Giải bài toán chi phí xây dựng công trình xanh

Được đánh giá là thị trường có nhiều tiềm năng phát triển công trình xanh, thế nhưng nhiều DN Việt Nam không mấy mặn mà vì lo ngại chi phí tăng, khó cạnh tranh trên thị trường.

Lợi ích từ công trình xanh

Nhiều chuyên gia nhìn nhận, DN, chủ đầu tư còn è dè trong việc đầu tư phát triển các công trình xanh do lo ngại về chi phí tăng cao, việc tìm kiếm các vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng khó khăn và thiếu nguồn nhân lực. Vì vậy, để công trình xanh tại Việt Nam được đẩy mạnh về số lượng, cũng như bảo đảm về chất lượng, việc tìm ra các giải pháp khắc phục các lo ngại trên là rất quan trọng.

Dự án Green diamond (93 Láng Hạ) sử dụng loại vữa chuyên dụng gốc thạch cao thay thế cho xi măng cát truyền thống. Ảnh: Thanh Hải

Dự án Green diamond (93 Láng Hạ) sử dụng loại vữa chuyên dụng gốc thạch cao thay thế cho xi măng cát truyền thống. Ảnh: Thanh Hải

Về vấn đề này, Giám đốc kỹ thuật Saint Gobain Việt Nam Nguyễn Hải Anh chia sẻ, hiện DN đã sử dụng loại vữa chuyên dụng gốc thạch cao thay thế cho xi măng cát truyền thống và triển khai thử nghiệm vào các dự án như: Green diamond (93 Láng Hạ), Hiive Bình Dương, Dragon castle Hạ Long hay Công trình CP TOWER đạt chứng nhận LEED PLATINUM V4 tại khu sử dụng vật liệu xanh, đều đem đến kết quả tích cực. "Sản phẩm vữa thạch cao có ưu điểm năng suất cao hơn, tổng chi phí thi công thấp và hao hụt vật tư ít; ngoài ra không sử dụng cát làm tiết kiệm nguồn nước" - ông Nguyễn Hải Anh cho hay.

Thẳng thắn nhìn nhận, Giám đốc Vilandco & VGBA Nguyễn Trung Kiên cho rằng, chi phí vật liệu xanh thay đổi tùy theo mức độ chứng nhận nhưng mức cao nhất cũng chỉ chiếm đến 10% tổng thể công trình. DN làm công trình xanh mà chi phí tăng cao thì cần phải xem xét đến các vấn đề khác, các công đoạn khác chứ không phải ở vật liệu xanh.

Thực tế, các công trình xanh khi đi vào hoạt động sẽ giúp tiết kiệm từ 15 - 30% năng lượng sử dụng, giúp giảm 30 - 35% lượng khí thải carbon, tiết kiệm 30 - 50% lượng nước sử dụng và từ 50 - 70% chi phí xử lý chất thải. Không những thế, các công trình xanh sẽ góp phần bảo tồn các nguồn tài nguyên, thân thiện với môi trường, bảo đảm sức khỏe người sử dụng và đặc biệt là tăng tuổi thọ công trình.

Thúc đẩy các ngành liên quan cùng vào cuộc

Ông Nguyễn Hải Anh cho biết, trong thời gian tới, nhu cầu con người di chuyển ra các khu đô thị ngày càng tăng, với 70% dân số sẽ sống ở các TP vào năm 2050. Điều này sẽ phát sinh nhu cầu về chỗ ăn chỗ ở và kéo theo nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng, năng lượng tăng. Trong khi đó, thị trường vật liệu xây dựng truyền thống đang dần dịch chuyển sang các giải pháp tiên tiến và bền vững, giảm thiểu phác thải CO2.

Để hóa giải áp lực chi phí trong việc phát triển công trình xanh, Trưởng phòng xây dựng bền vững Công ty TNHH Siam City Cement (Việt Nam) Nguyễn Thanh Dũng cho rằng, chủ đầu tư nên lựa chọn phương án tài chính hợp lý, thay vì thiết kế theo quy trình cũ và cần chỉ bổ sung thêm các đầu mục xanh để lấy điểm cho Hệ thống Chứng nhận công trình xanh (như LOTUS, LEED, Green Mark...). Các yêu cầu LEED đối với vật liệu trong công trình xanh thường giải quyết các vấn đề về hiệu quả năng lượng, công bố và giảm tác động đến môi trường của vật liệu cũng như sức khỏe của người sử dụng công trình.

Tương tự như LEED, vật liệu trong LOTUS cũng phải đáp ứng một số yêu cầu về hiệu quả sử dụng năng lượng, sự tiện nghi và sức khỏe con người. Tuy nhiên, xét về tác động môi trường, LOTUS ưu tiên sử dụng các loại vật liệu bền vững, vật liệu không nung... Các quy định về xuất xứ hoặc công bố về tác động môi trường không khắt khe như LEED.

Nhiều chuyên gia cho rằng, công trình xanh là xu hướng tất yếu. Người mua nhà đang quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố xanh trong công trình. Cùng với đó, các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng và trách nhiệm xã hội của các chủ đầu tư cũng được người mua đưa vào tiêu chí lựa chọn. Chính vì vậy, đây được coi là giai đoạn vàng để thúc đẩy ngành bất động sản phát triển các công trình xanh và bền vững, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng.

Còn PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn - Trường Đại học Xây dựng Hà Nội chia sẻ, để phát triển công trình xanh, điều quan trọng nhất là Chính phủ cần có các giải pháp thúc đẩy các ngành liên quan cùng vào cuộc để mang lại hiệu quả đồng bộ. Bởi ngành xây dựng hiện chậm đổi mới trong sử dụng vật liệu xanh vì suy nghĩ liên quan đến phát sinh chi phí vẫn còn hằn sâu.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến 30/9, Việt Nam mới có 305 dự án đạt các chứng nhận công trình xanh với tổng diện tích khoảng 7,5 triệu mét vuông sàn xây dựng. Con số này được đánh giá là khá khiêm tốn.

Thành Luân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giai-bai-toan-chi-phi-xay-dung-cong-trinh-xanh.html