Giải 'bài toán' số giường ICU khi TP.HCM mở cửa trở lại

Các chuyên gia khuyến cáo nên cân đối số giường ICU một cách hợp lý, trong đó cần tính toán đến bệnh nhân không phải COVID-19 và tỷ lệ tiêm vaccine.

TP.HCM đang triển khai kế hoạch để mở cửa trở lại sau nhiều tháng giãn cách để phòng, chống dịch COVID-19. Một trong những vấn đề mà nhiều người quan tâm là số giường cấp cứu, hồi sức ICU sẽ được tính toán ra sao để người dân an tâm sống chung với virus SARS-CoV-2 mà không lo thiếu hụt dịch vụ chăm sóc y tế.

Số giường ICU thế nào là hợp lý?

Theo giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, Úc, phương pháp dự báo số giường bệnh viện và cả giường ICU thì không phụ thuộc vào tình trạng “bình thường mới” hay “phong tỏa”, mà tùy thuộc vào các thông tin liên quan đến dịch bệnh và năng lực của hệ thống y tế. Những thông tin dịch tễ học cần có là tỉ lệ hoặc số người bị nhiễm, tỉ lệ người bị nhiễm cần nhập viện, thời gian từ lúc bị nhiễm đến lúc nhập viện. Thông tin về năng lực y tế bao gồm số giường bệnh, thời gian (trung bình) nằm viện và thời gian nằm trong ICU.

“Với những thông tin đó, các nhà khoa học có thể dùng phương pháp mô phỏng để dự báo số giường bệnh cần thiết cho mỗi tình huống. Tuy nhiên, phải nhớ rằng tất cả các mô hình, đặc biệt là mô phỏng, thì mức độ chính xác và tin cậy tùy thuộc vào chất lượng dữ liệu, vì thế cơ sở dữ liệu đóng vai trò rất quan trọng.” – Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh.

Có một số ý kiến cho rằng TP.HCM hay các tỉnh, thành phố nếu muốn mở cửa trở lại thì số giường ICU cần đạt 5% trên tổng ca bệnh. PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa y tế công cộng, ĐH Y Dược TP.HCM nhận định điều này đúng nhưng chưa hoàn toàn phù hợp. Ông Dũng cho rằng quan trọng nhất trong chữa trị cho F0 nằm ở tầng 1 và tầng 2 (theo tháp ba tầng TP.HCM đã phân chia).

“Theo quan sát của tôi ở Trung tâm hồi sức bệnh viện Bạch Mai tại TP.HCM, cứ 10 ca bệnh nhân COVID-19 chuyển đến cấp cứu ở giường ICU thì may mắn lắm mới cứu được hai ca. Bệnh nhân lên tới đây chủ yếu là suy hô hấp nặng hoặc là suy đa tạng. Vì vậy, khả năng cứu sống là rất thấp. Điều này có thể lý giải là do trước đây tỷ lệ tiêm vaccine chưa cao trong khi chủng Delta lây lan quá nhanh. Hiện tượng quá tải ở tầng 1, tầng 2, bệnh nhân không được hỗ trợ hô hấp kịp thời, thiếu oxy kéo dài thì khi chuyển lên ICU cũng rất khó cứu sống", ông Dũng phân tích.

Nếu đặt chỉ tiêu cào bằng về số giường ICU cho các địa phương thì theo ông Dũng, có thể phát sinh hai vấn đề. Một là các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng khác nhau lại phải chấp nhận một chỉ tiêu chung về giường bệnh ICU. Hai là các địa phương có thể sẽ tập trung vào tầng 3 mà bỏ qua các tầng 1, 2; hoặc thậm chí vấn đề phát hiện sớm, điều trị sớm ngay từ khi còn ở nhà có thể sẽ bị xem nhẹ. Vì vậy, số giường ICU cần được tính toán dựa vào tỷ lệ tiêm vaccine (nhất là đối với nhóm yếu thế), và cả năng lực chữa trị của tầng 1, 2.

Thăm khám cho F0 điều trị tại nhà ở quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Thăm khám cho F0 điều trị tại nhà ở quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Cần tập trung chăm sóc F0 tại nhà và tầng thấp

Nhận định về việc chăm sóc và điều trị cho F0 khi TP.HCM hay các địa phương khác mở cửa trở lại, giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho rằng đa số F0 là nhẹ và họ có thể được chăm sóc hay điều trị ở nhà, nhưng dưới sự chăm sóc từ xa của bác sĩ hay y tá.

Ông Tuấn lấy ví dụ về mô hình ở Úc: “Mỗi bệnh nhân điều trị tại nhà có một kế hoạch riêng tùy vào bệnh đi kèm của bệnh nhân. Có người cần phải theo dõi bằng máy đo oxy (SpO2), có người chỉ điều trị triệu chứng. Mỗi gia đình được cung cấp một số thuốc để dùng khi cần thiết. Chẳng hạn như khi bị sốt thì phải có paracetamol, hay khi bị viêm thì cần có ibuprofen hay một thuốc NSAIDs, tất cả phải được sự tư vấn của bác sĩ. Dĩ nhiên, các biện pháp giãn cách và đeo khẩu trang cách vẫn phải duy trì".

“Theo tôi biết, hiện nay ở TP.HCM đã một số bác sĩ tình nguyện làm như thế và hiệu quả rất tốt. Mỗi bác sĩ phụ trách chừng 20-30 bệnh nhân. Họ tư vấn từ xa, nhưng khi cần thiết, họ trực tiếp đến thăm bệnh nhân để theo dõi và điều trị. Khi có vấn đề, ví dụ như khó thở, đau ngực, môi và mặt xanh… thì gọi bác sĩ để được hướng dẫn.” – Ông Tuấn nói.

Còn theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, nếu các địa phương tiến hành tiêm vaccine đầy đủ, đặc biệt đối với nhóm người già, có bệnh lý nền, đồng thời các F0 được phát hiện và được hướng dẫn chăm sóc y tế sớm thì sẽ không bị chuyển nặng để sử dụng giường bệnh ICU.

“Tôi cho rằng khi bình thường mới, TP và các địa phương khác phải tập trung cho việc chăm sóc y tế cho F0 tại nhà và ở tầng 1, 2. Đặc biệt chú ý đến vấn đề oxy cho các bệnh nhân có dấu hiệu suy hô hấp. Đó là điều quan trọng để cứu sống họ, là biện pháp “đánh chặn” để không phải dùng đến giường ICU. Hệ thống y tế đảm bảo chăm sóc F0 tại nhà, tầng 1, 2 càng tốt thì hiệu quả chống dịch càng cao” – ông Dũng cho biết.

ĐỖ THIỆN

Nguồn PLO: https://plo.vn/suc-khoe/giai-bai-toan-so-giuong-icu-khi-tphcm-mo-cua-tro-lai-1017359.html