Giải bài toán 'mưa là ngập' ở thành phố Hải Dương
Để giải bài toán khắc phục tình trạng ngập úng khu vực nội thành mỗi khi mưa lớn, thành phố Hải Dương đã và đang đầu tư một số công trình trọng điểm như: nâng công suất các trạm bơm tiêu úng, nạo vét kênh dẫn, cải tạo hệ thống thoát nước...
Những năm qua, tại thành phố Hải Dương, mỗi khi mưa lớn luôn xảy ra tình trạng ngập úng trong khu vực nội thành, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt và hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân.
Ngập úng chủ yếu ở khu vực trung tâm, nhất là tại một số khu dân cư cũ thuộc các phường Tứ Minh, Thanh Bình, Tân Bình như khu Tân Kim, khu 10 phường Tân Bình, khu Kim Chi (phường Thanh Bình), khu Lộ Cương (phường Tứ Minh)…
Gia đình ông Triệu Xuân An sống ở phố Quán Thánh, phường Bình Hàn, thành phố Hải Dương từ năm 1994. Ông An cho biết, hơn 20 năm qua, gia đình ông đã quen sống chung với ngập mỗi khi mưa lớn. Thậm chí, mỗi khi trời mưa kéo dài chỉ 30 phút thì khu vực này đã chìm trong nước.
Nước từ lòng đường tràn vào nhà, dâng lên đến gần đầu gối. Nhà ông phải hạ cửa cuốn, dùng bao cát, giẻ... để ngăn nước tràn vào. Các thiết bị điện đều bị hỏng và phải sửa không biết bao nhiêu lần. Trước kia gần khu này có hồ Ga thì còn đỡ. Cách đây mấy năm, hồ bị lấp nên ngập ngày càng nặng hơn, lâu hơn. Có khi phải 2 ngày mới rút hết nước - ông An chia sẻ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng nói trên. Thành phố Hải Dương có lịch sử hình thành hơn 200 năm. Đến nay, hệ thống hạ tầng kỹ thuật; trong đó có hệ thống cống thoát nước, trạm bơm được xây dựng từ lâu, quy mô thoát nước không bảo đảm với nhu cầu thực tế. Công suất của các trạm bơm tiêu úng chính thấp, hiệu quả thoát nước không cao.
Cụ thể: trạm bơm Bình Lâu có công suất thiết kế 9.500 m3/h nhưng thực tế khoảng 7.500 m3/h, trạm bơm Nhị Châu có công suất thiết kế 2.000 m3/h, trạm bơm Thanh Bình B có công suất thiết kế 5.000 m3/h, trạm bơm Lộ Cương có công suất thiết kế từ 1.000 m3/h - 3.000 m3/h, trạm bơm Tân Bình có công suất thiết kế 1.600 m3/h.
Mặt khác, những năm qua, tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến diện tích điều hòa nước như diện tích đất nông nghiệp, ao hồ ở thành phố Hải Dương dần dần bị thu hẹp. Các khu dân cư, khu đô thị mới và nhiều khu vực bị chia cắt bởi tuyến đường Quốc lộ 5, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng có cốt nền cao gây khó khăn cho tiêu thoát nước về các trạm bơm khu vực phía Bắc của thành phố. Trong khi đó, thành phố cũng chưa có cốt nền chuẩn và định hướng thoát nước tốt.
Phường Bình Hàn là một trong những “rốn ngập” của thành phố Hải Dương. Theo ông Vũ Đức Quý - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Bình Hàn, tình trạng ngập úng tại một số khu vực mỗi khi mưa lớn đã diễn ra từ nhiều năm nay. Thành phố đã quan tâm đầu tư một số công trình cải thiện hiệu quả tiêu thoát nước trên địa bàn phường.
