Giải bài toán tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Doanh nghiệp nhỏ và vừa có rất ít lựa chọn ngoài nguồn vốn từ ngân hàng thương mại, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn này. Dù vậy, vẫn có cách để cầu gặp cung...

Quang cảnh Hội thảo “Vốn ngân hàng góp phần thúc đẩy kinh tế tư nhân” tổ chức tại Hà Nội ngày 21-3-2025.

Quang cảnh Hội thảo “Vốn ngân hàng góp phần thúc đẩy kinh tế tư nhân” tổ chức tại Hà Nội ngày 21-3-2025.

Vì sao doanh nghiệp nhỏ và vừa cần vốn ngân hàng?

Hội thảo “Vốn ngân hàng góp phần thúc đẩy kinh tế tư nhân” vừa được tổ chức tại Hà Nội đã góp phần làm rõ hiện trạng tiếp cận tín dụng của khối kinh tế tư nhân nói chung và nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) nói riêng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khu vực kinh tế tư nhân trong nước hiện đóng góp xấp xỉ 50% GDP, trong đó, bộ phận doanh nghiệp đăng ký chính thức (doanh nghiệp quy mô lớn chỉ chiếm 1,5%, doanh nghiệp quy mô vừa chiếm 1,5%, còn lại là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ) đóng góp hơn 10% GDP; bộ phận hộ kinh doanh cá thể, hộ sản xuất nông nghiệp, trang trại, các cơ sở kinh tế, cá nhân kinh doanh khác đóng góp khoảng 40% GDP.

Về dư nợ tín dụng, số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối năm 2024, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp tư nhân đạt khoảng 6,91 triệu tỉ đồng, tăng 14,72% so với năm 2023, chiếm khoảng 44% dư nợ tín dụng nền kinh tế. Trong đó, dư nợ tín dụng với SME đạt 2,74 triệu tỉ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2023, chiếm 17,6% dư nợ nền kinh tế, có 208.992 SME còn dư nợ.

Từ những thông tin nêu trên, có thể phác họa vài nét về bức tranh tín dụng cho khối kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân và SME. Đầu tiên, doanh nghiệp tư nhân tiếp cận hơn 40% dư nợ tín dụng; khu vực phi chính thức với mức đóng góp khoảng 40% GDP (so với khu vực chính thức với mức đóng góp cho GDP chỉ hơn 10%) lại không dễ tiếp cận nguồn tín dụng từ các ngân hàng thương mại (do tính phi chính thức của họ).

Thứ hai, SME chiếm trên 98% trong tổng số 940.000 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động (khoảng 920.000 doanh nghiệp) nhưng chỉ sử dụng khoảng 40% tín dụng của khối doanh nghiệp tư nhân. Trong nhóm SME, chỉ có khoảng 22,7% doanh nghiệp đang còn dư nợ, nghĩa là gần 78% còn lại đang không phát sinh quan hệ tín dụng theo quan hệ ngân hàng - doanh nghiệp.

Lời giải cho bài toán nguồn vốn không chỉ đến từ phía ngân hàng thương mại, với trọng tâm là ứng dụng công nghệ tài chính, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm giảm chi phí vận hành để giảm lãi suất cho vay, đồng thời, tăng tính chính xác trong quyết định tín dụng và rút ngắn thời gian duyệt vay; hay các chính sách hỗ trợ từ các cấp quản lý; mà còn đến từ bản thân SME với việc tự nâng cao năng lực quản trị, tài chính và năng lực xây dựng kế hoạch kinh doanh và phương án sử dụng vốn hiệu quả...

Điều đáng nói, khi các mô hình tài chính thay thế khác để mở rộng kênh huy động vốn như thuê tài chính (doanh nghiệp có thể thuê thiết bị máy mọc, thay vì mua), crowdfunding - gọi vốn cộng đồng (doanh nghiệp huy động vốn từ cộng đồng thông qua các nền tảng công nghệ), P2P lending - cho vay ngang hàng (doanh nghiệp kết nối trực tiếp và gọi vốn từ nhà đầu tư) chưa có khung pháp lý hoàn thiện hoặc chưa phát triển, còn tín dụng chuỗi cung ứng (doanh nghiệp có thể vay dựa trên hợp đồng đầu vào, đầu ra, không cần tài sản thế chấp) dù đã được thí điểm nhưng tỷ lệ thành công rất thấp, tín dụng ngân hàng vẫn đang là “cứu cánh” cho SME.

