Giải bài toán sạt lở ở Trung Trung Bộ trước mùa mưa lũ - Bài cuối: Nan giải bài toán phòng, chống sạt lở

Nguyên nhân sạt lở bờ sông, biển ở các tỉnh Trung Trung Bộ (từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế) đã được chỉ ra là do thiên tai và cả nhân tai. Dẫu vậy, giải quyết tình trạng hiện hữu và phòng, chống sạt lở vẫn đang là bài toán vô cùng nan giải.

Ông Trần Đức Thịnh - Phó Giám đốc phụ trách Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh; ông Trần Xuân Tiến - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Bình; ông Lê Quang Lam - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Trị và ông Phan Thanh Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Thừa Thiên Huế đã thẳng thắn “mổ xẻ”, thừa nhận thực trạng và đưa ra đề xuất giải pháp để khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, biển ở các địa phương.

PV: Theo các ông, tình trạng sạt lở ven sông, biển của địa phương đang ở mức nào, bình thường, nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng?

Ông Trần Đức Thịnh: Theo kết quả đánh giá tại thời điểm giữa năm 2021, trên địa bàn toàn tỉnh Hà Tĩnh có đến 33 vị trí sạt lở, trong đó có 5 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm; 11 vị trí sạt lở nguy hiểm, số còn lại ở mức độ bình thường.

Ông Trần Xuân Tiến.

Ông Trần Xuân Tiến.

Ông Trần Xuân Tiến: Hiện nay, tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn huyện Tuyên Hóa cũng như toàn tỉnh Quảng Bình được đánh giá ở mức nghiêm trọng, nhiều điểm đất xung yếu vẫn chưa được kiểm tra, đầu tư xây dựng nên việc sạt lở đất vào mùa mưa bão có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tính đến trước mùa bão lũ năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã có 10 sự cố đê điều xảy ra. Nguyên nhân do mưa lũ vượt tần suất thiết kế, nước tràn qua đỉnh đê gây xói lở mặt, mái đê, vỡ đê.

Ông Lê Quang Lam: Hiện nay, chúng tôi xác định được toàn tỉnh có 133,42km bờ sông, bờ biển bị sạt lở; trong đó có 26,96km sạt lở đặc biệt nguy hiểm, 72,97km sạt lở nguy hiểm, 33,49km sạt lở bình thường.

Ông Phan Thanh Hùng: Thừa Thiên Huế hiện có hơn 12,4km bờ biển (trong tổng số 127km bờ biển) bị sạt lở nặng, đe dọa đến tính mạng và tài sản của hơn 1.500 hộ dân sống trực tiếp gần bờ biển, uy hiếp đến dãi cồn cát ven biển.

Trong khi đó, tỉnh có hơn 42km bờ sông cũng đang bị sạt lở nặng, tập trung chủ yếu ở sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu... tốc độ sạt lở trung bình hàng năm từ 2-3m có nơi từ 5-7m, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng nghìn hộ dân.

Những “kịch bản” nào sẽ xảy ra vào mùa mưa bão nếu tình trạng này không được khắc phục sớm, thưa các ông?

Ông Trần Đức Thịnh.

Ông Trần Đức Thịnh.

Ông Trần Đức Thịnh: Sạt lở bờ sông, bờ biển gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của nhân dân, nhất là tại các vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm, nếu không được xử lý sẽ tác động trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của nhân dân. Điển hình như sạt lở tại bờ sông Tiêm tại xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê có khoảng 20 hộ dân sinh sống trong khu vực bị ảnh hưởng, khiến mỗi mùa mưa bão về người dân luôn sống trong cảnh thấp thỏm lo âu.

Còn sạt lở bờ sông Ngàn Sâu tại xã Đức Liên, huyện Vũ Quang có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến đường sắt Bắc Nam và tuyến đường giao thông liên xã trên địa bàn nếu không được xử lý sớm. Ngoài ra, một số vị trí khác như sạt lở bờ sông Ngàn Sâu đoạn qua xã Đức Lạng, xã Hòa Lạc huyện Đức Thọ cũng ảnh hưởng đến các hộ dân sinh sống trong khu vực và cần phải có các giải pháp xử lý cấp bách.

Ông Lê Quang Lam: Thời gian vừa qua, tình trạng sạt lở đã tác động đến cộng đồng rất lớn, gây nguy cơ thiệt hại, đe dọa đến tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước, đặc biệt ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững, ổn định đời sống dân sinh. Nếu tình trạng sạt lở không được khắc phục kịp thời, những tác động tiêu cực trên sẽ tiếp tục diễn ra.

Giải pháp căn cơ trước mắt và lâu dài để khắc phục tình trạng sạt lở ở địa phương là gì, theo các ông?

Ông Trần Đức Thịnh: Trước mắt đề nghị các địa phương xây dựng các phương án, các kịch bản ứng phó khi có tình huống thiên tai xảy ra. Tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi khu vực bị sạt lở, bố trí tái định cư theo các hình thức tái định cư xen ghép hoặc xây dựng khu tái định cư tập trung phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

Về lâu dài, cần quy hoạch sắp xếp lại dân cư, chủ động di dời các hộ dân tại khu vực có nguy cơ sạt lở, nhất là tại các khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Xây dựng hệ thống quan trắc, theo dõi, giám sát diễn biến sạt lở. Xây dựng các công trình chỉnh trang sông nhằm giữ ổn định tỷ lệ phân lưu, ổn định dòng chảy, hình thái sông, bờ sông, bờ biển tại các khu vực trọng điểm, vùng cửa sông, ven biển có diễn biến bồi, xói phức tạp. Triển khai thực hiện các dự án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng phòng hộ, nhất là rừng ngập mặn ven biển, trồng cây chắn sóng để phòng, chống sạt lở; đẩy mạnh xã hội hóa công tác đầu tư, quản lý, khai thác phù hợp gắn với trách nhiệm trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng ngập mặn ven biển.

