Giải bài toán ùn tắc nông sản: Thay đổi từ tư duy xuất khẩu

Dù biết rõ việc xuất khẩu qua đường tiểu ngạch tiềm ẩn nhiều rủi ro, song trên thực tế, các doanh nghiệp, thương lái vẫn không muốn thay đổi thói quen. Giới chuyên gia kinh tế khuyến cáo, nếu không thay đổi, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sẽ chịu nhiều thiệt thòi, nông sản cũng bị giảm về giá trị.

Một điểm bán “giải cứu nông sản” miền Nam tại Hà Nội. Ảnh: Đức Quang.

Một điểm bán “giải cứu nông sản” miền Nam tại Hà Nội. Ảnh: Đức Quang.

Hàng trăm xe hàng “nằm dài” tại cửa khẩu

Những ngày giáp Tết Nhâm Dần, lượng xe hàng nông sản bị tồn đọng tại các cửa khẩu phía Bắc vẫn lớn. Tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), cơ quan quản lý cửa khẩu đã phải có lệnh dừng thông quan từ ngày 28/12/2021 nhưng đến nay lượng xe ùn tắc tại cửa khẩu vẫn rất lớn, con số cập nhật mới nhất vẫn là hơn 370 xe hàng đang nằm chờ tại đây.

Việc ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu, trong khi nông sản thu hoạch xong không được chế biến mà đưa lên cửa khẩu đợi xuất khẩu luôn nên nguy cơ hỏng, phải đổ bỏ là rất lớn.

Theo Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn, tại cửa khẩu phụ Tân Thanh, trong thời gian từ ngày 17/1 đến ngày 18/1, đã có 69 xe nông sản quay đầu về nội địa. Tương tự, tại cửa khẩu Hữu Nghị, tổng số phương tiện quay đầu từ 17/1 đến 18/1 là 38 xe, chủ yếu là hoa quả.

“Như vậy tính đến 18/1, tổng số xe chờ xuất khẩu tại khu vực cửa khẩu này là 684 xe”, Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn đưa ra con số.

Trước tình hình đó, Bộ Công thương đã phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương, nhất là các tỉnh biên giới thực hiện nhiều giải pháp để gỡ khó và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu nông sản, trái cây. Bộ Công thương cũng khuyến cáo các doanh nghiệp (DN) cần đẩy mạnh xuất khẩu theo đường chính ngạch để giảm thiểu những rủi ro mà xuất khẩu tiểu ngạch có thể gây ra.

Song, không ít ý kiến của giới chuyên gia đặt vấn đề về việc, chúng ta cần chuyển hướng xuất khẩu bằng đường biển sang Trung Quốc thay vì đường bộ thì những bất cập trong xuất khẩu hàng hóa diễn ra thời gian qua sẽ được hóa giải.

Thanh long là một trong những mặt hàng thường xuyên phải chịu cảnh ùn ứ tại cửa khẩu, do sản lượng cung ứng quá lớn. Dịp này, lượng xe chở thanh long ùn ùn kéo về cửa khẩu khiến cho mặt hàng này luôn trong tình trạng quá tải. Nhiều xe hàng thanh long phải quay đầu trở về nội địa mong giải cứu.

Đề cập đến câu chuyện xuất khẩu thanh long, ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit cho biết, phía Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo Việt Nam về việc, chúng ta nên xuất khẩu thanh long theo đường chính ngạch. Vì thế các DN cần giải quyết vấn đề thiếu vỏ container để chuyển qua hình thức xuất khẩu qua đường biển.

Ông Huy nêu vấn đề: Hiện nay việc xuất khẩu trái cây sang các thị trường “khó tính” như Nhật Bản hay Hàn Quốc đều có quy định rất nghiêm ngặt về vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Dù hiện tại Trung Quốc vẫn chưa có những quy định này nhưng các DN của chúng ta cần phải lưu ý các vấn đề này, để đến khi Trung Quốc đưa ra yêu cầu vẫn có thể đáp ứng được.

“Việt Nam xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc với số lượng rất lớn, nên người dân và DN cần đáp ứng được yêu cầu phía Trung Quốc đặt ra chứ không thể yêu cầu ngược lại phía Trung Quốc”, ông Huy nhận định.

Không thể cứ phụ thuộc vào đường bộ

Nhận thấy những khó khăn trong xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc hiện nay, chuyên gia nông nghiệp Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NNPTNT) cho rằng, trước đây việc ùn tắc thường chỉ xảy ra với thanh long, dưa hấu hoặc chuối, nhưng hiện nay tất cả các mặt hàng đều gặp khó khăn khi xuất khẩu tại khu vực biên giới.

