Giải bài toán lỗ của EVN: Làm gì để không còn mua cao, bán thấp?

Giá điện bán ra thấp hơn so với giá thành sản xuất đã làm cho EVN năm 2023 lỗ trên 34 nghìn tỷ đồng. Vậy giải bài toán lỗ của EVN như thế nào?

Vừa qua, Bộ Công Thương đã công bố nội dung về kết quả kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Theo đó, việc kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện các năm căn cứ trên các tài liệu do EVN và các đơn vị thành viên cung cấp, gồm: Báo cáo hoạt động sản xuất, kinh doanh điện đã được kiểm toán bởi Công ty TNHH Deloitte Việt Nam; báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán của EVN, báo cáo tài chính do đơn vị kiểm toán độc lập kiểm toán của Công ty mẹ EVN và các đơn vị thành viên; hợp đồng mua bán điện giữa EVN và các đơn vị phát điện; tách bạch chi phí các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, phụ trợ và quản lý ngành.

Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh điện năm 2023 của EVN lỗ 34.244,96 tỷ đồng. Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất, kinh doanh điện trong năm 2023 là 12.423,40 tỷ đồng. Tổng cộng hoạt động sản xuất, kinh doanh điện năm 2023 và các hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh doanh điện năm 2023 của EVN (thu nhập từ hoạt động tài chính và từ tiền bán công suất phản kháng) lỗ 21.821,56 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).

Để làm rõ vì sao EVN lỗ và giải quyết bài toán lỗ của EVN ra sao, chiều ngày 10/10/2024, Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm "Giá thành điện – Thực trạng và giải pháp”.

Các chuyên gia tham gia buổi Tọa đàm chiều ngày 10/10/2024 do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức (Ảnh:VGP)

Các chuyên gia tham gia buổi Tọa đàm chiều ngày 10/10/2024 do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức (Ảnh:VGP)

Giá bán điện bình quân thấp hơn giá mua điện

Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) Nguyễn Thế Hữu cho biết: Cơ cấu chi phí giá phát điện, bao gồm các chi phí như chi phí phát điện, chi phí truyền tải điện, chi phí phân phối bán lẻ điện và chi phí phụ trợ quản lý ngành. Các chi phí trên cùng với sản lượng điện thương phẩm và lợi nhuận định mức tạo nên giá điện bình quân, được quy định cụ thể tại Quyết định 05 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo báo cáo của EVN và trong quá trình kiểm tra của Đoàn kiểm tra, năm vừa qua, giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện gồm giá than, dầu, khí, tỷ giá ngoại tệ đều tăng cao do biến động của tình hình chính trị xã hội toàn thế giới cùng với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino khiến cơ cấu nguồn điện biến động theo hướng bất lợi. “Tức là nguồn cho điện giá rẻ như thủy điện giảm trong khi nguồn điện có giá đắt như điện than, điện dầu tăng cao”- ông Hữu nhấn mạnh và khẳng định, “Nhu cầu điện của Việt Nam tăng cao, xấp xỉ 10-11%, như vậy, ngoài các nguồn điện rẻ đã sử dụng hết, chúng ta tiếp tục sử dụng nguồn tăng thêm có giá cao hơn. Tất cả những yếu tố đó dẫn tới chi phí phát điện tăng cao”.

Nhìn vào báo cáo của Đoàn kiểm tra, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa cho hay: Qua số liệu kiểm tra liên ngành được công bố thì giá thành điện là 2.088 đồng/KWh và giá bán bình quân 1.953 đồng/KWh. Tức là giá thành điện đã cao hơn giá bán điện bình quân là 6,92%. Đây là tình trạng mua cao, bán thấp. Tức là đầu vào theo thị trường nhưng đầu ra thì chúng ta lại không quyết đủ theo các chi phí mà đã tính đúng, tính đủ, hợp lý, hợp lệ trong quá trình sản xuất kinh doanh điện.

Do đó, sinh ra nhiều bất cập và hệ lụy cho sản xuất, kinh doanh điện và cho các ngành sử dụng điện, cho cả nền kinh tế.

Giá điện phải đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất hợp lý

Giải quyết tình trạng mua cao bán thấp, ông Nguyễn Tiến Thỏa chia sẻ: Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị đã yêu cầu áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng, trong đó có giá điện. Vấn đề nữa là phải xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm cho giá điện minh bạch theo cơ chế thị trường. Chính phủ đã có quy định căn cứ đầu vào thay đổi bao nhiêu trong khoảng 3 tháng thì EVN được phép điều chỉnh giá điện bao nhiêu %.

