Giải bài toán thiếu nước sạch đô thị: Quản lý chặt các chỉ tiêu quy hoạch
Trước tốc độ gia tăng dân số nhanh, nhiều lĩnh vực hạ tầng của Thủ đô Hà Nội đang chịu áp lực quá tải.
Trong đó, lĩnh vực cấp nước sạch đã và đang là vấn đề quan tâm của rất nhiều người dân khi tình trạng thiếu nguồn nước sinh hoạt hay chất lượng nước không thực sự “sạch” thường xuyên xảy ra tại một số khu đô thị (KĐT) tập trung đông dân cư. Những tồn tại, bất cập này cần sớm có định hướng giải quyết trong các quy hoạch lớn của Thủ đô đang xây dựng.
Thiếu nước sạch do quá tải dân cư
Có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan được đưa ra để lý giải như thiếu nguồn lực đầu tư cho sản xuất và cung cấp nước sạch; sự suy giảm của nguồn khai thác nước ngầm; chậm trễ trong tiến độ đầu tư xây dựng các công trình nhà máy sản xuất và hệ thống mạng lưới cấp nước sạch. Điều này đã gây ra ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt của người dân. Như tình cảnh xảy ra vào hồi tháng 10/2023 vừa qua, khi người dân KĐT Thanh Hà nhiều ngày chật vật đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt. Tình trạng này cũng từng xảy ra tại KĐT Linh Đàm năm 2017, hay KĐT Đại Thanh năm 2014.
Nhiều chuyên gia quản lý đô thị nhìn nhận, một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng trên do các chỉ tiêu về dân số cho từng khu vực đô thị trong bản quy hoạch chung đã không thực hiện được như định hướng. Theo Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội đến năm 2020 tầm nhìn 2050 đã được phê duyệt năm 2011 tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg (QHC1259), toàn TP Hà Nội đến năm 2030 dự kiến có quy mô dân số là 4,6 triệu người. Riêng khu vực nội đô lịch sử có quy mô dân số giảm từ 1,2 triệu người xuống 800.000 dân thông qua các biện pháp giảm tăng dân số cơ học. Đây cũng là cơ sở để tính toán các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ đến năm 2030 cho TP Hà Nội trong đó có hạ tầng cấp nước sạch.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện QHC 1259, theo số liệu thống kê đến năm 2019, tổng dân số TP Hà Nội đã là 8,1 triệu người, riêng khu vực nội đô là khoảng xấp xỉ 1,4 triệu người. Tính đến thời điểm đầu năm 2023, quy mô dân số toàn đô thị ước tính đạt 8,5 triệu người, trong đó khu vực nội đô ước tính khoảng xấp xỉ 1,5 triệu người.
Nhiều chuyên gia đánh giá, quy mô dân số Hà Nội hiện đã phá vỡ kỷ lục khi vượt xa gần gấp đôi số liệu hoạch định trong đồ án quy hoạch chung, sớm chạm mức phát triển quy mô dân số đô thị của 20 - 30 năm tới. Dân số tăng nhanh kéo theo các hệ quả quá tải hạ tầng đô thị không thể tránh khỏi như kẹt xe, thiếu trường học, đặc biệt là thiếu nước sinh hoạt tại các khu vực tập trung đông dân cư như đã xảy ra trong thời gian qua.
Theo thạc sĩ, KTS Phạm Hoàng Phương - Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng), tùy theo các điều kiện hiện có về không gian, tài nguyên thiên nhiên và xã hội, mỗi đô thị chỉ có thể dung nạp một số lượng dân cư hợp lý, đã cơ bản được tính toán khoa học, cụ thể trong các đồ án quy hoạch. Việc quản lý phát triển quá mức so với các chỉ tiêu tính toán trong quy hoạch sẽ là nguy cơ để đô thị phát triển thiếu bền vững và chuyện quá tải hạ tầng sẽ chỉ là điều sớm muộn sẽ xảy ra.
Kinh nghiệm từ quốc tế
Hà Nội đang tiến hành lập điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065 với những định hướng mới về phát triển không gian và hạ tầng kỹ thuật đô thị. Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Nguyễn Đức Hùng cho biết, để giảm áp lực cho hệ thống hạ tầng, trong đó có hạ tầng cấp nước sạch sinh hoạt, quy hoạch điều chỉnh lần này sẽ định hình lại các chỉ tiêu về dân số, mật độ cư trú và phân bổ dân số giữa các khu vực.