Cụ thể như dự án trạm bơm Bình Hàn, dự án làm hồ điều hòa và kênh dẫn về trạm bơm, dự án xây dựng và cải tạo nền mặt đường và hệ thống thoát nước ở khu vực Cô Đông – Quán Thánh, dự án cải tạo nền mặt đường và hệ thống thoát nước đường Đinh Văn Tả từ đường sắt đấu nối ra cống ở đường gom quốc lộ 5...
Hiện tại, một số công trình đã hoàn thiện ở đường Đinh Văn Tả, Cô Đông, Quán Thánh giúp tiêu thoát nhanh nước mưa. Mới đây, vào đầu tháng 9/2019 xảy ra một trận mưa khá lớn nhưng mưa chỉ làm ngập lòng đường Quán Thánh khoảng 40cm và nước thoát nhanh hơn. Ông An cho rằng, việc thoát nước có cải thiện và hy vọng trong thời gian tới, khi các công trình còn lại hoàn thành sẽ giải quyết triệt để tình trạng ngập úng.
Ở các khu vực khác, thành phố Hải Dương cũng quan tâm và đầu tư các công trình trọng điểm như: xây dựng hệ thống thoát nước trên tuyến đường Nguyễn Lương Bằng đoạn từ kênh T2 đến đường Vũ Hựu, Hoàng Diệu, Trần Cảnh, Phan Bội Châu, đường trục khu 3 phường Nhị Châu; nạo vét, mở rộng kênh T2 và xây dựng trạm bơm Bình Lâu có công suất 28.000 m3/h; kè kênh dẫn và nâng cấp trạm bơm Tân Bình có công suất 2.500 m3/h bằng nguồn vốn ngân sách với tổng mức đầu tư khoảng 185 tỷ đồng.
Đồng thời, thành phố cũng cải tạo hệ thống thoát nước và thu gom nước thải khu vực trung tâm; nâng công suất trạm bơm Thanh Bình B lên 7.500 m3/h, trạm bơm Nhị Châu lên 5.000 m3/h.
Theo ông Phạm Đình Việt Đức - Phó Trưởng Phòng Quản lý đô thị (UBND thành phố Hải Dương), các công trình trên cơ bản đã hoàn thành, góp phần giảm thiểu tình trạng ngập úng khu vực nội thành của thành phố cả về khu vực ngập, chiều sâu và thời gian. Tuy vậy, tình trạng ngập úng vẫn còn lớn với diện tích khoảng 900 ha; chủ yếu ở khu phía Tây thành phố và phía Bắc đường sắt, thuộc địa bàn các phường Tứ Minh, Tân Bình, Thanh Bình, Cẩm Thượng, Bình Hàn.
Thành phố Hải Dương đã tham mưu tỉnh báo cáo Chính phủ và các bộ ngành chấp thuận đề xuất dự án “Phát triển tổng hợp các đô thị động lực - thành phố Hải Dương” vay vốn Ngân hàng thế giới; trong đó tập trung đầu tư các hạng mục như: hoàn thiện hệ thống thoát nước đường Nguyễn Lương Bằng, kè kênh T1, xây dựng trạm bơm Lộ Cương với công suất 39.600 m3/h, xây dựng hệ thống thoát nước trên đường Thanh Bình dẫn về trạm bơm Thanh Bình B, cải tạo hệ thống thoát nước và mương dẫn khu phía Bắc Quốc lộ 5 dẫn về trạm bơm Bình Hàn và trạm bơm Đồng Niên.
Dự kiến, năm 2020, dự án sẽ bắt đầu triển khai, hướng tới mục tiêu sau khi hoàn thành sẽ cơ bản giải quyết vấn đề thoát nước tại khu vực nội thành.
Để các dự án thoát nước phát huy hiệu quả, theo đại diện Phòng Quản lý đô thị, thành phố Hải Dương, cần thực hiện nghiêm quy định về duy tu, sửa chữa, bảo trì hệ thống thoát nước. Cùng đó, sự chung tay của nhân dân trong việc bảo vệ công trình đặc biệt cần thiết; đồng thời, tự giác chấp hành việc đấu nối, xả thải theo các quy định của pháp luật.