Giải bài toán nợ xấu ngân hàng

Xử lý nợ xấu là bước đi quan trọng trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Thời gian qua, ngành ngân hàng đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giải quyết bài toán khó về xử lý nợ xấu, giúp các ngân hàng tăng thêm sức 'đề kháng', vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Việc xử lý giảm thiểu nợ xấu đã giúp HD Bank Phú Thọ trụ vững trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp thời gian qua.

Nỗ lực giảm thiểu nợ xấu

Trong hoạt động ngân hàng, vấn đề nợ xấu luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn tới cả hệ thống nói chung và nền kinh tế nói riêng bởi làm tắc nghẽn dòng tín dụng trong nền kinh tế. Đây là vấn đề quan trọng luôn được ngành ngân hàng quan tâm giải quyết. Đặc biệt, dưới tác động mạnh của dịch bệnh COVID-19 trong thời gian vừa qua, việc lo ngại rủi ro nợ xấu với ngành ngân hàng là hoàn toàn có cơ sở.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, tổng dư nợ xấu xác định tập trung chủ yếu vào hai loại hình: Chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước và chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần, chiếm tỉ trọng khoảng 97% so tổng địa bàn. Nợ xấu phát sinh chủ yếu trong các lĩnh vực: Nông, lâm nghiệp, thủy sản, vận tải, kho bãi, thông tin liên lạc, khai khoáng, dịch vụ thương mại, bán buôn và bán lẻ, dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác...

Tuy vậy, qua tìm hiểu thực tế, với những giải pháp căn cơ được triển khai kịp thời, tỉ lệ nợ xấu của các ngân hàng đã được kiểm soát ở phần lớn các ngân hàng. Để làm được điều đó, NHNN Chi nhánh tỉnh chỉ đạo các ngân hàng xử lý thu hồi nợ và tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo đúng quy định, không nới lỏng điều kiện cho vay, bảo đảm kinh doanh hiệu quả; chủ động rà soát các khoản vay vốn, đồng thời có giải pháp phù hợp tình hình thực tế như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ miễn giảm lãi phí nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua những giai đoạn khó khăn của thị trường.

Bản thân các ngân hàng, tổ chức tín dụng vừa thực hiện tái cơ cấu vừa tích cực xử lý nợ xấu, xây dựng, thực thi một hệ thống quản lý, theo dõi, đánh giá phù hợp với tình hình hoạt động và định hướng của mình; nghiên cứu rõ danh mục nợ xấu và nguyên nhân nợ xấu để có biện pháp, cách thức xử lý hiệu quả, có chính sách sàng lọc khách hàng phù hợp với từng thời kỳ; tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng nhằm đề phòng cho những bất trắc xảy ra và để có khả năng bù đắp các thâm hụt.

Hiện một số ngân hàng đang sở hữu tỉ lệ nợ xấu thấp như Agribank Phú Thọ, tính đến hết tháng 6/2022, tỉ lệ nợ xấu của Ngân hàng là 0,78%, trong khi đó tốc độ tăng trưởng tín dụng khá cao, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 12.200 tỉ đồng.

Ông Trịnh Văn Sơn-Giám đốc Agribank Phú Thọ chia sẻ: Khi một ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu quá cao có thể lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, dẫn tới đổ vỡ. Một ngân hàng đổ vỡ có thể gây hiệu ứng domino lên toàn hệ thống. Bởi vậy, việc xử lý, giảm thiểu nợ xấu là vấn đề rất quan trọng đối với đơn vị khi đối tượng cho vay chủ yếu là nông dân, sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Để hoàn thành nhiệm vụ giảm tỉ lệ nợ xấu dưới mức cho phép, nhất là trong đợt dịch COVID-19, Agribank Phú Thọ đã xây dựng chương trình, kế hoạch chi tiết; triển khai kịp thời nhiều chính sách phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt là chính sách gia hạn nợ, giảm lãi suất cho vay để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng với biên độ giảm lãi từ 1-2,5%/năm.

Hàng loạt các ngân hàng khác như Vietcombank, BIDV, HD Bank cũng sở hữu tỉ lệ nợ xấu thấp, dưới mức cho phép, dưới 1%. Đây là những con số khá khả quan trong bối cảnh nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng vẫn đang chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. Điều này cũng thể hiện “sức khỏe” của ngành Ngân hàng ngày càng được củng cố vững chắc.

