Thái Lan và Hàn Quốc vẫn là những thị trường nhập khẩu rau quả lớn của Việt Nam, nửa đầu năm 2024 các thị trường này nhập khẩu tăng 30-60% so với cùng kỳ năm trước. Riêng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong 6 tháng qua đạt khoảng 2,2 tỷ USD (tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023), dẫn đầu trong các thị trường nhập khẩu của mặt hàng này. Điều đáng nói, thị trường này còn nhiều tiềm năng để ngành hàng rau quả có thể khai thác.

“Hiện nay, Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch hơn chục loại trái cây vào thị trường Trung Quốc, gồm: Dưa hấu, măng cụt, sầu riêng, chuối tươi, khoai lang, thanh long, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, mít. Đặc biệt, Việt Nam và Trung Quốc dự kiến sẽ ký Nghị định thư mới về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, chanh leo và ớt trong năm 2024. Hiện, hai nước đã thống nhất ký kết Nghị định thư dừa tươi, mở ra triển vọng xuất khẩu cho trái dừa của Việt Nam. Đây là những cơ hội để xuất khẩu rau quả tiếp tục bứt phá ở nửa cuối năm”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin.

Không riêng thị trường Trung Quốc, 6 tháng qua, xuất khẩu rau quả sang Hàn Quốc đạt trên 180 triệu USD, tăng 57,9% so cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng cũng ghi nhận tại thị trường Hoa Kỳ, từ đầu năm đến nay, trị giá xuất khẩu sang thị trường này đạt trên 150 triệu USD, tăng 32,4% so cùng kỳ năm trước.

Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vnfruit) Nguyễn Thanh Bình cho hay, điểm nổi bật của ngành hàng trái cây là xuất khẩu sản phẩm chế biến đã có chiều hướng tăng. Tính chung 6 tháng qua, các mặt hàng rau quả chế biến của Việt Nam tăng 10-15% so với năm trước. Đây là dấu hiệu tích cực để Việt Nam mở rộng hơn nữa thị trường nhập khẩu, đa dạng sản phẩm rau quả với giá trị cao.

Cần chú trọng nâng cao chất lượng

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vấn đề chất lượng vẫn đang là bài toán mà các doanh nghiệp cần chú trọng để duy trì tăng trưởng và tạo ra tăng trưởng lớn.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phân tích: Đơn cử như thị trường Trung Quốc, chiếm tới hơn 60% lượng rau quả xuất khẩu của Việt Nam nhưng mới đây, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết sẽ cấm nhập khẩu sầu riêng từ 18 vùng trồng và 15 cơ sở đóng gói của Việt Nam do phát hiện tồn dư kim loại nặng vượt mức cho phép.

“Trung Quốc đang là thị trường nhập khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới. Việt Nam cũng đang là quốc gia xuất khẩu sầu riêng lớn nhất sang thị trường này. Song, đây cũng có thể là nguyên nhân khiến nhiều nông dân, doanh nghiệp chạy theo số lượng, bỏ qua chất lượng”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ.

Ở góc độ doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu Ngô Tường Vy cho rằng, các doanh nghiệp cần tập trung vào chất lượng - đây là điểm mấu chốt để duy trì tăng trưởng, mở rộng thị trường. Không riêng thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ cũng là thị trường tiềm năng lớn của rau quả Việt Nam. Tuy nhiên, để đưa sản phẩm vào Hoa Kỳ thì cần nâng cao giá trị gia tăng của trái cây mùa vụ theo hướng bổ sung sản phẩm chế biến như trái cây khô, bột trái cây, sản phẩm đóng hộp để có thể tiêu thụ quanh năm; ứng dụng công nghệ mới giúp kéo dài thời gian bảo quản trái cây.

Ngành Nông nghiệp kỳ vọng, xuất khẩu rau quả năm 2024 đạt 7-7,5 tỷ USD, kỳ vọng này được đánh giá sẽ cán đích. Tuy nhiên, về cả trước mắt và lâu dài, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Huỳnh Tấn Đạt cho rằng, các địa phương có nhóm rau quả chủ lực xuất khẩu cần quy hoạch và duy trì vùng sản xuất, ứng dụng công nghệ cao trong các khâu từ gieo trồng đến sơ chế, chế biến, trong đó tập trung liên kết phát triển các chuỗi sản xuất. Chỉ khi nguồn cung ổn định, chất lượng bảo đảm thì bài toán xuất khẩu, thị trường mới được bảo đảm.

Về phía Bộ NN&PTNT, Bộ sẽ cùng các địa phương xây dựng chiến lược sản xuất, xuất khẩu đối với ngành hàng rau quả. Bộ cũng sẽ phối hợp Bộ Công Thương và các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên cập nhật quy định, tiêu chuẩn mới từ phía thị trường nhập khẩu.

“Hiện nay, sự nhạy bén, tuân thủ nghiêm quy định quốc tế là giải pháp căn cơ cho mọi ngành hàng phát triển bền vững, trong đó có rau quả. Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành liên quan sẽ siết chặt quản lý về chất lượng, vùng trồng. Nguồn cung lớn, ổn định thì bài toán chất lượng cần giải quyết hiệu quả để xuất khẩu rau quả tăng trưởng cao hơn”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Đỗ Minh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/giai-bai-toan-chat-luong-rau-qua-xuat-khau-672149.html