Đồng thời sẽ mở rộng diện bao phủ cấp nước, gia tăng tổng công suất nguồn phù hợp với định hướng phát triển không gian, dự báo dân số. Xây dựng bổ sung nhà máy nước quy mô lớn tại phía Nam Hà Nội. Điều chỉnh, bổ sung các tuyến ống truyền dẫn phù hợp với kế hoạch phát triển mạng lưới cấp nước truyền dẫn theo giai đoạn phát triển. Đặc biệt trong định hướng lần này sẽ phân 5 vùng tính toán cấp nước nhằm cân bằng nguồn nước trong từng vùng đảm bảo an toàn cấp nước cho TP.
Để tạo nên những đô thị bền vững, có chất lượng tiện nghi sống cao, việc thiếu nước sạch cục bộ sẽ không còn tái diễn, bên cạnh việc đưa ra những định hướng quy hoạch khả thi, sát thực tiễn thì việc quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch cũng quan trọng không kém. KTS Phạm Hoàng Phương cho hay, kinh nghiệm tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, đặc biệt là Singapore - một quốc gia có diện tích khiêm tốn với nguồn tài nguyên nước rất hạn chế nhưng đi đầu trong phát triển đô thị bền vững, việc đảm bảo nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất được thực hiện theo công tác quy hoạch đô thị một cách đồng bộ, khoa học, chặt chẽ.
Trong đó, ngay từ bản quy hoạch đô thị của Singapore năm 2008 không chỉ hoạch định các định hướng phát triển đô thị bền vững mà còn tính toán một quy mô dân số hợp lý trên cơ sở tính đúng, tính đủ khả năng dung nạp cho phép của đô thị về không gian, hạ tầng, tài nguyên thiên nhiên (đặc biệt bao gồm khả năng cung cấp tài nguyên nước cho đô thị).
Từ các quy hoạch về không gian, quy hoạch chuyên ngành bao gồm quy hoạch hệ thống cấp nước sạch cũng được nghiên cứu triển khai đồng bộ. Sau khi đồ án quy hoạch được duyệt, các kế hoạch triển khai quản lý phát triển đô thị gồm quản lý, nâng cấp, vận hành hệ thống cung cấp nước sạch sinh hoạt được thực hiện thống nhất từ các bộ, ngành đến chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư.
Trong công tác quản lý cấp phép xây dựng, các chỉ tiêu quy hoạch của từng ô phố được công bố rộng rãi trên nền tảng số cho phép DN và người dân có thể dễ dàng truy cập tiếp cận để thiết kế quy mô công trình phù hợp với không gian, hạ tầng đô thị, hạn chế tiêu cực trong quá trình cấp phép, triển khai dự án. Cơ quan quản lý, người dân và cộng đồng có thể truy cập thông tin và tham gia giám sát, phản ảnh các tiêu cực ngay khi xuất hiện sai phạm, nguy cơ làm phá vỡ không gian đô thị và quá tải về hạ tầng.
Theo KTS Phạm Hoàng Phương, những bài học cụ thể như trên về công tác quy hoạch đô thị có thể là kinh nghiệm rất tốt cho công tác quản lý phát triển đô thị, đảm bảo sự phát triển bền vững, an sinh xã hội, bao gồm cả việc cũng cấp đủ nước sạch hợp vệ sinh cho mọi người dân đô thị và nâng cao chất lượng cuộc sống cho TP Hà Nội.
Trong lập điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065, bên cạnh phân tích thực trạng và nêu ra các định hướng, quy hoạch cần đề xuất mô hình quản lý hệ thống cấp nước toàn TP. Từ đó thành lập một đơn vị quản lý chung, tổng thể, có trách nhiệm cân đối giữa các vùng, lưu vực cấp nước, bổ sung kịp thời cho những khu vực còn thiếu, tránh tình trạng cát cứ việc cung cấp nước sạch của các nhà máy nước hiện nay.
Nguyên Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng),
TS Trần Anh Tuấn