Giải 'bài toán' ô nhiễm làng nghề

Góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế, thay đổi diện mạo nông thôn, tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển là hầu hết các làng nghề trên địa bàn tỉnh hiện nay đã và đang bị ô nhiễm ở cả ba dạng: Nước, rác thải và khí thải. Đó cũng là lý do để vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề đã và đang trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu được các địa phương quan tâm giải quyết triệt để.

Đặt lợi nhuận trên hết, không đầu tư xử lý môi trường

Hiện toàn tỉnh có 19 làng nghề truyền thống được công nhận và hàng chục làng có nghề tiểu thủ công nghiệp sản xuất nhiều mặt hàng đặc thù của địa phương. Sự phát triển của các làng nghề đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân. Tuy nhiên, tại các làng nghề, công tác bảo vệ môi trường còn gặp nhiều khó khăn.

Nhếch nhác, ô nhiễm vì rác thải ở làng nghề

Nhếch nhác, ô nhiễm vì rác thải ở làng nghề

Làng nghề Tề Lỗ, huyện Yên Lạc có 300 - 400 bãi "mổ" ôtô, xe cơ giới lớn nhỏ, trong đó có gia đình có tới 2-3 bãi. Từ năm 2018, xã giải phóng mặt bằng và đưa vào sử dụng 2 bãi rác thải tập trung với tổng diện tích 4.400 m2 thay thế cho bãi rác khác phải đóng cửa phục vụ cho dự án đường vành đai 3.

Tuy nhiên, việc thu gom và xử lý rác triệt để sau tận thu phế liệu ở xã Tề Lỗ vẫn là bài toán chưa có lời giải bởi các hộ làm nghề đông, phân tán, thu gom khó, giá thành xử lý đắt. Tất cả các chất thải không có khả năng tái chế này thường được người dân tìm cách đốt hủy hoặc vứt ra môi trường. Do đó, nhiều khu đất trống, kênh mương, ao, hồ... trên địa bàn ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Thị trấn Yên Lạc có 4/4 thôn được công nhận làng nghề mộc truyền thống với khoảng 2.000 hộ làm nghề mộc thường xuyên và hàng chục doanh nghiệp kinh doanh sản xuất gỗ, thu hút khoảng 5.000 lao động. Nghề mộc góp phần giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương. Tuy nhiên, môi trường ở thị trấn Yên Lạc lại khá ô nhiễm.

Theo tính toán, mỗi năm, các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại làng nghề thải ra ngoài môi trường khoảng hơn 1.500 tấn chất thải. “Ngày nắng nóng, mùi hóa chất, mùi sơn nồng nặc bốc lên từ nhà ra ngõ, từ những xưởng mộc nằm san sát nhau và từ những đống gỗ ngồn ngộn ven đường. Dù các hộ làm nghề đã xây tường ngăn hoặc sử dụng bạt che, vách ngăn, quạt thông gió, máy hút bụi để giảm bớt ô nhiễm, tuy nhiên không thể ngăn cản được hết bụi gỗ và mùi sơn vẫn lan tỏa trong không khí” - anh Nguyễn Văn Quyết, một người dân địa phương chia sẻ.

Tình trạng ô nhiễm môi trường không chỉ diễn ra tại các làng nghề ở Tề Lỗ hay thị trấn Yên Lạc mà là tình trạng chung của hầu khắp các làng nghề trong tỉnh. Thực tế cho thấy, đa số các làng nghề đều có quy mô sản xuất nhỏ, vốn đầu tư thấp nên khó có điều kiện phát triển hoặc đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường.

Các cơ sở sản xuất trực tiếp trong các làng nghề chưa đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải, không có các hạng mục, công trình bảo vệ môi trường theo quy định nên hầu hết chất thải độc hại được thải trực tiếp ra môi trường, không qua xử lý.

Bên cạnh đó, do không nhận thức được tác hại lâu dài của ô nhiễm môi trường, chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà nhiều cơ sở sản xuất còn sử dụng các nguyên liệu rẻ tiền, hóa chất độc hại nhằm hạ giá thành sản phẩm, làm chất lượng môi trường khu vực các làng nghề ngày càng xấu đi. Thực trạng trên đang là vấn đề thách thức đối với bài toán phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường trong vài thập niên trở lại đây.

