Giải bài toán chống ngập úng cho Hà Nội

Mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của cơn bão số 2 thời gian vừa qua khiến một số khu vực của Hà Nội ngập lụt kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của nhân dân.

Hàng chục tuyến đường ngập sâu trong nước, các khu đô thị như An Khánh, Geleximco, Thiên đường Bảo Sơn, Văn Quán… cũng chìm trong “mênh mông bể Sở”. Ngoài vùng “rốn lũ” Chương Mỹ tiếp tục bị ảnh hưởng, huyện Quốc Oai cũng bị ngập úng dài ngày, ảnh hưởng tới hàng nghìn hộ dân.

Ngập lụt những ngày qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống nhiều người dân Hà Nội

Ngập lụt những ngày qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống nhiều người dân Hà Nội

Khó tránh khỏi ngập úng

Các chuyên gia cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ngập úng ở Hà Nội, trong đó nguyên nhân khách quan là biến đổi khí hậu khiến thời tiết cực đoan. Mưa lớn đột ngột, kéo dài ngày càng nhiều, lượng mưa vượt quá tần suất thiết kế hệ thống thoát nước đô thị, trong khi hệ thống thoát nước chung của thành phố còn nhiều tồn tại chưa thể khắc phục.

Theo kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, hệ thống hồ, sông, mương ở Hà Nội không được nạo vét, cải tạo thường xuyên, không đảm bảo việc chứa và lưu thông nước. Các mương, cống ngầm thoát nước lẫn trong các khu dân cư, vừa thực hiện thoát nước mưa, vừa thực hiện cả thoát nước sinh hoạt nên không đảm bảo thoát nước khi mưa lớn. Chưa kể, nhiều ao, hồ tại Hà Nội đã bị san lấp, cải tạo khiến cho thành phố bị thiếu diện tích điều hòa mặt nước. “Theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, lượng mưa tính toán là 310mm/2 ngày. Nhưng trên thực tế, các trận mưa vừa qua đã lên tới hơn 400mm/2 ngày, vượt qua tính toán của hệ thống thoát nước” - kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết.

Đồng quan điểm trên, GS.TS Nguyễn Việt Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cấp thoát nước Việt Nam cũng cho rằng, ao, hồ tại Hà Nội bị san lấp rất nhiều. Trong 50 năm vừa qua, Hà Nội mất 80% diện tích mặt nước. Hiện nay, diện tích mặt nước Hà Nội chỉ đáp ứng 2% tổng diện tích thành phố. Nếu đáp ứng được từ 3% - 5% thì việc úng ngập giảm đi rất nhiều. Hệ thống thoát nước nếu không theo kịp được sự phát triển của đô thị thì việc úng ngập xảy ra là dễ hiểu, nhất là khi có cơn mưa lớn bất thường. Thực tế, việc ngập úng vừa rồi chủ yếu diễn ra ở các khu vực đô thị mở rộng của Hà Nội. Các khu đô thị mở rộng rất nhanh, nhưng hạ tầng không theo kịp, không có sự kết nối, nên nước không thoát đi được. Các vùng ngoại thành liên quan đến hệ thống thủy lợi, hệ thống đê ngăn lũ, nếu không đảm bảo tiêu nước sẽ gây ngập úng, ảnh hưởng đến người dân. Ngoài ra còn phải nói đến vấn đề ngập úng cục bộ tại các vùng trũng. “Vấn đề ở đây là Hà Nội đang rất thiếu các công trình đầu mối có đủ công suất, đồng bộ. Trạm bơm Yên Nghĩa xây xong nhưng hệ thống dẫn chưa sẵn sàng, hồ điều hòa chưa có, nước không về được nên vẫn bị ngập trên vùng thượng lưu” - GS.TS Nguyễn Việt Anh chia sẻ.

Hàng chục tuyến đường ngập sâu trong nước ảnh hưởng đến giao thông đi lại

Hàng chục tuyến đường ngập sâu trong nước ảnh hưởng đến giao thông đi lại

Thêm nữa, quá trình đô thị hóa không kiểm soát được cốt san nền. Những khu đô thị và nhà dân xây dựng không đồng bộ, người xây sau luôn muốn cao hơn người xây trước, dẫn tới sinh ra những vùng trũng, gây úng ngập cục bộ. “Bản thân chủ đầu tư các khu đô thị cũng có trách nhiệm. Các khu đô thị được xây dựng đã biến đất ruộng, mặt cỏ thành bề mặt bê tông, sau đó đấu nối khu đô thị vào hệ thống thoát nước chung của thành phố vô hình trung tăng tải cho hạ tầng thoát nước. Trong bối cảnh giải phóng mặt bằng còn nhiều dang dở, các đầu mối đấu nối thoát nước chưa đáp ứng, thì tình trạng ngập lụt ở Hà Nội sẽ còn tiếp diễn” - GS.TS Nguyễn Việt Anh nhận định.

Chống ngập như thế nào?

