Giải bài toán ngập lụt ở Đà Nẵng: Từ đầu tư hàng chục triệu USD đến hiệu quả thực tế

Cùng với tốc độ phát triển đô thị, từ những ngày đầu quy hoạch, Đà Nẵng đã quan tâm đến vấn đề thoát nước đô thị và tìm phương án giải quyết bài toán này. Tuy nhiên tới nay, nhiều tuyến đường Đà Nẵng vẫn ngập sâu sau mỗi trận mưa lớn.

Tình trạng ngập lụt đô thị ngày càng diễn ra phức tạp hơn

Tình trạng ngập lụt đô thị ngày càng diễn ra phức tạp hơn

Hàng nghìn tỷ đầu tư cho hệ thống thoát nước

Cùng với tốc độ phát triển đô thị, từ những ngày đầu quy hoạch, Đà Nẵng đã đặc biệt chú trọng tới vấn đề thoát nước đô thị và tìm phương án giải quyết bài toán này. Minh chứng là Đà Nẵng đã chi hàng ngàn tỷ đồng để giải quyết vấn đề nan giải mà TP đang đối mặt.

Về việc đầu tư cho hệ thống thoát nước đô thị Đà Nẵng, đầu tiên phải kể đến Dự án thoát nước và vệ sinh môi trường thành phố Đà Nẵng trị giá hơn 41 triệu USD, được triển khai từ năm 1999, đưa vào vận hành năm 2007.

Dự án gồm 16,48 km cống thoát nước mưa chung cho 20 tuyến đường, 18 trạm bơm chìm, 4 trạm xử lý nước thải (Phú Lộc, Hòa Cường, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà) tổng công suất 89.200 m3/ngày…

Dự án được kỳ vọng giải bài toán ngập lụt đô thị trung tâm Đà Nẵng sau khi hoàn thành. Tuy nhiên, ngay sau khi đưa vào vận hành, nhiều hạng mục quan trọng của dự án đã bộc lộ nhiều vấn đề về chất lượng cũng như hiệu quả.

 Một miệng cống sát biển Đà Nẵng.

Một miệng cống sát biển Đà Nẵng.

Sau đó, Đà Nẵng đã đầu tư hàng loạt dự án thoát nước tại khác khu vực trung tâm thành phố như: Dự án xử lý thoát nước khu vực xung quanh sân bay Đà Nẵng với tổng mức đầu tư hơn 77 tỷ đồng nhằm tăng cường khả năng điều tiết nước giữa các hồ Thạc Gián – Vĩnh Trung và hồ Công viên 29/3, giảm thiểu ngập úng cho các khu vực xung quanh đường Nguyễn Văn Linh – Lê Đình Lý – Hàm Nghi; đường Lê Duẩn – Hoàng Hoa Thám và khu vực xung quanh đường Trần Xuân Lê.

Hay như Dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước và thu gom nước thải khu vực xung quanh Âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà), với tổng mức vốn đầu tư hơn 65 tỷ đồng, thời gian thực hiện năm 2024-2026.

Gần nhất, tại kỳ họp thứ 20 diễn ra vào tháng 10 vừa qua, HĐND thành phố Đà Nẵng đã thông qua việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tuyến cống thoát nước từ kênh Phú Lộc ra đường Nguyễn Tất Thành (trên đường Phùng Hưng), thuộc 2 quận Liên Chiểu và Thanh Khê, với tổng mức đầu tư hơn 145 tỷ đồng; thời gian thực hiện dự án trên từ 2024 – 2027.

Dự án nhằm giải quyết bài toán thoát nước cho lưu vực 3 quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ và Thanh Khê, đồng thời giảm nguy cơ ngập lụt cho các vùng rốn ngập Hòa Minh, Hòa Khánh Nam, đường Mẹ Suốt (quận Liên Chiểu).

Đặc biệt, dự án tuyến thoát nước chính từ hạ lưu kênh thoát nước Khu công nghệ cao về kênh thoát lũ xã Hòa Liên trị giá hơn 800 tỷ đồng (tương đương hơn 30 triệu USD) được HĐND thành phố Đà Nẵng phê duyệt từ tháng 12/2022, dự kiến khởi công vào năm 2025, nhằm giải quyết vấn đề thoát nước tại khu vực này cũng là một minh chứng.

Tại khu vực trung tâm thành phố, Đà Nẵng cũng vừa đã duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo hệ thống thoát nước và hạ ngầm cáp thông tin, điện chiếu sáng trên 4 tuyến đường trung tâm gồm: Phan Châu Trinh, Lê Lợi, Hoàng Diệu và Ông Ích Khiêm với tổng vốn đầu tư hơn 281 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2024-2026.

