Giải bài toán rác thải điện tử như thế nào khi thị trường nhà thông minh tăng trưởng nóng?

Rác thải điện tử đang là một vấn đề đau đầu trong bối cảnh thị trường nhà thông minh ngày càng tăng trưởng nhờ xu hướng cá nhân hóa và sự phát triển của công nghệ AI...

Sự phát triển của nhà thông minh mang đến cuộc sống tiện nghi nhưng đằng sau những thiết bị thông minh hiện đại lại ẩn chứa một vấn đề đáng lo ngại: rác thải điện tử

Sự phát triển của nhà thông minh mang đến cuộc sống tiện nghi nhưng đằng sau những thiết bị thông minh hiện đại lại ẩn chứa một vấn đề đáng lo ngại: rác thải điện tử

Với nhu cầu của con người và sự hiện hữu của những công nghệ ngày càng tiên tiến, đặc biệt là sự phát triển của AI tạo sinh, việc cá nhân hóa căn nhà đang trở nên hiện thực hơn bao giờ hết. Điều này tạo ra sự thúc đẩy mới trong lĩnh vực nhà thông minh.

TỪ CHUẨN HÓA ĐẾN TÁI SỬ DỤNG VÀ ĐÁNH THUẾ RÁC THẢI

Thực tế, sự phát triển của nhà thông minh mang đến cuộc sống tiện nghi nhưng đằng sau những thiết bị thông minh hiện đại lại ẩn chứa một vấn đề đáng lo ngại: rác thải điện tử. Tuổi thọ của các thiết bị điện tử ngày càng ngắn đi do công nghệ liên tục đổi mới. Khi các thiết bị cũ bị thay thế, chúng trở thành rác thải điện tử, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Các sản phẩm nhà thông minh, với số lượng lớn linh kiện điện tử và pin, càng góp phần gia tăng lượng rác thải này. Nếu không được xử lý đúng cách, rác thải điện tử sẽ thải ra các chất độc hại, gây ô nhiễm đất, nước và không khí, đe dọa sức khỏe con người và sinh vật.

Trao đổi với chương trình The Wise Talk trong chủ đề “Công nghệ nhà thông minh nâng tầm sống xanh” của TechConnect/VnEconomy, ông Nguyễn Đỗ Dũng, nhà sáng lập, Tổng giám đốc Công ty tư vấn quốc tế enCity, cho rằng đối với vấn đề rác thải điện tử của nhà thông minh, vấn đề nằm ở “chuẩn hóa”. Ông Nguyễn Đỗ Dũng đưa ra một ví dụ rất dễ hiểu về sự chuẩn hóa của dây sạc Type C.

“Khi đi công tác, tôi chỉ cần mang một dây sạc Type C là có thể dùng cho điện thoại, iPad, và laptop, thay vì phải mang ba bốn dây sạc khác nhau. Điều này không chỉ tiện lợi mà còn giảm thiểu rác thải do mỗi lần mua thiết bị mới lại có thêm dây sạc mới”, ông Nguyễn Đỗ Dũng nói và cho rằng việc thiếu chuẩn hóa trong các thiết bị điện tử thông minh tạo ra rất nhiều rác thải điện tử vì mỗi nhà sản xuất lại có tiêu chuẩn riêng cho thiết bị của mình.

“Tôi cho rằng việc hợp tác giữa các nhà sản xuất và chính quyền để chuẩn hóa là biện pháp rất quan trọng, nhằm đảm bảo tính tương thích giữa các thiết bị”, ông Dũng nói.

Ngoài ra, theo ông Dũng, một vấn đề không kém phần quan trọng chính là các cơ chế chính sách để khuyến khích việc tái sử dụng.

“Điều này không chỉ áp dụng cho người tiêu dùng mà còn cho các nhà sản xuất. Những nhà sản xuất có thể tái chế các thành phần nhựa và các thiết bị nên được hưởng giảm thuế hoặc các gói hỗ trợ khác từ Nhà nước”, chuyên gia của enCity đề xuất.

Ông Nguyễn Đỗ Dũng cho rằng chuẩn hóa là một giải pháp để giảm rác thải điện tử trong nhà thông minh

Ông Nguyễn Đỗ Dũng cho rằng chuẩn hóa là một giải pháp để giảm rác thải điện tử trong nhà thông minh

Bên cạnh đó, các nước cần thực hiện việc đánh thuế rác thải. Những cá nhân/nhà sản xuất thải ra nhiều rác thải điện tử sẽ phải trả nhiều phí hơn. “Hiện nay, chi phí xử lý rác thải và nước thải thường do xã hội phải gánh chịu và chưa được cá nhân hóa. Trong hệ thống nhà thông minh, tôi đã nghĩ đến việc kiểm soát đầu ra của rác thải. Điều này không chỉ giúp biết được lượng rác thải mà còn có thể phân tích dữ liệu về nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đây là một hướng nghiên cứu rất hữu ích và thú vị”, ông Nguyễn Đỗ Dũng nói.

GIẢI PHÁP NÀO ĐỂ VỪA TĂNG TRƯỞNG THỊ TRƯỜNG NHÀ THÔNG MINH VỪA GIẢM THIỂU RÁC THẢI ĐIỆN TỬ?

