Giải 'bài toán' doanh nghiệp 'không chịu lớn' - Cần nâng cao năng lực xây dựng, thực thi chính sách

Trong bối cảnh 'sức khỏe' của doanh nghiệp Việt Nam còn là điều đáng lo ngại, các chuyên gia cho rằng cần tiếp tục tập trung tháo gỡ các rào cản, 'nút thắt' từ thể chế, nâng cao năng lực thực thi chính sách đồng bộ, hiệu quả để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. (Nguồn ảnh: Quochoi.vn)

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. (Nguồn ảnh: Quochoi.vn)

“Vòng xoáy” ít có lối ra

Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức mới đây, PGS.TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nêu ra “nghịch lý” là doanh nghiệp (DN) Việt Nam giỏi chống chịu, sống dai nhưng “chậm lớn”, “khó trưởng thành”. “Lực lượng DN Việt, tuy gắn với quá trình chuyển đổi kinh tế chưa lâu, song có những đặc điểm phát triển khác thường. Một mặt, đó là những DN có năng lực chống chịu và sinh tồn phi thường. Nhưng thực tế lại cũng cho thấy một khía cạnh khác trong quá trình phát triển của DN Việt. Câu hỏi đặt ra là tại sao với năng lực “chống chịu” và “trụ hạng” hiếm có như vậy mà đa số DN Việt mãi cứ là những thực thể nhỏ bé và yếu kém, cứ “chậm lớn”, “khó lớn”, “ngại lớn”?”, PGS.TS. Trần Đình Thiên đặt vấn đề.

Theo ông Trần Đình Thiên, từ góc nhìn này, nếu đo sự phát triển DN theo logic “chạy tiếp sức” sẽ thấy vấn đề tuổi thọ của DN Việt là đáng lo ngại. Dẫn thống kê chính thức, ông cho biết, hàng năm, số DN “rút lui khỏi thị trường” tương đương 70 - 75% số DN “đăng ký thành lập”. Đây là một tỷ lệ không bình thường, hàm ý số DN Việt “sống thọ” không nhiều. Một bộ phận lớn trong đó “chưa kịp lớn” đã “ra đi”. Xu hướng này báo động chất lượng thấp, năng lực cạnh tranh yếu của DN Việt Nam trong nền kinh tế thế giới.

Cũng trăn trở về “sức khỏe” của các DN, tại Hội nghị đối thoại Nâng cao hiệu quả, chất lượng tuân thủ pháp luật của DN do Báo Pháp luật Việt Nam, Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý cùng Ban Quản lý Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho DN nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025 tổ chức mới đây, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh về vấn đề tuân thủ pháp luật của DN Việt Nam.

Khẳng định việc tuân thủ pháp luật có liên quan đến tính bền vững của DN, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, qua tiếp xúc cho thấy, việc tuân thủ pháp luật của DN Việt Nam đang thay đổi dần theo hướng tích cực, nhưng vẫn chưa phổ biến. Xuất phát từ nhiều lý do, DN Việt Nam vẫn còn tâm lý “lách được cái nào thì tốt cái đó”, mới chỉ là ứng biến trước mắt chứ chưa xây dựng nền tảng để tuân thủ pháp luật một cách triệt để, lâu dài.

Bên cạnh đó, việc quản lý tuân thủ pháp luật hiện còn tình trạng theo tâm lý “nắm người có tóc”, cơ quan quản lý chỉ “sờ” đến những DN có trụ sở, có đăng ký. Điều này tạo hiệu ứng nguy hiểm là DN càng lớn thì càng đón thanh tra, kiểm tra nhiều. “Việc này phản quy tắc kinh tế là DN càng lớn thì chi phí càng giảm, lý giải cho việc tại sao DN Việt Nam không chịu lớn, nhiều DN chỉ ở quy mô vừa phải, hộ kinh doanh. Tâm lý làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, kìm hãm sự phát triển của DN Việt Nam, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh vì DN càng minh bạch càng thiệt. Đây là vòng xoáy ít có lối ra”, ông Đậu Anh Tuấn nói.

Loại bỏ những quy định thiếu thực tế

Cần có hành lang pháp lý hợp lý, thông thoáng để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, đổi mới. (Ảnh minh họa - Nguồn internet).

Cần có hành lang pháp lý hợp lý, thông thoáng để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, đổi mới. (Ảnh minh họa - Nguồn internet).

Đại diện các DN phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội, bà Lê Hồng Thủy Tiên - Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương cho biết, không phải DN muốn “chậm lớn” mà hiện có rất nhiều DN chân chính chịu khó đầu tư, học hỏi, muốn lớn và trưởng thành một cách bài bản nhưng không thể phát triển được vì vướng cơ chế và thiếu các chính sách chiến lược mang tính bền vững.

Để giúp DN “vượt khó”, đại diện Tập đoàn Liên Thái Bình Dương bày tỏ mong muốn các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ cùng các chuyên gia, DN có sự hợp tác chặt chẽ để tạo hành lang pháp lý hợp lý, thông thoáng để thúc đẩy DN phát triển, đổi mới. Bà Lê Hồng Thủy Tiên nêu ra một số kiến nghị, trong đó có việc gỡ bỏ các rào cản về chính sách, loại bỏ những quy định thiếu thực tế với các tiêu chuẩn cao hơn khu vực, thế giới hoặc cao hơn mức cần thiết, làm lãng phí nguồn lực của DN.

Để tháo gỡ những nghịch lý, đưa nền kinh tế trở lại với quỹ đạo tăng trưởng cao, PGS.TS. Trần Đình Thiên cũng nhấn mạnh yêu cầu tập trung tháo gỡ các rào cản, “nút thắt” từ thể chế, chính sách đang cản trở sự phát triển. Ông Trần Đình Thiên nêu một số định hướng như hạn chế phân bổ nguồn lực theo cơ chế “xin - cho”, “hành chính”; ưu tiên thúc đẩy phát triển các thị trường, đặc biệt là các thị trường “đầu vào”, tạo cơ sở để việc phân phối các nguồn lực diễn ra theo đúng nguyên tắc thị trường…

Nhấn mạnh về yếu tố pháp luật, ông Đậu Anh Tuấn nêu quan điểm, đã đến lúc chuyển trọng tâm ưu tiên từ hoàn thiện xây dựng pháp luật sang thúc đẩy thực thi pháp luật, vì nếu xây dựng pháp luật mà không thực thi tốt thì việc xây dựng pháp luật không đạt hiệu quả. “Chất lượng thực thi là điều quan trọng nhất, như vấn đề bảo vệ môi trường, nếu chỉ xây dựng luật nhưng không thúc đẩy thực thi thì không đạt được hiệu quả mong muốn”, Phó Tổng Thư ký VCCI nói.

Tuệ Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/giai-bai-toan-doanh-nghiep-khong-chiu-lon-can-nang-cao-nang-luc-xay-dung-thuc-thi-chinh-sach-post490460.html