Thống kê sơ bộ cho thấy Đà Nẵng đã và đang đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để giải quyết bài toán ngập lụt mỗi khi có mưa. Việc các dự án này phát huy hiệu quả như thế nào thì cần thêm thời gian để kiểm chứng. Còn với những đầu tư trước đó và thực trạng ngập lụt tại Đà Nẵng trong vài năm gần đây, nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại về hiệu quả trong việc đầu tư các dự án thoát nước.

124 vị trí dễ ngập úng

Theo thống kê của Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng, tính đến nay, trên toàn thành phố có 124 vị trí có nguy cơ ngập úng khi xảy ra mưa lớn, cực đoan. Nhiều nhất là quận Thanh Khê (41 vị trí), quận Liên Chiểu (29 vị trí), quận Cẩm Lệ (18 vị trí)...

Trong số đó, có 10 vị trí, khu vực trọng điểm thường xuyên xảy ra tình trạng ngập úng nặng khi có mưa như: Khu vực xung quanh hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung; Khu vực đường Hải Hồ; Khu vực Kiệt 640 Trưng Nữ Vương; Khu vực kênh Phong Bắc; Khu vực đường Mẹ Suốt; Khu vực đường Núi Thành; Khu vực đường Lê Tấn Trung; Khu vực cổng Khu công nghiệp Hòa Khánh; Khu vực hạ lưu cống Khe Cạn; và khu vực kênh Yên Thế - Bắc Sơn.

 Khu dân cư phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, Đà Nẵng ngập sâu mỗi khi có mưa lớn

Khu dân cư phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, Đà Nẵng ngập sâu mỗi khi có mưa lớn

Nếu so sánh với những năm trước đây thì trong 3 năm trở lại đây, tình trạng ngập lụt tại khu vực trung tâm thành phố ngày càng nghiêm trọng và tần suất đô thị Đà Nẵng hứng chịu những trận ngập lụt nghiêm trọng xảy ra nhiều hơn.

Trận ngập lụt xảy ra ngày 14/10/2022 đã trở thành ám ảnh với người dân Đà Nẵng khi hàng vạn ngôi nhà khu vực trung tâm TP bị ngập; hàng ngàn ô tô, xe máy bị hư hại…

Theo thống kê của UBND TP Đà Nẵng, tình trạng mưa lũ xảy ra trên địa bàn trong tháng 10/2022 đã làm 6 người chết; gần 70.000 nhà trên địa bàn thành phố Đà Nẵng bị ngập; 2.000 ôtô, 30.000 xe máy hư hỏng; 2.630 trạm biến áp gặp sự cố khiến gần 208.000 khách hàng bị mất điện… tổng thiệt hại vật chất sau trận mưa lũ gần 1.500 tỷ đồng.

Trong đó, quận Liên Chiểu hơn 570 tỷ đồng, Hòa Vang 250 tỷ, Cẩm Lệ 180 tỷ, Hải Châu 130 tỷ, Thanh Khê 87 tỷ. Riêng lĩnh vực giao thông thiệt hại hơn 190 tỷ đồng; xây dựng 17 tỷ đồng; y tế gần 11 tỷ đồng.

 Tình trạng ngập lụt ở Đà Nẵng diễn biến ngày càng phức tạp và nặng nề.

Tình trạng ngập lụt ở Đà Nẵng diễn biến ngày càng phức tạp và nặng nề.

Mới đây trận mưa, lũ, ngập lụt ngày 14/10 đã gây ngập diện rộng và ngập sâu tại các khu vực trũng thấp trên địa bàn thành phố với 52/56 xã, phường thuộc 7 quận, huyện và hầu hết các tuyến đường đều bị ngập. Nhiều tuyến đường, tầng hầm một số trụ sở công trình quan trọng của Nhà nước, doanh nghiệp và nhà dân ngập 0,5 - 1 m, có nơi ngập sâu đến 2 m.

Tình trạng mưa lụt ngày càng nghiêm trọng ở các đô thị Đà Nẵng không chỉ gây ra những thiệt hại về vật chất mà còn làm cuộc sống của người dân thành phố bị đảo lộn, ngoài ra hoạt động sản xuất kinh doanh cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Vậy làm thế nào để Đà Nẵng giải quyết được tình trạng này? Giải pháp nào để thành phố chống ngập lụt bền vững là bài toán không hề dễ tìm lời giải.

Các chuyên gia cho rằng những diễn biến thời tiết bất thường gây ra ngập lụt ở Đà Nẵng sẽ diễn ra với tần suất liên tục, thường xuyên hơn... Vậy nên, thành phố cần thay đổi dữ liệu thiết kế để đô thị chống chọi tốt hơn với điều kiện thời tiết mới. Đó là một trong những kiến giải được các chuyên gia đề cập trong bài 2: "Giải "bài toán" ngập lụt ở Đà Nẵng: Phải xem điều bất thường là bình thường".

Hồ Xuân Mai

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/giai-bai-toan-ngap-lut-o-da-nang-tu-dau-tu-hang-chuc-trieu-usd-den-hieu-qua-thuc-te-post180223.html