Thực hiện Nghị quyết số 42, các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh chung tay cùng ngành Ngân hàng giải quyết hiệu quả bài toán giảm thiểu nợ xấu.

Tăng sức “đề kháng” cho ngân hàng

Có được những kết quả trên, trong năm năm qua, ngành Ngân hàng đã nỗ lực xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng gắn với Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Kết quả thí điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội đã minh chứng các chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu thực sự phát huy hiệu quả.

Với mục tiêu ngăn chặn rủi ro từ sớm, Nghị quyết 42 của Quốc hội đã quy định thí điểm một số chính sách về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Theo đó, chính sách cho phép tổ chức tín dụng, ngân hàng được quyền thu giữ tài sản đảm bảo; mua bán nợ xấu và tài sản đảm bảo theo giá thị trường, đồng thời quy định về quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu… Nghị quyết cũng quy định rõ về phương thức xử lý nợ xấu trong trường hợp tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất, bất động sản bị kê biên; quy định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản đảm bảo; quy định nghĩa vụ thuế, phí khi chuyển nhượng tài sản đảm bảo… Các quy định trong Nghị quyết đã giúp xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu nhanh hơn, hạn chế được các trường hợp tẩu tán, thất thoát tài sản trong quá trình xử lý nợ xấu.

Sau năm năm triển khai, Nghị quyết số 42 đã đi vào cuộc sống, giúp nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng giải quyết được bài toán khó về nợ xấu. Trao đổi với chúng tôi về nội dung này, ông Phạm Trường Giang-Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh cho biết: Nghị quyết số 42 là một phương án giải quyết nợ xấu hiệu quả. Đặc biệt, khi Nghị quyết được triển khai trên địa bàn tỉnh, ý thức người vay vốn được thay đổi rõ rệt. Khách hàng có ý thức trách nhiệm hợp tác hơn với các ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu, giảm tình trạng chây ì, cố tình không trả nợ. Nhiều khoản nợ xấu đã được khách hàng tự thu xếp trả nợ, tự xử lý nguồn nợ xấu. Bên cạnh đó, vai trò của các tổ chức liên quan như chính quyền địa phương, công an, kiểm sát, tòa án, thi hành án và các cơ quan liên quan cũng được phát huy đồng bộ, có sự chia sẻ để hỗ trợ hệ thống ngân hàng.

Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nên việc xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng đã có chuyển động tích cực và đạt được những kết quả quan trọng. Trong giai đoạn 2017-2021, toàn ngành đã xử lý được trên 2.200 tỉ đồng, trong đó thu hồi từ nguồn khách hàng trả nợ gần 790 tỉ đồng, xử lý nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán gần 580 tỉ đồng, xử lý các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC (Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam) được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt gần 770 tỉ đồng, xử lý nợ xấu bằng hình thức khác gần 74 tỉ đồng…

Có thể thấy, tác động lớn nhất của Nghị quyết số 42 là công tác thu hồi, xử lý nợ được triệt để, hiệu quả hơn, giúp hệ thống ngân hàng thu hồi được khoản nợ, tích tụ được vốn, nâng cao khả năng tài chính, tạo luân chuyển dòng tiền, có điều kiện mở rộng hoạt động tín dụng, hoạt động cho vay nền kinh tế. Tính trong sáu tháng đầu năm 2022, tín dụng cho vay nền kinh tế của toàn ngành ngân hàng đã có mức tăng khá với tổng dư nợ cho vay đạt 88.000 tỉ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, phù hợp với mức tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh, nợ xấu nằm trong tầm kiểm soát, chiếm 0,44%/tổng dư nợ toàn địa bàn.

Tháng sáu vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 63/2022/QH15 thống nhất việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 từ ngày 15/8/2022 đến hết ngày 31/12/2023. Việc tiếp tục duy trì Nghị quyết số 42 triệt để giải quyết nợ xấu thực sự là quyết sách kịp thời và đúng đắn của Quốc hội trong việc đảm bảo an toàn hệ thống, tạo động lực, tăng sức “đề kháng” cho ngành Ngân hàng, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu về chiến lược phát triển ngành Ngân hàng trong giai đoạn tiếp theo.

Phương Thảo

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/giai-bai-toan-no-xau-ngan-hang/187728.htm