Nguyên tắc tối thượng của điều hành giá điện là phải bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất hợp lý, hợp lệ đã được tính đúng, tính đủ. Nếu chúng ta làm được điều này thì không có hệ quả lỗ của ngành điện, không có việc lỗ để bao cấp cho nền kinh tế. Thu hút đầu tư để phát triển nguồn lưới điện cũng thuận lợi hơn. Theo tôi, việc tính đúng, tính đủ thì không phải EVN tính bao nhiêu cũng được mà có cơ chế, quy định của Nhà nước”- ông Thỏa cho hay.

Nhà nước điều tiết giá điện bằng các công cụ của thị trường. Đó là các loại thuế, các loại phí, các loại quỹ để điều tiết gián tiếp vào yếu tố hình thành giá điện để có một mức giá điện bảo đảm hài hòa được lợi ích của các bên tham gia thị trường điện, chứ Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào giá thành.

Nhiệt điện Mông Dương (Ảnh: Thu Hường)

Nhiệt điện Mông Dương (Ảnh: Thu Hường)

Ngoài việc bảo đảm tính đúng, tính đủ và Nhà nước điều tiết bằng các biện pháp gián tiếp, bằng công cụ thị trường thì giá điện cũng phải tách bạch phần chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ đối với người nghèo ra khỏi chính sách giá điện, và giải quyết bằng chính sách khác như hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo thì bảo đảm giá điện sẽ minh bạch hơn. Những người thuộc diện chính sách xã hội vẫn được nhà nước quan tâm và chúng ta không bỏ rơi những đối tượng đó.

Lỗ là điều nhìn thấy trước

Theo TS Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh: Trong cơ cấu chi phí giá điện vừa rồi mà Bộ Công Thương cùng Đoàn kiểm tra đã đánh giá thì cấu thành các nguồn điện khá rõ, với hơn một nửa là từ nhiệt điện như điện than và điện khí. Khoảng 1/3 cơ cấu là từ thủy điện và phần còn lại (hơn 20%) từ các nguồn tái tạo như điện gió và điện mặt trời.

Tuy nhiên, có một thách thức rất lớn là chi phí. Giá chi trả cho truyền tải điện quá thấp. Trừ cơ cấu sản xuất với thủy điện, còn lại các cơ cấu nguồn khác nhau thì chi phí đều phản ánh giá thành quốc tế. Ví dụ như điện than, phần nguyên liệu trong nước không nhiều, chủ yếu là nhà máy của TKV, còn lại các nhà máy khác dùng than nhập khẩu với chất lượng cao thì bán theo giá nhập khẩu, tức là giá thị trường quốc tế.

Theo quy hoạch điện lực, chúng ta đang hướng đến đầu tư cho các dự án khí. PVN và EPN là hai tập đoàn lớn của Nhà nước, trong việc đàm phán hợp đồng mua bán điện là cực kỳ khó khăn và khó khăn không liên quan đến thủ tục hay quy trình mà chủ yếu liên quan đến giá bao nhiêu, sản lượng mua cam kết là bao nhiêu, quy trình chuyển chi phí từ việc mua khí đưa vào cam kết sản xuất điện là gì? Đó là những điều khoản gây tắc nghẽn rất lớn. Đối với các nhà đầu tư nhân còn gặp nhiều khó khăn hơn và sẽ gặp vấn đề lớn nếu không giải quyết được bài toán là giá mà EVN có thể chấp nhận ký kết hợp đồng để mua điện.

TS Hà Đăng Sơn cũng đưa ra kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, đơn cử như đối với chi phí truyền tải, các quốc gia như Australia, Đức, Áo… họ tính chi phí liên quan đến điều hành hệ thống, truyền tải chiếm tỷ trọng rất lớn so với chi phí phát điện. Chi phí phát điện ở các quốc gia này chỉ chiếm khoảng từ 20 - 30%, còn lại là các chi phí khác liên quan đến truyền tải, điều độ, phụ trợ…

Đồng tình với TS Hà Đăng Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu nhấn mạnh: Nếu như giá bán điện thấp hơn giá mua vào và giá thành sản xuất, với tư cách là cơ quan phân phối điện thì EVN bị lỗ là điều nhìn thấy trước được. Chênh lệch càng lớn thì lỗ càng lớn và cho dù EVN có tiết giảm chi phí đến mức độ nào đi nữa nhưng vẫn chênh lệch lớn giữa giá mua vào và giá bán ra thì cũng không thể bù cho khoản lỗ đó. Chưa kể việc tiết kiệm chi phí này có thể ảnh hưởng đến hoạt động vận hành hệ thống điện.