Trong khi đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 và mức tăng trưởng hai con số trong những năm sau như kỳ vọng, nói như TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương, tăng trưởng của khu vực SME cũng phải ở mức tương tự. Lời giải cho bài toán nguồn vốn không chỉ đến từ phía ngân hàng thương mại, với trọng tâm là ứng dụng công nghệ tài chính, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm giảm chi phí vận hành để giảm lãi suất cho vay, đồng thời, tăng tính chính xác trong quyết định tín dụng và rút ngắn thời gian duyệt vay; hay các chính sách hỗ trợ từ các cấp quản lý; mà còn đến từ bản thân SME với việc tự nâng cao năng lực quản trị, tài chính và năng lực xây dựng kế hoạch kinh doanh và phương án sử dụng vốn hiệu quả...

“Hãy đến với chúng tôi”

Đây là thông điệp được ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội SME Việt Nam, nhắc tới không chỉ một lần tại cuộc hội thảo này. Theo vị chuyên gia, ngân hàng thương mại phải quan tâm tới chi phí, lợi nhuận, khả năng thu hồi vốn. Nếu muốn tiếp cận vốn ngân hàng, SME phải chứng minh được họ có khả năng phát triển, khả năng trả nợ để phía ngân hàng yên tâm cho vay.

Thứ nhất, SME phải tập trung vào hồ sơ, xây dựng được một kế hoạch kinh doanh, quản trị hợp lý, hiệu quả. Sau đó, hoặc doanh nghiệp có thể tự mang hồ sơ tới ngân hàng, hoặc doanh nghiệp có thể mang hồ sơ tới Hiệp hội SME để hiệp hội đại diện, giới thiệu với các ngân hàng thương mại hợp tác với hiệp hội và có các chương trình cho vay phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp. Làm được vậy, khả năng hồ sơ vay được duyệt sẽ cao hơn.

Thứ hai, hiệp hội sẽ cố gắng làm việc với các doanh nghiệp lớn, giới thiệu các SME tham gia vào chỗi cung ứng của họ. Khi tham gia được vào các chuỗi liên kết này, một mặt, SME sẽ có đơn hàng đều đặn, liên tục và lâu dài, tạo ra không gian và thời gian để doanh nghiệp trưởng thành về mặt quy mô và năng lực quản trị, từ doanh nghiệp siêu nhỏ trở thành doanh nghiệp nhỏ, từ doanh nghiệp nhỏ phát triển lên doanh nghiệp vừa...

Tham gia thảo luận, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho biết tại Mỹ, chính phủ nước này thành lập Cục Phát triển doanh nghiệp nhỏ, và một trong những chương trình được Cục Phát triển doanh nghiệp nhỏ triển khai là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ tiếp cận vốn.

Cụ thể, Cục Phát triển doanh nghiệp nhỏ của Mỹ đứng ra bảo đảm cho các khoản vay của doanh nghiệp, để họ có nguồn vốn mua tài sản cố định và hoạt động, kết nối bên cho vay với doanh nghiệp có nhu cầu, kèm dịch vụ tư vấn giúp doanh nghiệp nhỏ khởi nghiệp, vận hành hiệu quả.

Bên cạnh đó, cơ quan này còn tổ chức đào tạo năng lực quản trị, kế toán, marketing cho doanh nghiệp, chủ yếu theo hình thức trực tuyến, huy động đội ngũ chuyên gia đã về hưu trong các lĩnh vực tham gia đứng lớp, giảng dạy. Chủ doanh nghiệp tham gia các khóa học miễn phí như vậy sẽ có thể điều hành doanh nghiệp tốt hơn, có thể nghĩ ra các ý tưởng kinh doanh mới và hoàn thiện nó đáp ứng các tiêu chuẩn của ngân hàng thương mại, từ đó, sẽ thuận lợi hơn trong tiếp cận nguồn tín dụng vay.

Trước những biến động khó lường của thương mại toàn cầu cùng sức ép cạnh tranh gay gắt trong một thế giới phẳng, doanh nghiệp Việt muốn đi xa thì nên đi cùng nhau. Mối liên kết giữa doanh nghiệp lớn với SME, giữa SME với nhau cần phải được hình thành và củng cố trên cơ sở các bên cùng có lợi, và trên nền tảng này, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước, các cơ chế hợp tác giữa ngân hàng thương mại với các hiệp hội, hội nghề nghiệp mới có thể phát huy được hiệu quả tốt nhất, để kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng của toàn nền kinh tế.

Khánh Nguyên

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/giai-bai-toan-tin-dung-cho-doanh-nghiep-nho-va-vua/