Giải bài toán thiếu nhân lực chuyển đổi số ngành ngân hàng
Hiện, các ngân hàng vẫn đang thiếu lượng lớn nhân lực số phục vụ quá trình chuyển đổi số, do vậy cần xem xét đẩy mạnh hơn nữa quá trình đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số, cũng như có mức đãi ngộ phù hợp cho nhóm nhân lực chất lượng cao, đổi mới căn bản nền giáo dục, quan điểm và cách tiếp cận đối với chuyển đổi số của nhân viên…
Quyết tâm chuyển đổi số phải thống nhất từ lãnh đạo đến nhân viên
Trong quá trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng, chất lượng nguồn nhân sự là vấn đề cốt lõi quyết định thành công và sự phát triển bền vững. Theo đó, chuyển đổi số đòi hỏi các tổ chức, doanh nghiệp ngành tài chính ngân hàng tăng cường nhân sự chất lượng cao, vững chuyên môn và có kỹ năng công nghệ. Hơn thế, chuyển đổi số trong lĩnh vực này là quá trình tất yếu nhằm tạo ra các sản phẩm dịch vụ đa đạng và gia tăng lợi thế cạnh tranh của các ngân hàng.
Chia sẻ về quá trình chuyển đổi số, ông Nguyễn Khắc Trung, Trưởng ban Ngân hàng số Agribank cho biết, là một ngân hàng có 100% vốn nhà nước, thời gian qua, quá trình chuyển đổi số đã đạt được những thành tích nhất định. Trước đây, khách hàng phải đến quầy mở tài khoản, giao dịch thì hiện nay, số lượng khách hàng giao dịch số chiếm đến hơn 93%. Điều này đòi hỏi ngân hàng buộc phải thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
Tuy nhiên, là doanh nghiệp nhà nước, quá trình chuyển đối số của Agribank cũng gặp những thách thức, khó khăn. Với đặc trưng chung của các doanh nghiệp nhà nước là phụ thuộc lớn vào hành lang quy định, thông tư nên việc đầu tư các dự án chuyển đổi số mất rất nhiều thời gian. Thực tế có những giải pháp từ lúc đặt vấn đề đến khi triển khai thực hiện đã thấy lỗi thời, từ lý thuyết đến thực tế rất lâu.
Bên cạnh đó, theo ông Trung, đa số các doanh nghiệp nhà nước lớn có số lượng nhân viên đông đảo. Đơn cử như Agribank có đến gần 40.000 nhân viên với 2.300 chi nhánh trên toàn quốc. Nếu như trước đây là ưu điểm, thì nay lại là một trong những thách thức của quá trình chuyển đổi số khi cần đầu tư nhiều hơn, chi phí lớn hơn.
Về kinh nghiệm chuyển đổi số, ông Nguyễn Khắc Trung cho rằng, bên cạnh hạ tầng số, dữ liệu số, cần phát triển văn hóa số. Theo đó, quyết tâm chuyển đổi số phải thống nhất từ lãnh đạo đến nhân viên của mỗi doanh nghiệp. Trong thời gian qua, Agribank xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, sống còn của ngân hàng.
Ngoài ra, theo ông Trung, hiện các doanh nghiệp vẫn đang thiếu lượng lớn nhân lực số phục vụ quá trình chuyển đổi số, do vậy cần xem xét đẩy mạnh hơn nữa quá trình đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số cũng như có mức đãi ngộ phù hợp cho nhóm nhân lực chất lượng cao.
Môi trường làm việc là yếu tố then chốt giữ chân nhân tài
Theo đó, để nâng cao nguồn nhân lực phù hợp nhằm phục vụ công cuộc chuyển đổi số đang lớn mạnh của ngành ngân hàng, TS Phan Anh - Học viện Ngân hàng cho rằng, cần có chính sách, biện pháp phù hợp với sự biến động của môi trường hoạt động mới của ngành tài chính - ngân hàng; đổi mới căn bản nền giáo dục, quan điểm và cách tiếp cận đối với chuyển đổi số; nâng cao nhận thức của người lao động về những yêu cầu về kỹ năng, kiến thức đối với lao động trong bối cảnh mới.