Nếu EVN tìm cách giảm giá mua điện đầu vào, khiến cho các nhà sản xuất điện thiếu đi động lực sẽ tác động đến đầu tư cho ngành điện. Nếu giá bán điện không hợp lý thì không khuyến khích tiêu dùng tiết kiệm, chuyển đổi sang năng lượng tiết kiệm và năng lượng khác.

Nguyên nhân là giá bán điện có vấn đề và không hợp lý vì chúng ta dùng giá điện để hài hòa lợi ích tất cả các bên gồm người tiêu dùng, nhà phân phối, nhà sản xuất điện và đặt mục tiêu nhiều hơn cho người tiêu dùng.

Giải pháp đảm bảo an ninh điện

Ông Phan Đức Hiếu đưa ra kiến nghị: Giá điện phải tách bạch các nhóm chính sách. Theo đó, cần tính đến nhóm chính sách để thúc đẩy cạnh tranh trong phân phối điện như là thúc đẩy cắt giảm chi phí ở mức hợp lý, có giá bán điện phù hợp để đảm bảo cho các bên phân phối điện.

Đối với người tiêu dùng, theo nguyên tắc đặt bài toán giá bán điện trung bình ít nhất bằng hoặc lớn hơn giá mua vào thông qua người phân phối. Để hài hòa hóa lợi ích người tiêu dùng phải phối hợp chính sách.

Cần tính đến nhóm chính sách để thúc đẩy cạnh tranh trong phân phối điện (Ảnh minh họa)

Cần tính đến nhóm chính sách để thúc đẩy cạnh tranh trong phân phối điện (Ảnh minh họa)

Phân chia giá điện với những mức khác nhau giữa các nhóm người dùng khác nhau. Trong trường hợp những người nghèo hoặc người có thu nhập thấp, chúng ta phải phối hợp với chính sách an sinh xã hội và trợ cấp chứ không thể thực hiện cách hiện nay.

Để thúc đẩy sản xuất điện, tiêu dùng, sản xuất xanh buộc phải có nhóm chính sách thúc đẩy tiêu dùng tiết kiệm điện. Ví dụ thông qua các chính sách về thuế, về thúc đẩy khoa học và công nghệ, kinh tế tuần hoàn … Biểu thang giá điện cũng phải thiết kế hợp lý để thúc đẩy tiêu dùng điện tiết kiệm, hợp lý, có hiệu quả.

Nguyên nhân chính của thực trạng này là chúng ta đặt quá nhiều mục tiêu và đặt mục tiêu hài hòa các bên thông qua giá điện là không thể thực hiện được.

Còn theo TS Hà Đăng Sơn: Nếu chúng ta tiếp tục duy trì giá điện mức thấp, hậu quả là không thu hút đầu tư cho ngành điện, thứ hai là không có động lực nào cho doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm, thay đổi công nghệ.

Chúng ta đang đặt cho EVN nhiều gánh nặng, thay vì chỉ sản xuất và cung ứng điện thì EVN phải gánh 3,4 nhiệm vụ, trong đó hơn một nửa về an sinh xã hội. EVN chỉ nên tập trung vận hành hệ thống tốt nhất có thể với giá thành cung ứng điện hợp lý còn lại các yếu tố khác thì sử dụng nguồn lực khác, những chính sách hỗ trợ khác nhau.

Còn theo TS Nguyễn Tiến Thỏa, kim chỉ nam để thực hiện việc này phải tuân thủ quyết định của Bộ Chính trị và Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Về dài hạn, cần phải nhanh chóng sửa cơ chế chính sách giá điện trong Luật Điện lực. Chúng ta cần nhìn vào mặt dài hạn để có cách thức điều chỉnh giá điện bảo đảm tính ổn định nhưng vẫn phải tạo cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân có lợi nhuận và có động lực đầu tư.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/giai-bai-toan-lo-cua-evn-lam-gi-de-khong-con-mua-cao-ban-thap-351588.html