Tìm giải pháp căn cơ

Những năm qua, tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp cùng chính quyền cơ sở tập trung tuyên truyền về tác hại của các loại chất thải, nước thải với môi trường; yêu cầu các địa phương, nhất là các làng nghề làm tốt công tác thu gom, xử lý nước thải, quy hoạch các cụm làng nghề... giúp người dân mở rộng sản xuất.

Di chuyển các cơ sở sản xuất vào cụm công nghiệp làng nghề với cơ sở hạ tầng hiện đại là lời giải tối ưu cho "bài toán" khắc phục ô nhiễm môi trường tại các làng nghề hiện nay

Di chuyển các cơ sở sản xuất vào cụm công nghiệp làng nghề với cơ sở hạ tầng hiện đại là lời giải tối ưu cho "bài toán" khắc phục ô nhiễm môi trường tại các làng nghề hiện nay

HĐND tỉnh ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương hỗ trợ các cơ sở sản xuất đầu tư xây dựng, lắp đặt hệ thống xử lý chất thải. Tuy nhiên, việc triển khai hỗ trợ gặp nhiều khó khăn do không nhận được sự ủng hộ của các cơ sở sản xuất, hộ gia đình ở làng nghề. Nguyên nhân là do việc đầu tư lắp đặt và vận hành hệ thống xử lý chất thải sẽ làm tăng chi phí sản xuất, tăng giá thành sản phẩm, khó cạnh tranh.

UBND tỉnh cũng chỉ đạo quy hoạch thành lập các cụm công nghiệp, làng nghề sản xuất tập trung để từng bước di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư. Thế nhưng, việc di dời các cơ sở sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh những cơ chế, chính sách nhằm phát triển làng nghề bền vững, hiệu quả bảo vệ môi trường, việc di chuyển các cơ sở sản xuất của làng nghề vào các cụm công nghiệp mới là lời giải tối ưu cho "bài toán" khắc phục ô nhiễm môi trường tại các làng nghề hiện nay.

Khi đó, không chỉ tình trạng ô nhiễm môi trường được kiểm soát, ngăn chặn mà các cơ sở cũng có điều kiện mở rộng sản xuất, đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại, tổ chức sản xuất lớn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường...

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc di dời các cơ sở sản xuất làng nghề cũng không đơn giản, nhiều địa phương gặp khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, cũng còn tình trạng một bộ phận chủ cơ sở sản xuất nhận thức chưa đầy đủ, chỉ thấy cái lợi kinh tế trước mắt mà chưa thấy tác hại lâu dài của việc sản xuất trong khu dân cư nên có tâm lý "ngại" di dời vào cụm công nghiệp...

Trao đổi với phóng viên, đa số người dân tại các địa phương có làng nghề sản xuất trên địa bàn tỉnh đều khẳng định: Việc đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề là mong ước lớn của người dân tại các địa phương nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề truyền thống.

Các cụm công nghiệp làng nghề đi vào hoạt động sẽ đáp ứng nhu cầu cấp thiết về mở rộng mặt bằng cho các doanh nghiệp, các hộ sản xuất, kinh doanh trong làng nghề, thúc đẩy công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làng nghề truyền thống trên địa bàn phát triển và giảm ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.

Thực tế trên đòi hỏi quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị. Việc xây dựng các cụm công nghiệp, di chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư phải được cấp ủy, chính quyền địa phương xác định là nhiệm vụ quan trọng, có nghị quyết lãnh đạo, kế hoạch thực hiện với những chủ trương, giải pháp, mục tiêu, lộ trình cụ thể.

Bên cạnh đó, cần hơn nữa sự ủng hộ, đồng tình của người dân địa phương, đặc biệt là các chủ cơ sở sản xuất tại các làng nghề truyền thống bởi việc di chuyển hoạt động sản xuất vào cụm công nghiệp, quan tâm bảo vệ môi trường chính là việc làm thiết thực góp phần vào phát triển bền vững, bảo vệ sức khỏe chính mình và cộng đồng.

Bài, ảnh: Thiệu Vũ

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/phong-su-ghi-chep/71775/giai-%E2%80%9Cbai-toan%E2%80%9D-o-nhiem-lang-nghe.html