Quản lý chặt tàu bay không người lái

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần có quy định cụ thể hơn về đơn vị quản lý, cấp phép sử dụng để quản lý chặt tàu bay không người lái nhằm ngăn chặn các nguy cơ về an ninh, quốc phòng

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - đã trình bày tờ trình về dự án Luật Phòng không nhân dân tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an ninh

Theo dự thảo, tàu bay không người lái là thiết bị bay không cần điều khiển trực tiếp của phi công, tổ lái. Phương tiện bay siêu nhẹ là các vật thể bay mà không phải là tàu bay không người lái, bao gồm các loại khí cầu, mô hình bay, dù bay, diều bay.

Bộ trưởng Phan Văn Giang cho biết Luật Quốc phòng và các văn bản pháp luật có liên quan đến nhiệm vụ phòng không nhân dân, quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ mới quy định khung, mang tính nguyên tắc nên đặt ra yêu cầu đòi hỏi phải tạo lập cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho hoạt động phòng không nhân dân để đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng, công tác quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000 m đang được nhiều quốc gia trên thế giới rất coi trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi tàu bay không người lái đang được nghiên cứu, chế tạo, khai thác, sử dụng cho mục đích quân sự như một lực lượng tác chiến mới mang lại hiệu quả chiến đấu cao.

Ở trong nước, tình trạng sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ vi phạm pháp luật diễn ra ngày càng tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến quốc phòng, an ninh và an toàn, an ninh hàng không. Do vậy, việc xây dựng, ban hành Luật Phòng không nhân dân là rất cần thiết, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng, có ý nghĩa thiết thực bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Trong dự thảo luật, bên cạnh quy định chung về việc xây dựng, huy động lực lượng phòng không nhân dân, dự thảo dành 9 điều (từ điều 27 đến điều 36) quy định về quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không. Theo đó, đề xuất tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng loại phương tiện này phải có giấy phép bay, phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước khi bay. Người trực tiếp điều khiển tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ phải đủ 18 tuổi, có đủ năng lực hành vi dân sự và có kiến thức về hàng không.

Cơ quan chức năng đình chỉ chuyến bay nếu phát hiện phương tiện bay không đúng thời gian, độ cao, cự ly, khu vực của giấy phép bay; không thông báo chuyến bay cho trung tâm quản lý điều hành bay; không hiệp đồng bay với cơ quan quân sự địa phương. Người điều khiển bay không có giấy chứng nhận, bay chưa đăng ký hoặc không đúng theo đăng ký cũng bị đình chỉ bay.

Bộ Công an có trách nhiệm đăng ký tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trừ tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ do Bộ Quốc phòng quản lý. Cơ quan công an cung cấp thông tin đăng ký tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ gắn với chủ sở hữu phương tiện bay cho Bộ Quốc phòng để phối hợp quản lý.

Đặc biệt, dự thảo quy định cơ quan quân đội, công an có quyền tạm giữ, áp chế tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ nếu cố tình bay vào khu vực hạn chế, khu vực cấm bay mà cơ quan có thẩm quyền đã cảnh báo; xâm phạm cảng hàng không, sân bay hoặc khu vực lân cận; bay mang theo chất cháy, nổ, vũ khí sinh học hoặc chất cấm; các hoạt động bay nhằm mục đích tuyên truyền, kích động, lôi kéo, xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Cần quản lý chặt các thiết bị bay không người lái để bảo đảm an ninh cho người dânẢnh: HOÀNG TRIỀU

Cần quản lý chặt các thiết bị bay không người lái để bảo đảm an ninh cho người dânẢnh: HOÀNG TRIỀU

Buông lỏng quản lý flycam sẽ rất nguy hiểm

Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm đến nội dung về quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không.

ĐB Hà Thọ Bình (đoàn Hà Tĩnh), Tư lệnh Quân khu 4, cho rằng hiện nay công tác quản lý, bảo vệ vùng trời đang được nhiều quốc gia trên thế giới hết sức coi trọng. Nếu như ở Việt Nam có các lực lượng phòng không quốc gia, phòng không lục quân và phòng không nhân dân thì ở một số nước, như Israel, họ đã xây dựng Vòm Sắt (Iron Dome) để bảo vệ vùng trời.

