Giải bài toán 'niềm tin' trên thị trường trái phiếu

Việc thiếu niềm tin từ nhà đầu tư đối với kênh trái phiếu doanh nghiệp đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần được giải quyết.

Trong bối cảnh kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng không nằm ngoài vòng xoáy khó khăn. Thực tế hiện nay, thị trường này đang chứng kiến sự ảm đạm khi hầu hết các doanh nghiệp không thể thu hút được nguồn vốn đầu tư, ngoại trừ các trái phiếu do ngân hàng phát hành. Việc thiếu niềm tin từ nhà đầu tư đối với kênh trái phiếu doanh nghiệp đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần được giải quyết.

Theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính từ đầu năm 2024, tổng cộng đã có 227 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị đạt 215.583 tỷ đồng, cùng với 13 đợt phát hành ra công chúng có giá trị 22.773 tỷ đồng.

Đáng chú ý, nhóm ngân hàng chiếm tỷ lệ lớn nhất với 72,18% tổng giá trị phát hành kể từ đầu năm đến nay, vượt xa mức 18,54% của nhóm bất động sản từng có thời gian dài chiếm ưu thế trong hoạt động huy động vốn từ kênh trái phiếu

HDBank vừa hoàn tất đợt phát hành trái phiếu trị giá 1.000 tỷ đồng ra công chúng. Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

HDBank vừa hoàn tất đợt phát hành trái phiếu trị giá 1.000 tỷ đồng ra công chúng. Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Riêng trong tháng 8, VBMA cho biết phần lớn các đợt phát hành trái phiếu được thực hiện bởi các ngân hàng như Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank)...

Tính từ đầu năm 2024, tổng cộng đã có 227 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị đạt 215.583 tỷ đồng. Ảnh: BNEWS phát

Tính từ đầu năm 2024, tổng cộng đã có 227 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị đạt 215.583 tỷ đồng. Ảnh: BNEWS phát

Nhận định rằng việc trái phiếu ngân hàng chiếm ưu thế trên thị trường không phải là điều khó hiểu, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính - Học viện Tài chính cho biết ngân hàng và bất động sản vốn là hai ngành phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất trong những năm gần đây. Tuy nhiên, với sự khó khăn của ngành bất động sản và niềm tin của nhà đầu tư suy giảm, các ngân hàng gần như là những đơn vị duy nhất phát hành thành công trái phiếu trong thời gian qua.

TS. Nguyễn Đức Độ cũng nhấn mạnh rằng, trái phiếu ngân hàng đang là kênh đầu tư hấp dẫn vì lãi suất tiền gửi hiện vẫn thấp, trong khi các kênh đầu tư khác như bất động sản hay chứng khoán đều chưa thực sự khởi sắc. Ngân hàng, với mức tăng trưởng lợi nhuận ổn định trong nửa đầu năm 2024, tiếp tục là lựa chọn tin cậy cho các nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn và ổn định.

Dự báo từ Trung tâm nghiên cứu Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS Research) cho thấy, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ trở nên sôi động hơn trong quý IV/2024, khi nhu cầu về vốn của các doanh nghiệp dần hồi phục, thị trường bất động sản có dấu hiệu ấm lại và nhu cầu mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng tăng trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi. Đồng thời, các ngân hàng cũng tích cực phát hành trái phiếu vốn cấp 2 nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay dự kiến sẽ tăng trưởng.

Bàn về trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, từng là lĩnh vực dẫn dắt "đường đua" huy động vốn, TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng, chỉ khi thị trường bất động sản phục hồi, người dân thấy doanh nghiệp bất động sản tăng trưởng tốt thì họ mới có niềm tin bỏ vốn vào trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp bất động sản phát hành. Việc huy động vốn ở thời điểm này chủ yếu mang tính cơ cấu nợ hơn là phát hành mới.

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính). Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính). Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Do đó, TS. Nguyễn Đức Độ khuyến cáo giải pháp về vốn cho các doanh nghiệp bất động sản là có thể bán tài sản cho các đối tác có vốn hoặc huy động từ thị trường chứng khoán.

"Gần đây, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã tăng cường phát hành cổ phiếu nhằm huy động nguồn lực để tái cơ cấu các khoản nợ vay và bổ sung vốn cho việc phát triển các dự án. Tuy nhiên, khi phát hành cổ phiếu, giá phát hành cũng phải ở mức hấp dẫn nhất định", ông Độ chia sẻ.

Về kế hoạch phát hành mới, thông tin từ VBMA cho biết Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ trong quý III/2024, với tổng giá trị lên đến 1.000 tỷ đồng. Loại trái phiếu này không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, kỳ hạn 2 năm và lãi suất cố định 10,5%/năm.

Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng lên kế hoạch phát hành trái phiếu riêng lẻ chia thành 15 đợt trong năm 2024, tổng giá trị tối đa 15.000 tỷ đồng. Trái phiếu này không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không tài sản đảm bảo, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, kỳ hạn tối đa 5 năm.

TS. Nguyễn Đức Độ nhấn mạnh, điều quan trọng nhất của thị trường tài chính, nhất là với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, là niềm tin. Do đó, để niềm tin khôi phục cũng cần có thời gian. Các doanh nghiệp bất động sản phải công khai, minh bạch hơn các dự án của mình và thị trường bất động sản có xu hướng tốt lên thì lúc đấy niềm tin sẽ gia tăng.

"Quan trọng nhất vẫn là các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản, phải công khai thông tin một cách minh bạch, cho thấy các dự án có triển vọng, có khả năng trả nợ thì lúc đấy niềm tin sẽ gia tăng và sẽ thu hút được vốn đầu tư", vị chuyên gia này khẳng định.

Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/giai-bai-toan-niem-tin-tren-thi-truong-trai-phieu/347266.html