Về giải pháp chống ngập úng và tiêu thoát nước cho thành phố, theo kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Hà Nội chia ra 3 vùng để thoát nước, gồm: Bắc Hà Nội, tả sông Đáy, hữu sông Đáy. Tuy nhiên, hiện các trạm bơm để hút nước cục bộ, trạm trung gian chuyển nước ra trạm cuối nguồn còn chưa hoàn thiện. Các trạm cuối nguồn cũng chưa bảo đảm có đủ công suất, đủ mạnh để hút hết nước. Đặc biệt, còn nhiều trạm bơm chưa được xây dựng.

Ngoài giải pháp bổ sung các trạm bơm, kết nối hệ thống thoát nước khu vực với hệ thống chung của thành phố thì trong bối cảnh hiện nay cần phải tăng cường các ao, hồ để điều tiết hệ thống thoát nước mặt cho khu vực cũng như trên địa bàn toàn thành phố. Nhiều khu đô thị, trong đó có các đô thị ở khu vực phía Tây của Hà Nội, không bố trí quỹ đất làm hồ nhân tạo điều tiết thoát nước mưa trước khi đi ra các nguồn xả, dẫn đến úng ngập; không có hệ thống trạm bơm cuối nguồn để bơm tiêu nước ra các sông chính. Do vậy cần phải thay đổi hạ tầng tại nhưng khu vực này. “Bên cạnh việc nạo vét, cải tạo, khơi thông cống rãnh, ao hồ thường xuyên, thì theo tính toán, với lượng mưa lớn như hiện nay, Hà Nội cần 5% - 7% diện tích đất tự nhiên (tương đương 7.000 - 8.000ha) để đào hồ điều tiết nước mặt” - kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm nhận định.

GS.TS Nguyễn Việt Anh cho rằng, việc phòng chống ngập lụt tại Hà Nội cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp. Cần phải ưu tiên đồng bộ các công trình đầu mối lớn để giải quyết căn bản thay đổi tình hình; tăng cường năng lực thêm cho các đơn vị trực tiếp thực hiện như đơn vị thoát nước. Hà Nội có thể áp dụng chuyển đổi số trong việc thoát nước để cho người dân có thêm thông tin nhằm có biện pháp thích ứng cho bản thân và gia đình. Cảnh báo, thông báo kịp thời theo thời gian thực về tình hình úng ngập, dự báo những khu vực nào nguy hiểm, có thể ngập sâu để người dân biết trước để tránh.

Ngập lụt trước cổng khu A, khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn - Hà Đông

Bên cạnh những việc liên quan đến công tác tiêu thoát nước chống ngập úng mà thành phố Hà Nội đang làm, thành phố có thể xem xét triển khai 2 vấn đề đơn giản nhưng rất hiệu quả. Thứ nhất, Quy hoạch thoát nước tại Hà Nội hiện đã lạc hậu so với bối cảnh đô thị phát triển mạnh như bây giờ. Đặc tính thời tiết, khí hậu cũng đã khác trước rất nhiều. Do đó cần phải rà soát lại quy hoạch và với công nghệ số như hiện nay hoàn toàn có thể lập ra được mô hình, mô phỏng thủy lực đối với hệ thống thoát nước Hà Nội để đưa ra quyết định đúng đắn, khoa học. Thứ hai, khi xây dựng các khu đô thị mới ở Hà Nội, phải chạy thử mô phỏng mô hình thủy lực để xem khu đô thị đó “đóng góp” thêm bao nhiêu nước vào hệ thống thoát nước chung của thành phố. “Chúng ta phải đánh giá tác động môi trường trước để đầu tư một cách có chất lượng hơn. Lúc đó sẽ chỉ ra được nhà đầu tư khu đô thị đó có trách nhiệm như thế nào và tình hình úng ngập chung cho khu vực” - GS.TS Nguyễn Việt Anh nói.

Được biết, đối với nội thành Hà Nội, khu vực lưu vực sông Tô Lịch đã được thành phố đầu tư đồng bộ. Trên địa bàn huyện Đông Anh có 2 dự án là Dự án Hệ thống thoát nước hồ điều hòa Vĩnh Thanh và Dự án Trạm bơm Phương Trạch đang trong quá trình hoàn thành, dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2024. Đối với khu vực phía Tây Nam, tại những địa bàn xảy ra úng ngập cục bộ như Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, hiện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp cũng đang được giao thực hiện Dự án Xây dựng hệ thống thoát nước mưa lưu vực Tả sông Nhuệ giai đoạn 1. Còn đối với khu vực Long Biên, các dự án đầu tư xây dựng công trình thoát nước cũng được thành phố giao cho UBND quận Long Biên thực hiện như: Dự án Xây dựng trạm bơm Cự Khối và tuyến mương xả ngoài đê sông Hồng, Hệ thống điều hòa Cự Khối… Khi các dự án này hoàn thành và đưa vào vận hành sẽ phản ánh rõ nét việc tiêu úng trên địa bàn.

Phương Hà

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/giai-bai-toan-chong-ngap-ung-cho-ha-noi-post585690.antd