Giải bài toán nhu cầu năng lượng tăng cao thông qua chuyển dịch năng lượng

Với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao, đặc biệt trong bối cảnh phát triển kinh tế mạnh mẽ, việc chuyển dịch năng lượng không chỉ là một nhiệm vụ quan trọng đối với Việt Nam mà còn là yếu tố then chốt để bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Trong bối cảnh nhu cầu điện năng tăng cao trong những năm tới, phát triển các giải pháp năng lượng mới là một yêu cầu cấp thiết đối với Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Trong bối cảnh nhu cầu điện năng tăng cao trong những năm tới, phát triển các giải pháp năng lượng mới là một yêu cầu cấp thiết đối với Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Chiều 27/6, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm quốc tế Công nghệ Năng lượng-Môi trường Hà Nội 2024 (ENTECH HANOI 2024), Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) chủ trì, phối hợp Sở Công thương thành phố Hà Nội, Chương trình Hỗ trợ năng lượng của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) và các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn Chuyển dịch năng lượng Việt Nam năm 2024.

Diễn đàn thu hút sự tham dự của hơn 300 đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành Trung ương, các Sở Công thương, Khoa học và Công nghệ địa phương trên toàn quốc; đại diện các viện, trường, tổ chức quốc tế, tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng, khoa học công nghệ…

Diễn đàn được tổ chức nhằm phổ biến những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu; trao đổi về chính sách và chương trình hỗ trợ, thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Quang cảnh Diễn đàn Chuyển dịch năng lượng Việt Nam năm 2024. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Quang cảnh Diễn đàn Chuyển dịch năng lượng Việt Nam năm 2024. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Đồng thời cung cấp thông tin về xu hướng phát triển công nghệ mới trong ngành năng lượng trên thế giới, các khuyến nghị về nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ, đặc biệt là giải pháp công nghệ cho phát triển năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, góp phần đáp ứng tốt các cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26), theo đúng tinh thần Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 2/10/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tỷ trọng năng lượng tái tạo trong ngành điện vẫn còn hạn chế

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Mai Dương, Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học Công nghệ cho biết, Việt Nam hiện đang đối mặt với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao, đặc biệt trong bối cảnh phát triển kinh tế mạnh mẽ và hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Ông Nguyễn Mai Dương, Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học Công nghệ phát biểu. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Ông Nguyễn Mai Dương, Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học Công nghệ phát biểu. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Theo dự báo của Bộ Công thương, sản lượng điện tiêu thụ toàn quốc năm 2023 đã tăng 25%, trong khi nhu cầu điện năng được dự báo tăng trưởng khoảng 8-10%/năm trong những năm tới.

Bên cạnh vấn đề về nguồn năng lượng hóa thạch như than đá, dầu mỏ và khí đốt đang dần cạn kiệt, gây hại cho môi trường, điều này đặt ra thách thức lớn trong việc bảo đảm nguồn cung năng lượng ổn định và bền vững, đồng thời làm gia tăng áp lực phải tìm kiếm các giải pháp năng lượng thay thế.

Do đó, ông Dương nhấn mạnh, chuyển dịch năng lượng không chỉ là một nhiệm vụ quan trọng mà còn là yếu tố then chốt đối với Việt Nam để bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Nhằm đối phó với các thách thức này, Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương và chính sách quan trọng để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo.

Trong đó, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010 là một bước ngoặt, định hướng tăng cường đầu tư và áp dụng các hình thức huy động nguồn lực để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Các đại biểu tham dự diễn đàn. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Các đại biểu tham dự diễn đàn. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Bên cạnh đó, nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị cũng nêu rõ quan điểm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội.

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đặt mục tiêu ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Theo đó, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn cung sẽ đạt khoảng 30-39% vào năm 2030 và thậm chí là 47% theo cam kết về chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam (JETP).

Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đã đề ra phát triển công nghệ năng lượng là một trong 10 định hướng phát triển, ứng dụng công nghệ giai đoạn tới, trong đó “Nghiên cứu ứng dụng, làm chủ các công nghệ năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, công nghệ tích trữ năng lượng tiên tiến, pin nhiên liệu..." là một trong những nội dung nghiên cứu quan trọng…

Bên cạnh đó, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng và ban hành tổ chức, triển khai các chương trình, đề án cấp quốc gia tập trung ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm thiểu tác động môi trường.

Những nỗ lực của Việt Nam nhằm bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế-xã hội bền vững đang dần khẳng định vị thế trong cuộc cách mạng năng lượng xanh toàn cầu.

Tuy nhiên, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong ngành điện vẫn còn hạn chế do các rào cản như chính sách, tài chính, năng lực chuyên môn, khả năng nối lưới và tính ổn định của hệ thống truyền tải điện, chi phí đầu tư cao và công nghệ còn chậm được nâng cao.

Bảo đảm hệ thống điện vận hành một cách linh hoạt

Các diễn giả tham gia tọa đàm tại diễn đàn. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Các diễn giả tham gia tọa đàm tại diễn đàn. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Để giải quyết các vấn đề trên, tại diễn đàn, các diễn giả đã tập trung thảo luận chính sách và chương trình hỗ trợ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hiện trạng và định hướng phát triển khoa học công nghệ cho năng lượng tái tạo và chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam, xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu và kinh nghiệm từ các nước, hợp tác và chuyển giao công nghệ, cùng các đề xuất chính sách thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ gắn với chuyển dịch năng lượng.

