Giải bài toán lương hưu cho lao động tại các đơn vị không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội

Tại lần sửa đổi mới nhất, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội đã bỏ đề xuất lao động đóng bù khoản doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng hưu trí. Để đảm bảo tính khả thi, tránh gây tác dụng ngược tạo tiền lệ xấu cho doanh nghiệp cố tình trốn đóng bảo hiểm xã hội, Chính phủ đề nghị chỉ quy định nguyên tắc trong Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi và giao Chính phủ tự quyết định.

Người lao động đóng bù phần nợ của doanh nghiệp

Những năm qua, tình trạng doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội vẫn diễn biến phức tạp. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội việt Nam, đến hết năm 2022, các doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn... còn nợ bảo hiểm xã hội của hơn 213.000 người lao động với số tiền hơn 4.000 tỷ đồng. Cơ quan bảo hiểm xã hội đánh giá, đây là số tiền gần như không thể thu hồi. Đến giữa năm 2023, Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn Bảo hiểm xã hội các địa phương giải quyết chế độ hưu trí, bảo hiểm xã hội một lần, ốm đau thai sản, tử tuất cho lao động tại các doanh nghiệp này theo nguyên tắc đóng đến đâu hưởng đến đó, không cộng thời gian bị nợ. Nếu sau này khoản tiền nợ bảo hiểm xã hội được doanh nghiệp đóng bù hoặc có nguồn tài chính khác bổ sung thì được cộng thời gian này để tính lại mức hưởng và chi trả bổ sung chênh lệch. Đây là cách giải quyết được cho là tạm thời.

Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội luôn là vấn đề nhức nhối

Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội luôn là vấn đề nhức nhối

Mới đây, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sau nhiều lần chỉnh lý đã bổ sung cơ chế đặc thù bảo vệ lao động trong trường hợp chủ sử dụng không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội như phá sản, giải thể, bỏ trốn. Cụ thể, dự thảo Luật quy định, trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận tạm thời thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu của người lao động làm cơ sở thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội trong trường hợp người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng mà tạm ngừng kinh doanh; không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký; bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cưỡng chế về quản lý thuế; đang làm thủ tục giải thể, đã bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập; đang làm thủ tục phá sản; đã phá sản; không có người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật. Khi người sử dụng lao động nộp số tiền chậm đóng/trốn đóng thì cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận bổ sung thời gian đóng bảo hiểm xã hội làm cơ sở thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Đề xuất bổ sung cơ chế giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất đối với người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội

Đề xuất bổ sung cơ chế giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất đối với người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội

Đẩy khó khăn về phía lao động

Đề xuất trên dường như mở ra một hướng mới trong việc giải quyết bài toán nợ đọng bảo hiểm xã hội, tuy nhiên không nhận được sự ủng hộ từ phía các chuyên gia và người lao động. Các chuyên gia an sinh đánh giá đề xuất đẩy hết khó khăn về phía lao động, có thể ảnh hưởng tiêu cực tới lưới an sinh. Bởi yêu cầu lao động đóng bù cho khoản họ không có lỗi là rất vô lý, tính ra họ phải đóng 2 lần tiền lương và chỉ được hưởng chế độ 1 lần.

Không đồng tình với đề xuất này, độc giả Nguyễn Lan Hương (Hai Bà Trưng, Hà Nội) băn khoăn: “Để được hưởng chế độ, người lao động phải đóng bù vào phần của người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng và đóng cả phần của mình đã bị doanh nghiệp trừ lương của họ trước đó để đóng bảo hiểm xã hội nhưng không nộp vào quỹ. Như vậy, người lao động muốn được hưởng thì phải đóng hơn 40% tiền lương của mình vào. Nếu quy định như trên sẽ gây bức xúc lớn hơn cho người lao động và dư luận xã hội. Họ sẽ đặt câu hỏi tại sao doanh nghiệp nợ, cơ quan Nhà nước không có giải pháp xử lý lại để người lao động phải bỏ tiền đóng thay”.