Ông Trần xuân Tiến: Từ năm 2006 đến 2017, toàn tỉnh Quảng Bình đã đầu tư xây dựng được 9,66km đê kè, chưa củng cố nâng cấp 64,2km. Các tuyến đê trên địa bàn tỉnh nằm ở 2 bờ của hệ thống sông Gianh, sông Ròn, sông Lý Hòa, sông Nhật Lệ, sông Kiến Giang và sông Lệ Kỳ, trước đây đê thấp, nhỏ, qua quá trình phát triển được bồi trúc, tôn cao, kiên cố hóa.

Đặc biệt, những năm gần đây được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành trung ương, các tổ chức quốc tế cùng với sự nỗ lực của địa phương việc đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hệ thống đê, kè trên địa bàn tỉnh Quảng Bình được quan tâm đúng mức, các tuyến đê được nâng cấp, mở rộng, đẹp và hiện đại hơn, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ.

Ông Lê Quang Lam: Thời gian vừa qua, tỉnh Quảng Trị đã huy động nguồn lực đầu tư xây dựng được 67,33km kè chống sạt lở dọc bờ sông, bờ biển, kết hợp phục vụ nhu cầu giao thông dân sinh, cải tạo môi sinh, môi trường tại địa phương. Trồng cây chắn sóng bảo vệ bờ. Nạo vét, khơi thông dòng chảy tại một số trục tiêu thuộc các sông bị bồi lấp đảm bảo tiêu thoát lũ và phục vụ sản xuất. Xây dựng hạ tầng và tổ chức di dời dân cư tại một số khu vực sạt lở khẩn cấp...

Trước mắt, chúng tôi thường xuyên khảo sát, đánh giá để khoanh vùng các vị trí có nguy cơ sạt lở. Đồng thời, theo dõi diễn biến thời tiết để kịp thời thông tin đến người dân, chính quyền địa phương các vùng sạt lở di dời người, tài sản đến nơi an toàn mỗi khi gặp thời tiết bất lợi.

Về lâu dài, trong nhóm giải pháp công trình, tỉnh sẽ lập dự án và triển khai các giải pháp đầu tư xây dựng công trình bảo vệ bờ sông, bờ biển. Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, nhiều khu dân cư, hộ dân sống trong khu vực sạt lở đặc biệt nghiêm trọng đã được di dời đến các khu tái định cư khác sinh sống.

Ông Phan Thanh Hùng.

Ông Phan Thanh Hùng.

Ông Phan Thanh Hùng: Trước mắt, đơn vị đã cảnh báo cho chính quyền địa phương lắp dựng các biển báo cảnh báo các khu vực sạt lở nguy hiểm... Tiếp tục theo dõi tình hình diễn biến sạt lở để có biện pháp xử lý kịp thời ở những khu vực bị sạt lở nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân, ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng thiết yếu. Ngăn chặn việc khai thác cát, sỏi trái phép trên các sông và ven biển…

Về lâu dài, đầu tư xây dựng các công trình chống xói lở, tăng cường trồng rừng phòng hộ ven biển nhằm hạn chế tình trạng xâm thực, xói lở. Mặt khác, rà soát di dời các hộ dân sinh sống sát khu vực sạt lở nguy hiểm, đặc biệt trong mùa mưa lũ hàng năm đến nơi an toàn...

Vậy kiến nghị, đề xuất của địa phương là gì, thưa các ông?

Ông Trần Đức Thịnh: Hà Tĩnh là địa phương đang gặp nhiều khó khăn, để xử lý dứt điểm các vị trí sạt lở nhất là đối với các vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm; trước mắt kính đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành trung ương hỗ trợ tỉnh khoảng 250 tỷ đồng để xây dựng cấp bách các tuyến kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân theo kế hoạch thực hiện Đề án xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển của Chính phủ đã được phê duyệt.

Ông Trần Xuân Tiến: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành trung ương báo cáo Thủ tướng Chính phủ quan tâm hỗ trợ kinh phí để sửa chữa, nâng cấp các tuyến đê, kè bị sạt lở do ảnh hưởng của trận mưa lũ tháng 10/2020. Bố trí kinh phí xây dựng phương án phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, phương án phát triển hệ thống đê điều trong quy hoạch tỉnh và lập quy hoạch các vùng xói lở bờ sông và nghiên cứu đầu tư xây dựng các biện pháp công trình bảo vệ người dân.

Ông Lê Quang Lam: Qua đánh giá, chúng tôi nhận thấy tình trạng sạt lở xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó có cả khách quan và chủ quan. Do đó, chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành chức năng tiếp tục chung tay để ứng phó, khắc phục và hạn chế thiệt hại do tình trạng sạt lở gây ra.

Trân trọng cảm ơn các ông!

Nhóm PV (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giai-bai-toan-sat-lo-o-trung-trung-bo-truoc-mua-mua-lu--bai-cuoi-nan-giai-bai-toan-phong-chong-sat-lo-5694127.html