Giải bài toán nhà ở: Để quỹ nhà ở Quốc gia không chỉ là kỳ vọng
Theo các chuyên gia, để quỹ nhà ở Quốc gia phát huy hiệu quả cần xây dựng một cơ chế huy động vốn bền vững và minh bạch, đồng thời đảm bảo sự tham gia tích cực từ các doanh nghiệp bất động sản.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang gặp phải tình trạng khan hiếm nhà ở giá rẻ, Quỹ Nhà ở Quốc gia nổi lên như một giải pháp tiềm năng để hỗ trợ người dân thu nhập thấp và trung bình có thể sở hữu hoặc thuê nhà tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Tuy nhiên, để mô hình này phát huy hiệu quả lâu dài cần có một chiến lược rõ ràng về nguồn vốn, cơ chế quản lý và sự tham gia đồng bộ của các bên liên quan.
Giải pháp cấp thiết
Việc nghiên cứu và triển khai mô hình Quỹ Nhà ở Quốc gia được các chuyên gia nhìn nhận là một hướng đi cần thiết và đúng đắn. Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn Savills Hà Nội, khẳng định: "Việc này là cần thiết để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp và trung bình."
Bà Hằng phân tích, Quỹ Nhà ở Quốc gia có tiềm năng trở thành công cụ hữu hiệu, tạo điều kiện để người dân tiếp cận nhà ở thương mại giá rẻ và nhà ở xã hội, qua đó gia tăng đáng kể khả năng sở hữu nhà của người lao động.
Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ trực tiếp người mua nhà, sự ra đời của Quỹ Nhà ở Quốc gia còn được kỳ vọng sẽ góp phần duy trì ổn định nguồn cung nhà ở giá rẻ. Khi nguồn cung phân khúc này được đảm bảo, thị trường bất động sản sẽ trở nên cân bằng hơn, giảm bớt tình trạng lệch pha cung - cầu vốn diễn ra trong nhiều năm qua.
"Mô hình Quỹ Quỹ Nhà ở Quốc gia không những có thể đóng vai trò lớn trong việc giải quyết vấn đề an cư, ổn định cuộc sống cho người lao động thu nhập trung bình thấp, mà còn thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng bền vững hơn" - bà Hằng nhấn mạnh.

Quỹ Nhà ở Quốc gia được coi là một giải pháp đột phá nhằm giải quyết bài toán nhà ở cho người lao động thu nhập thấp và trung bình tại các đô thị lớn. Ảnh: QH
Theo bà Giang Huỳnh, Giám đốc Bộ phận Nghiên Cứu & S22M, Savills TP.HCM, mô hình Quỹ Nhà ở Quốc gia đã được nhiều quốc gia như Singapore, Trung Quốc và các nước châu Âu áp dụng thành công từ nhiều thập kỷ qua.
Những quốc gia này đã xây dựng một khung pháp lý rõ ràng, quy hoạch đất đai đồng bộ và quản lý tài chính minh bạch, từ đó giúp người dân dễ dàng tiếp cận nhà ở. Nếu được triển khai tại Việt Nam, mô hình này sẽ không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng về nhà ở cho người dân mà còn thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thông qua việc ổn định thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, để Quỹ Nhà ở Quốc gia hoạt động hiệu quả cần có sự đầu tư nghiêm túc vào việc nghiên cứu các yếu tố thực tiễn của thị trường, đồng thời chú trọng đến các yếu tố như cơ chế tài chính, nguồn vốn và sự minh bạch trong quản lý quỹ.
Cần cụ thể, đúng mục tiêu
Để Quỹ Nhà ở Quốc gia hoạt động hiệu quả, nhiều chuyên gia cho rằng cần có một chiến lược tổng thể với sự tham gia của nhiều bên, từ Chính phủ, doanh nghiệp đến cộng đồng. Đặc biệt, vấn đề huy động vốn và quản lý tài chính là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự bền vững của quỹ này.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế, việc triển khai Quỹ Nhà ở Quốc gia đòi hỏi một chiến lược huy động vốn bền vững. Ông đề xuất cần đa dạng hóa các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, phát hành trái phiếu nhà ở xã hội, thu hút đầu tư từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, cùng với sự tham gia của doanh nghiệp bất động sản. Điều này sẽ giúp tạo ra nguồn vốn luân chuyển lâu dài và giảm bớt phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.
Ngoài việc huy động vốn, cần có chính sách ưu đãi lãi suất cho người mua nhà. TS. Cấn Văn Lực cho rằng lãi suất vay từ quỹ cần ưu đãi khoảng 50-70% so với lãi suất thương mại để đảm bảo người dân có khả năng chi trả.
Hơn nữa, để tránh thất thoát và trục lợi, cơ chế quản lý và giám sát quỹ cần được minh bạch. Việc áp dụng công nghệ số trong việc giám sát và công khai thông tin tài chính sẽ giúp quỹ hoạt động hiệu quả và đúng mục tiêu.

Quỹ Nhà ở Quốc gia cần có các chính sách ưu đãi lãi suất cho người mua nhà. Ảnh: QH
Bên cạnh đó, TS. Huỳnh Phước Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Kinh tế, Luật và quản lý (Đại học Kinh tế TP.HCM), cho rằng cần điều chỉnh mô hình nhà ở xã hội phù hợp với thực tế nhu cầu của người dân.
Theo ông, không chỉ nên chú trọng vào nhà ở xã hội bán mà còn cần phát triển mạnh mẽ mô hình nhà ở xã hội cho thuê dài hạn. Điều này sẽ giúp giảm bớt áp lực tài chính cho người lao động, đồng thời tăng cường sự ổn định cho thị trường bất động sản.
"Một yếu tố quan trọng khác là quy hoạch đồng bộ về đất đai và hạ tầng. Việc phát triển nhà ở xã hội không thể tách rời với hệ thống giao thông và các tiện ích công cộng như trường học, bệnh viện, chợ, trung tâm thương mại. Nếu nhà ở xã hội được xây dựng ở những khu vực xa trung tâm mà thiếu các tiện ích cần thiết, người dân sẽ gặp khó khăn trong sinh hoạt và đi lại, làm giảm giá trị thực tế của những dự án này"- TS Nghĩa chia sẻ
Việc thành lập Quỹ Nhà ở Quốc gia với một hội đồng quản lý quỹ có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Xây dựng là cần thiết. Mặc dù Luật Nhà ở đã đề cập đến các nguồn vốn phát triển nhà ở thương mại và nhà ở xã hội, nhưng lại thiếu cơ chế riêng cho việc phát triển nhà ở thương mại giá rẻ.
Do đó, Quỹ Nhà ở Quốc gia sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý các nguồn vốn này và hỗ trợ việc phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp và trung bình.
Về cơ chế cho vay, quỹ cần hỗ trợ người trẻ mua nhà với thời gian vay dài từ 15-20 năm và lãi suất hợp lý. Đặc biệt lưu ý cần tránh việc áp dụng các gói vay ngắn hạn với lãi suất ưu đãi ban đầu rồi thả nổi như hiện nay tại các ngân hàng thương mại. Thay vào đó, quỹ cần ổn định lãi suất theo chu kỳ 5 năm và có kế hoạch điều chỉnh hợp lý cho các chu kỳ tiếp theo, giúp người mua nhà an tâm hơn về tài chính.