Theo các chuyên gia, việc để xảy ra nợ đọng bảo hiểm xã hội là trách nhiệm của các cơ quan chức năng nên không thể đẩy hậu quả về phía người lao động. Hơn nữa, nếu để người lao động đóng bù thì đồng nghĩa với việc họ đã phải đóng bảo hiểm xã hội tới 2 lần (lần 1 bị doanh nghiệp chiếm dụng, lần 2 là trả nợ thay) chỉ để được hưởng quyền lợi lẽ ra đương nhiên thuộc về mình. Điều này tạo tiền lệ xấu, dẫn đến việc doanh nghiệp cố tình chây ì, trục lợi chính sách và khiến người lao động suy giảm niềm tin, ảnh hưởng tiêu cực tới mục tiêu mở rộng phạm vi bao phủ bảo hiểm xã hội.

Về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, mặc dù quy định trên cho phép người lao động quyền lựa chọn đóng hoặc không đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu. Tuy nhiên, việc người lao động đóng hết phần còn thiếu (của doanh nghiệp) là điều không thể, gây khó khăn cho người lao động. Phần lớn người lao động trong các doanh nghiệp bị nợ bảo hiểm xã hội đều có hoàn cảnh khó khăn. Cơ quan quản lý cần nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ họ hợp lý hơn.

Bổ sung cơ chế giải quyết hưu trí, tử tuất

Góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội về vấn đề này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, việc bổ sung quy định hỗ trợ cho người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội là hết sức cần thiết, thể hiện tính nhân văn của chính sách, góp phần củng cố niềm tin của người tham gia bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, đại diện người lao động cũng đề nghị cần nghiên cứu, xem xét thêm về đề xuất trong dự thảo. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay, việc người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội đã khiến người lao động bị treo quyền lợi. Nếu quy định như dự luật có thể gây bức xúc lớn hơn, phản ứng tiêu cực mạnh hơn từ phía người lao động và dư luận xã hội. Do đó, cơ quan quản lý cần dành một nguồn quỹ dự phòng để hỗ trợ người lao động trong trường hợp này. Nguồn quỹ có thể được trích từ lãi suất hoặc lợi nhuận từ đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội.

Còn theo Bộ LĐ-TB&XH, sở dĩ dự luật không đề xuất lấy ngân sách hoặc tiền lãi đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội để giải quyết quyền lợi cho người lao động là do tiền đóng vào quỹ là của hàng triệu người lao động và sử dụng vào mục đích tăng lương hưu, trợ cấp... Ban soạn thảo không đề xuất biện pháp này bởi nó có thể thành công cụ để chủ doanh nghiệp chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội với tâm lý đã có ngân sách hoặc tiền quỹ lo.

Tiếp thu những góp ý về nội dung này, cơ quan soạn thảo rút đề xuất lao động đóng bù khoản nợ bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu. Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội được chỉnh lý mới nhất, Chính phủ đề xuất được quyết định người thụ hưởng, điều kiện, mức hưởng hưu trí, tử tuất, thủ tục giải quyết cho lao động trong doanh nghiệp phá sản, chủ bỏ trốn, không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội trước ngày 1-7-2024. Giải trình đề xuất này, cơ quan soạn thảo cho rằng đây là vấn đề phức tạp, cơ chế xử lý cần được đánh giá tác động cũng như rà soát, cập nhật số liệu thời gian và số tiền lao động bị chậm, trốn đóng. Quy định mới nhằm giải quyết quyền lợi cho lao động trong doanh nghiệp bị phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn tồn tích từ trước cho đến ngày dự án Luật Bảo hiểm xã hội được thông qua.

Nhằm đảm bảo tính khả thi, tránh gây tác dụng ngược tạo tiền lệ xấu cho doanh nghiệp cố tình trốn đóng bảo hiểm xã hội, Chính phủ đề nghị chỉ quy định nguyên tắc trong luật sửa đổi và giao Chính phủ tự quyết định. Nguồn kinh phí chi trả từ tiền lãi mà người sử dụng lao động phải nộp khi vi phạm chậm, trốn đóng.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/giai-bai-toan-luong-huu-cho-lao-dong-tai-cac-don-vi-khong-con-kha-nang-dong-bao-hiem-xa-hoi-post579816.antd