Ông Trần Viết Nguyên, Phó Trưởng Ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, để đạt được các yêu cầu về chuyển dịch năng lượng, trước mắt phải bảo đảm hệ thống điện vận hành một cách linh hoạt khi tỷ lệ năng lượng tái tạo hòa lưới điện tăng cao theo chỉ đạo của Chính phủ.

Do đó, ông Nguyên cho rằng, cần tăng cường áp dụng công nghệ tiên tiến để tăng chất lượng công tác, giúp đưa ra dự báo về nhu cầu và nguồn cung cấp phát một cách chính xác. Thí dụ như trong lĩnh vực điện mặt trời áp mái, có thể mua dữ liệu vệ tinh để từ đó phân tích và có dự báo sát thực tế, giúp hệ thống điện vận hành linh hoạt, chủ động hơn.

Trong thời gian tới, để huy động tối đa nguồn năng lượng tái tạo như chỉ đạo của ngành công thương và Chính phủ, yêu cầu về tính linh hoạt của hệ thống điện càng cao. Do đó, ông Nguyên bày tỏ mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành nghiên cứu ban hành cơ chế để tháo gỡ các vấn đề phát sinh khi tỷ lệ năng lượng tái tạo thâm nhập hệ thống điện cao.

Tham quan các mô hình công nghệ mới, tiết kiệm năng lượng bên lề diễn đàn. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Tham quan các mô hình công nghệ mới, tiết kiệm năng lượng bên lề diễn đàn. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Ngoài ra, cần ban hành các quy định về cung cấp thông tin và kết nối hệ thống liên quan điều độ điện vùng và quốc gia để có các phương án với các nguồn điện phân tán, bên cạnh các hàng rào kỹ thuật để kiểm soát các nguồn năng lượng tái tạo hoặc các nguồn năng lượng mới khác như hydrogen xuất hiện.

Liên quan dịch vụ phụ trợ, hệ thống tích trữ năng lượng, ông Nguyên cho rằng, các đơn vị truyền tải của Việt Nam cũng cần có cơ chế để lắp đặt các hệ thống nhằm hỗ trợ cho phụ tải, giúp bảo đảm độ linh hoạt của hệ thống điện để ứng phó kịp thời với các sự cố.

“Đến năm 2050, các dạng năng lượng mới phải đưa vào hệ thống, tỷ lệ năng lượng tái tạo nhiều hơn theo chỉ đạo của Chính phủ. Do đó, phải cần các loại hình tích trữ năng lượng mới để ổn định và vận hành hệ thống điện linh hoạt”, ông Nguyên cho hay.

Khẳng định hợp tác quốc tế đóng vai trò quan trọng, đại diện EVN cũng bày tỏ mong muốn các tổ chức quốc tế như GIZ tiếp tục tăng cường hỗ trợ Việt Nam, đặc biệt trong công tác dự báo để xây dựng lộ trình, kế hoạch, kịch bản ứng phó từ sớm, từ xa khi có dạng nguồn năng lượng mới vào hệ thống.

Ông Fabian Hartjes, Bí thư thứ 2 phụ trách Kinh tế và Ngoại giao khí hậu, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam chia sẻ với báo chí bên lề diễn đàn. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Ông Fabian Hartjes, Bí thư thứ 2 phụ trách Kinh tế và Ngoại giao khí hậu, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam chia sẻ với báo chí bên lề diễn đàn. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Ông Fabian Hartjes, Bí thư thứ 2 phụ trách Kinh tế và Ngoại giao khí hậu, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam nhấn mạnh, phía Đức sẵn sàng hỗ trợ và sẽ là đối tác tin cậy của Việt Nam để đạt được mục tiêu năng chuyển dịch lượng.

Theo đó, kinh nghiệm của Đức cùng các bước tiến mới trong hợp tác thời gian qua sẽ thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa 2 bên, trong đó vai trò của các doanh nghiệp công nghệ năng lượng là quan trọng để góp phần giúp các đối tác Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chia sẻ về hợp tác giữa 2 bên thời gian qua, bà Vũ Chi Mai, Giám đốc Dự án CASE thuộc GIZ cho biết, kể từ khi phối hợp triển khai năm 2018, dự án đã góp phần giúp Việt Nam đạt nhiều dấu mốc quan trọng về năng lượng.

Thời gian tới, Dự án CASE sẽ đồng hành cùng Bộ Khoa học và Công nghệ, đi vào các trọng tâm chính để giúp xu hướng nắm bắt công nghệ ở Việt Nam tăng lên, qua đó giúp năng lực tiếp nhận thông tin, quản lý dự án và tham gia vào chuỗi dự án sản xuất linh kiện, phụ kiện điện gió, điện mặt trời.

Theo bà Mai, Việt Nam cần chủ động nguồn nhân lực để vận hành và phát triển sản xuất. Trong khuôn khổ dự án, phía GIZ sẽ cùng nhìn lại thế mạnh của Việt Nam trong chuỗi giá trị điện gió, điện mặt trời để tăng tỷ lệ nội địa hóa, cùng với rà soát năng lực để lên lộ trình công nghệ giúp Việt Nam đạt được giá trị nội địa hóa tốt nhất trong chuỗi cung ứng toàn cầu về điện gió, điện mặt trời.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/giai-bai-toan-nhu-cau-nang-luong-tang-cao-thong-qua-chuyen-dich-nang-luong-post816469.html