Là một công ty đã và đang trong hành trình chuyển đổi số, một trong những sản phẩm mũi nhọn của Rạng Đông là các sản phẩm nhà thông minh. Ông Nguyễn Hoàng Kiên, Giám đốc Xưởng LED điện tử & Thiết bị Chiếu sáng, Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, thừa nhận vấn đề phát thải điện tử là một thách thức lớn đối với các nhà sản xuất. Ông Kiên cho biết Rạng Đông đang hướng tới chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn xanh.

“Trong quá trình này, việc nâng cao tuổi thọ của thiết bị, tăng độ tin cậy của sản phẩm, và giảm tỉ lệ lỗi trong dây chuyền sản xuất là những biện pháp quan trọng để giảm phát thải điện tử”, ông Nguyễn Hoàng Kiên nói.

Bên cạnh đó, một khía cạnh quan trọng khác là mô đun hóa trong sử dụng. Theo đó, Rạng Đông đang tập trung vào việc chỉ thay thế những thành phần cần thiết thay vì toàn bộ hệ thống, điều này cũng góp phần giảm phát thải. Ví dụ, khi một thiết bị đến tuổi thọ nhất định, chỉ cần thay bộ điều khiển thay vì thay toàn bộ hệ thống đèn.

Ông Kiên cho biết Rạng Đông cũng đang cân nhắc tái sử dụng các thiết bị điện tử. Theo ông, một số hãng hiện nay đã bắt đầu triển khai chính sách thu hồi các thiết bị điện tử cũ để tận dụng chúng cho các mục đích khác. Đây là một hướng đi dài hạn, đòi hỏi tính toán kỹ lưỡng nhưng sẽ mang lại lợi ích lớn trong việc giảm thiểu rác thải điện tử và bảo vệ môi trường.

Theo đại diện Rạng Đông, để phát triển một ngôi nhà thông minh, cần có sự liên kết, hợp tác của nhiều đối tác và giải quyết các bài toán công nghệ, từ việc kết nối, xử lý dữ liệu trên cloud cho đến các thành phần khác. Đặc biệt, việc cá nhân hóa ngôi nhà đòi hỏi phải đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Rạng Đông đã bắt đầu triển khai các hệ thống điều khiển bằng giọng nói, cho phép người dùng giao tiếp và điều khiển các thiết bị trong nhà bằng cách ra lệnh.

Ông Nguyễn Hoàng Kiên: "Rạng Đông đang tập trung vào việc chỉ thay thế những thành phần cần thiết thay vì toàn bộ hệ thống, điều này cũng góp phần giảm phát thải".

Ông Nguyễn Hoàng Kiên: "Rạng Đông đang tập trung vào việc chỉ thay thế những thành phần cần thiết thay vì toàn bộ hệ thống, điều này cũng góp phần giảm phát thải".

Trao đổi tại chương trình The Wise Talk, ông Nguyễn Hoàng Kiên cho rằng Nhà nước cần có những nghiên cứu và đưa ra các quy chuẩn cho các thiết bị này, nhằm giúp hệ thống được chuẩn hóa và loại bỏ những sản phẩm không đạt chất lượng. Đây được xem là vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất để thị trường smarthome phát triển và giảm thiểu rác thải điện tử.

Thứ hai, công nghệ hiện nay tương đối mở và phổ biến trên thế giới, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam muốn ứng dụng sẽ phải đầu tư vào công nghệ, từ việc mua công nghệ đến chuyển đổi công nghệ sản xuất. Ví dụ, Rạng Đông phải nâng cấp các dây chuyền sản xuất để đáp ứng công nghệ nhà thông minh, đầu tư vào công nghệ và quản lý chất lượng tự động. Việc này rất phức tạp do yêu cầu về quản lý các bản mạch điện tử chi tiết.

Thứ ba, Việt Nam hiện thiếu các chuyên gia công nghệ, vì vậy cần sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước. “Các chính sách về vốn và thuế rất cần thiết để khuyến khích các công ty dấn thân vào lĩnh vực công nghệ cao. Không có sự hỗ trợ này, việc đầu tư lớn vào công nghệ sẽ gặp nhiều khó khăn khi doanh thu ban đầu chưa ổn định”, ông Kiên nói.

Về phía người tiêu dùng, các chuyên gia cho rằng khi mua sắm, trang bị hay nâng cấp nhà thông minh, điều đầu tiên người dùng cần làm là xác định nhu cầu của mình và từ đó lựa chọn giải pháp nhà thông minh phù hợp. Đặc biệt, khi trang bị một hệ thống nhà thông minh, cần đảm bảo tính đồng bộ, mở rộng và phát triển của hệ thống. Do đó, việc lựa chọn các công ty cung cấp uy tín là điều cần thiết.

“Công nghệ đi kèm với sự phiền toái và phức tạp. Người tiêu dùng cần một đối tác đáng tin cậy để hỗ trợ dài hạn. Các thiết bị thông minh tích hợp nhiều công nghệ và có thể phát sinh lỗi. Nếu không chọn đúng nhà cung cấp chất lượng và dịch vụ tốt, người dùng sẽ gặp phiền toái”, đại diện Rạng Đông cho biết.

Bảo Bình

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/giai-bai-toan-rac-thai-dien-tu-nhu-the-nao-khi-thi-truong-nha-thong-minh-tang-truong-nong.htm