Ngoài ra, các chương trình giáo dục phổ thông cần chú trọng vào trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng liên quan đến các lĩnh vực khoa học - công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) để có thể áp dụng giải quyết vấn đề trong cuộc sống hằng ngày. Các chương trình, sáng kiến đào tạo về công nghệ thông tin, công nghệ mới cần được Chính phủ triển khai, bồi đắp kỹ năng cho đội ngũ lao động hiện tại.
“Bên cạnh đó, phát triển kỹ năng cho người lao động cần được đưa ra thảo luận gắn liền với những cam kết vị trí việc làm, cải thiện tiền lương và thu nhập. Cải cách chính sách về tiền lương, thưởng, để tuyển dụng thu hút nhân tài trong khu vực, có các chương trình hỗ trợ đặc biệt để khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng, bồi dưỡng nguồn lao động trong nước”, TS Phan Anh nhận định.
Đồng thời, cần coi kỹ năng mới về công nghệ tài chính ngân hàng như một động lực then chốt để đạt được mục tiêu trong chuyển đổi số. Xác định được yêu cầu đối với các kỹ năng mới về công nghệ tài chính ngân hàng, rút ngắn khoảng cách cung - cầu thông qua sự hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trường đại học với doanh nghiệp.
Tiếp tục nâng cao vai trò của các cơ quan quản lý trong việc thúc đẩy và khuyến khích đổi mới tư duy, linh hoạt và có lợi cho việc bồi dưỡng nhân tài; khuyến khích xây dựng năng lực và kỹ năng cho nhân viên quản lý; vận động cho cộng đồng học thuật cung cấp các khóa học về chuyển đổi số lĩnh vực tài chính - ngân hàng, kỹ năng số cho người lao động ngành tài chính, có kế hoạch đào tạo, tuyển dụng phù hợp với chuyển đổi số.
Trong báo cáo gần nhất về lương và thị trường lao động mà Navigos mới phát hành, yếu tố quan trọng nhất để giữ chân người lao động là môi trường làm việc; yếu tố lương đứng thứ hai; thứ ba là văn hóa doanh nghiệp.
Môi trường và văn hóa được người lao động ngày càng coi trọng nên ban lãnh đạo và bộ phận nhân sự cần quan tâm các yếu tố này để giữ chân người lao động. Để thu hút người lao động, bên cạnh chính sách lương, thưởng hấp dẫn, môi trường làm việc và văn hóa doanh nghiệp là điểm thu hút được ứng viên. Thương hiệu nhà tuyển dụng tốt sẽ giúp nâng cao hiệu quả của việc thu hút và tuyển dụng nhân sự.
Giám đốc Nhân sự một ngân hàng quốc tế tại Việt Nam cũng cho rằng, lãnh đạo cần thường xuyên lắng nghe ý kiến của nhân viên về môi trường làm việc và chính sách phúc lợi. Điều này vừa giúp doanh nghiệp hiểu hơn nhu cầu của nhân viên, cũng như những khó khăn họ đang gặp phải trong công việc.
Nếu người lao động cần phải nâng cao năng lực bản thân để thích ứng với công nghệ mới, thời đại mới, thì nhà tuyển dụng đóng vai trò hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lao động được phát triển phù hợp và toàn diện. Đồng thời, nhà tuyển dụng cũng cần xem xét và cơ cấu lại những chính sách hỗ trợ nhân sự của mình, bao gồm xây dựng văn hóa doanh nghiệp, cải thiện môi trường làm việc, chương trình đào tạo và phát triển cho nhân viên cũng như điều chỉnh các gói lương thưởng và phúc lợi.
Chỉ như vậy, các doanh nghiệp nói chung, và ngân hàng nói riêng, mới có thể thu hút và giữ chân nhân tài trên thị trường lao động cạnh tranh khốc liệt, vì con người chính là tài sản giá trị nhất của một tổ chức.