Trung tướng Hà Thọ Bình nhấn mạnh việc quản lý phương tiện bay hiện nay rất khó, ví dụ flycam - phương tiện bay có gắn camera được điều khiển từ xa để chụp ảnh, quay video từ trên cao khi hoạt động trên các địa bàn, nếu không có sự phối hợp thì rất khó bảo vệ khu vực phòng thủ. Ông Bình cho biết đợt diễn tập khu vực phòng thủ mới đây tại phía Tây tỉnh Thanh Hóa hay phía Tây tỉnh Quảng Bình, có những thời điểm flycam bay liên tục dọc theo tuyến biên giới. Song khi phối hợp công an để làm rõ thì không có trường hợp nào cấp phép, hay cơ quan nào đứng ra nhận đã đưa flycam vào bay.

"Điều này rất nguy hiểm và ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng - an ninh hiện nay. Do đó, đề nghị dự thảo luật cần có quy định cụ thể đơn vị nào quản lý, cấp phép sử dụng flycam" - ông Bình nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ĐB Đặng Văn Lẫm (đoàn TP HCM), Phó Tư lệnh Quân khu 7, đánh giá hiện nay ở nước ta các loại phương tiện bay nêu trên được sử dụng rộng rãi trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương, song vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh; các thế lực thù địch lợi dụng các phương tiện này để chống phá Đảng, Nhà nước và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Do đó, để bảo đảm vừa quản lý được chặt chẽ các loại phương tiện này, vừa tạo được điều kiện thúc đẩy phát triển KT-XH, đề nghị cần nghiên cứu, hoàn chỉnh các quy định nhằm cân bằng hài hòa giữa mục tiêu bảo vệ an toàn phòng không và thúc đẩy KT-XH thông qua việc tăng cường phân cấp để cấp giấy phép và quản lý.

Theo ĐB Nguyễn Tân Cương (đoàn Bình Dương) - Thượng tướng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - tình trạng vi phạm không chỉ có ở khu vực biên giới mà còn vi phạm cả trong khu vực nội địa. Những người buôn lậu sử dụng loại phương tiện này nhiều nhất trên tuyến biên giới nhằm phát hiện các lực lượng chức năng hoặc sử dụng để buôn bán ma túy. Riêng năm 2023, tại các quận nội thành Hà Nội, lực lượng quản lý, bảo vệ vùng trời của Bộ Quốc phòng đã phát hiện và xử lý hơn 1.500 trường hợp tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ vi phạm, trong đó có cả vi phạm vào các khu vực cấm, khu vực hạn chế bay.

Hiện nay, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam mới quy định những nội dung mang tính nguyên tắc; còn Luật Đầu tư năm 2020 quy định tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, do đó không bị cấm trong xuất khẩu, nhập khẩu. "Nếu sử dụng loại phương tiện này không đúng mục đích thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia, an toàn hàng không. Chính vì vậy, cần phải có một luật quy định cụ thể hơn để quản lý" - Thượng tướng Nguyễn Tân Cương nói rõ.

Rà soát kỹ các quy định

ĐB Lê Kim Toàn (đoàn Bình Định) cho rằng máy bay không người lái cũng là công cụ phục vụ đời sống, như trong nông nghiệp có thể dùng vào việc phun thuốc, rải phân bón, hoặc chụp ảnh nghệ thuật, tổ chức sự kiện, thám hiểm, quản lý, bảo vệ rừng... Do đó cần tính toán, nghiên cứu quy định phù hợp để vừa bảo vệ được thế trận phòng không nhân dân, bảo vệ an ninh chính trị, vùng trời Tổ quốc, lại vừa đáp ứng yêu cầu của cuộc sống. ĐB Toàn đề nghị trong trường hợp cấp phép cho hoạt động bay thông thường phục vụ cuộc sống, nên phân cấp cho địa phương quyết định và cần rõ ràng về phạm vi.

Còn ĐB Sùng A Lềnh (đoàn Lào Cai) nhìn nhận việc quy định người sử dụng phải đủ 18 tuổi trở lên và có kiến thức về hàng không, là một tiêu chí, điều kiện có thể sẽ khó áp dụng trong thực tiễn do đa phần người khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ hiện nay chưa có kiến thức về hàng không.

Văn Duẩn - Huy Thanh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/quan-ly-chat-tau-bay-khong-nguoi-lai-196240622203037436.htm