Theo ông Sơn, thị trường Trung Quốc đã thực sự thay đổi, không còn là thị trường “dễ tính” như trước. Điều này đặt ra yêu cầu đối với các sản phẩm nông sản của chúng ta trong việc nâng chất lượng sản phẩm, từ đó mới có thể nâng giá trị.

Đặc biệt, vị chuyên gia nêu câu chuyện xuất khẩu bằng đường biển. Theo ông Sơn, đã đến lúc chúng ta cần đi thẳng vào thị trường nội địa của Trung Quốc bằng đường hàng không, đường biển chứ không chỉ đi qua đường bộ như hiện nay.

Chỉ rõ vận tải đường bộ vẫn được coi là phương thức vận tải linh hoạt, cơ động nhất, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nêu quan điểm, đây là phương thức được nhiều DN lựa chọn vì hàng nông sản từ nhà vườn có thể chạy thẳng một mạch ra đến biên giới sau 2-3 ngày, không phải chuyển tải, sang mạn.

Cùng với đó, xe tải cũng phù hợp với khối lượng nhỏ, mỗi xe vào khoảng 20 tấn, phù hợp với quy mô và nhu cầu của các chủ vựa, nhà vườn.

Tuy nhiên, theo ông Hải, nhược điểm của xuất khẩu qua đường bộ là năng lực giới hạn, dễ bị ùn tắc. Hơn nữa, việc xuất khẩu đường bộ qua cửa khẩu phụ lại càng rủi ro hơn vì đây chỉ là hình thức thương mại do chính quyền địa phương bên kia biên giới quản lý, không phải do Trung ương quản lý như cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính nên chính sách có thể thay đổi bất thường.

Ủng hộ việc xuất khẩu nông sản bằng đường biển, song, ông Hải cũng nhấn mạnh rằng, phương thức này phụ thuộc rất lớn vào số lượng container lạnh của mỗi hãng tàu. Trong khi các hãng tàu Việt Nam không sở hữu vỏ container nên các chủ hàng sẽ phải đi thuê vỏ container.

Cùng với đó, nếu muốn đưa container lạnh về phục vụ chủ hàng Việt Nam, các hãng tàu phải chuyên chở container lạnh rỗng từ nước ngoài, từ đó mới phát sinh loại phí mất cân bằng container.

“Mặc dù vậy, phương thức vận chuyển nông sản xuất khẩu bằng đường biển thật sự có nhiều tiềm năng, khi Việt Nam và Trung Quốc đều nằm trên tuyến hàng hải bận rộn nhất thế giới, khoảng cách địa lý giữa các cảng lại khá gần trong khi nhu cầu trao đổi hàng hóa giữa hai nước liên tục tăng, nên đây là một cơ hội thuận lợi cho các hãng tàu nhỏ của Việt Nam có thể tham gia khai thác và phát triển đội tàu trong thời gian tới”, ông Hải nêu quan điểm.

Giới chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, xuất khẩu tiểu ngạch tiềm ẩn nhiều rủi ro, và thực tế nhiều năm qua đã chứng minh, cả DN và người nông dân đều gặp phải nhiều rào cản xuất khẩu theo hình thức này. Chính bởi vậy, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch và chú trọng hướng đến xuất hàng bằng đường biển sẽ là giải pháp hữu hiệu cho bài toán tiêu thụ nông sản.

Tuy nhiên, điều cần thay đổi lớn nhất không phải là phương thức xuất khẩu thế nào, mà chính là tư duy của DN, nhà sản xuất, làm sao để thay đổi một thói quen “gắn chặt” hàng chục năm qua. Đây là vấn đề rất cần phải lưu tâm.

Đưa ra giải pháp cho câu chuyện này, ông Hải nhấn mạnh, thương lái, chủ vựa, nhà vườn cần nghĩ ngay đến việc tuyển dụng nhân viên kinh doanh chuyên nghiệp, có hiểu biết về thương mại quốc tế, nắm vững các kỹ năng tiếp thị, xúc tiến thương mại để có thể tìm kiếm những khách hàng mới nằm sâu trong lục địa thay vì chỉ là những thương nhân khu vực biên giới.

Nếu DN đã có quyết tâm thay đổi cùng với sự hỗ trợ của chính quyền, hiệp hội thì việc chuyển đổi cho xuất khẩu bền vững sẽ không còn quá khó.

DUY KHANG

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giai-bai-toan-un-tac-nong-san-thay-doi-tu-tu-duy-xuat-khau-5678517.html