Giải 'bài toán' phát triển làng nghề
PTĐT - Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, làm thế nào để tồn tại và phát triển bền vững đang là 'bài toán' đặt ra đối với các làng nghề hiện nay trên địa bàn tỉnh.
PTĐT - Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, làm thế nào để tồn tại và phát triển bền vững đang là “bài toán” đặt ra đối với các làng nghề hiện nay trên địa bàn tỉnh.
Theo số liệu của Chi cục Nông nghiệp và phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 75 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận, trong đó, nhóm làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản chiếm chủ yếu với 58%; nhóm làng nghề thủ công mỹ nghệ chiếm 26%; còn lại là nhóm làng nghề gây trồng, kinh doanh sinh vật cảnh, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng. Tổng doanh thu các làng nghề hàng năm ước đạt trên 1.300 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 21.600 người lao động, trong đó có trên 15.000 lao động thường xuyên dưới hình thức sản xuất chủ yếu là quy mô hộ gia đình với hơn 9.000 hộ… Trong những năm qua, làng nghề đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích cực, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Thực tế hiện nay, trước sức ép từ thị trường và sự cạnh tranh gắt gao của các sản phẩm cùng loại khiến không ít làng nghề vẫn phải chật vật giữ nghề, loay hoay tìm chỗ đứng. Huyện Thanh Thủy có 6 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, tập trung chủ yếu là ngành nghề thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản, sinh vật cảnh… Năm 2018, tổng doanh thu từ làng nghề, làng có nghề đạt trên 24,1 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Trọng Luyện - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, hiện một số làng nghề hình thành sản phẩm hàng hóa, xây dựng được thương hiệu, có truy xuất nguồn gốc, được kết nối thành công tới các thị trường trong và ngoài tỉnh, từng bước gắn với phát triển du lịch. Tuy nhiên, trước những sức ép từ thị trường, các làng nghề của huyện đang gặp nhiều khó khăn.
Đơn cử như làng nghề Đan lát Ba Đông, xã Hoàng Xá đang gặp khó khăn về tiếp cận thị trường và đầu ra sản phẩm. Làng nghề được UBND tỉnh công nhận từ năm 2005, sản xuất chủ yếu các mặt hàng đan lát, phục vụ sản xuất nông nghiệp, dụng cụ đánh bắt thủy sản từ các nguyên liệu tre, nứa. Trung bình mỗi năm làng nghề sản xuất trên 2,6 triệu sản phẩm các loại, tổng doanh thu bình quân đạt khoảng 2,6 tỷ đồng. Hiện chưa hình thành tổ chức sản xuất tập thể, hình thức sản xuất, kinh doanh chủ yếu vẫn là hộ cá thể. Mặt khác, các sản phẩm của làng nghề bị “thất thế” trước sự cạnh tranh của những mặt hàng chất liệu mới, có mẫu mã đa dạng. Bởi vậy, số lượng lao động của làng nghề ngày càng giảm, số lượng hộ tham gia làng nghề từ thời điểm mới được công nhận đến nay đã giảm từ gần 300 hộ xuống còn trên 40 hộ duy trì làm nghề với trên 100 lao động, thu nhập bình quân đạt khoảng 2,8 triệu đồng/người/tháng.
Trước vòng xoáy của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, không ít làng nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ dần mai một bởi thiếu đi đội ngũ kế cận. Làng nghề ủ ấm Sơn Vi tại xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao là một trong những ví dụ cụ thể. Ông Nguyễn Đình Hảo - Trưởng làng nghề thủ công mỹ nghệ và ủ ấm Sơn Vi trăn trở: Nhiều năm trước đây, làm ủ ấm vốn là nghề chính của nhiều hộ trong làng, tuy nhiên đến nay chỉ còn khoảng 7 hộ tham gia với khoảng 20 lao động thường xuyên. Người trẻ cũng không còn mặn mà với nghề cha ông mà chuyển hướng sang các ngành nghề khác có thu nhập cao hơn… Không chỉ riêng các làng nghề trên, nhiều làng nghề khác cũng đang trong tình trạng tương tự. Những khó khăn chính mà hầu hết các làng nghề đang phải đối mặt đó là: Thị trường tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, chất lượng sản phẩm, mẫu mã, kiểu dáng, bao bì chậm đổi mới, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường. Tỷ lệ làng nghề chế biến, bảo quản nông lâm, thủy sản và thủ công mỹ nghệ cao nhưng hầu hết các công đoạn đều là thủ công. Lực lượng lao động tại làng nghề mỏng, chất lượng thấp, thiếu kiến thức về KH-KT; khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ trong sản xuất còn hạn chế. Công tác xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề vẫn còn bất cập.
Nguyên nhân chủ yếu do đặc điểm quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, một số hộ làm nghề vẫn mang tính tự phát, hình thức sản xuất chủ yếu theo quy mô hộ gia đình, thiếu các hình thức tổ chức sản xuất tập thể dẫn đến sản xuất thiếu ổn định, thiếu liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Hình thức sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề vẫn chủ yếu là hộ cá thể, phần lớn chưa hình thành các hình thức tổ chức như: Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, đó cũng là nguyên nhân cơ bản khiến làng nghề vẫn manh mún, nhỏ lẻ, chưa thể phát triển mạnh, khó tiếp cận với vốn vay, công nghệ, thị trường. Tư duy đổi mới công nghệ tại các làng nghề đã dần hình thành nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ làm nghề còn chậm… Mặt khác, sự dịch chuyển ngành nghề tại địa phương cũng có những tác động nhất định đến lực lượng lao động làng nghề. Công tác đào tạo lao động làng nghề tại nhiều địa phương chưa được chú trọng. Để giải bài toán phát triển làng nghề hiện nay cần có những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trong đó việc thúc đẩy sự ra đời các hình thức tổ chức sản xuất trong làng nghề là rất cần thiết. Ông Nguyễn Thành Chung - Phó chi cục trưởng Chi cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Việc hình thành tổ chức sản xuất như hợp tác xã hay tổ hợp tác sẽ giúp các làng nghề tập trung trí tuệ của từng hộ cá thể, tận dụng được kinh nghiệm của đông đảo lao động, khơi dậy sự đoàn kết, tính chủ động, linh hoạt của tập thể, từ đó tạo ra sản phẩm số lượng lớn với chất lượng đồng đều. Qua đó tạo điều kiện giúp các làng nghề dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cũng như thuận lợi hơn trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ, quảng bá sản phẩm.
Đồng thời cần tạo “môi trường sinh thái” thuận lợi nhằm giúp các làng nghề phát triển bền vững. Để làm được điều này rất cần sự chung tay của các ngành chức năng trong việc làm tốt vai trò cầu nối, hướng dẫn, gợi mở để các chủ cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp, hợp tác xã trong làng nghề nắm bắt xu thế thị trường, từ đó tận dụng tốt nhất những lợi thế sẵn có để đi trước đón đầu, phát triển bền vững, mang lại nguồn lợi kinh tế cao gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa và môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần có những cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ làng nghề, từ đó khuyến khích, tạo động lực giúp các làng nghề phát triển.Về phía Chi cục sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh thực hiện chính sách khuyến công, tiếp tục hỗ trợ chuyển giao công nghệ, khuyến khích các hộ làm nghề mạnh dạn đầu tư trang bị máy móc, áp dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất. Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm làng nghề để mở rộng thị trường tiêu thụ…
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-de-hom-nay/202001/giai-bai-toan-phat-trien-lang-nghe-168771