Giải bài toán về nhân sự ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại các cơ quan báo chí

Trong kỷ nguyên số hóa, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) dần trở thành một yếu tố có sức ảnh hưởng tới ngành báo chí truyền thông. Ứng dụng AI, người làm báo sẽ được gợi ý nội dung, chủ đề, tìm kiếm thông tin, dữ liệu, hỗ trợ cải thiện tốc độ làm việc... Tuy nhiên để người làm báo sử dụng AI một cách bài bản và hiệu quả, công tác đào tạo cần phải đặt lên trước nhất.

Nhân sự quyết định được hiệu quả ứng dụng công nghệ mới

Trong bối cảnh báo chí hiện đại, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng của các bài báo. Thay vì thay thế nhà báo, AI hoạt động như một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ, giúp cung cấp thông tin, phân tích dữ liệu và gợi ý những cách tiếp cận sáng tạo dựa trên nguồn dữ liệu phong phú.

 Báo điện tử VietnamPlus cũng tăng cường trải nghiệm cho độc giả bằng những loại hình thông tin mới mẻ như WebStory, ShortVideos… Ảnh chụp màn hình

Báo điện tử VietnamPlus cũng tăng cường trải nghiệm cho độc giả bằng những loại hình thông tin mới mẻ như WebStory, ShortVideos… Ảnh chụp màn hình

Với sự hỗ trợ này, các nhà báo tiết kiệm được thời gian và có thể tập trung hơn vào các khía cạnh sáng tạo, tư duy phản biện, từ đó tạo ra những bài báo chất lượng cao và hấp dẫn hơn. AI không chỉ giúp cải thiện chất lượng bài báo mà còn tối ưu hóa quá trình sản xuất và phân phối nội dung.

Chia sẻ về vấn đề ứng dụng công nghệ AI vào hoạt động ở tòa soạn, nhà báo Trần Ngọc Long - Phó phòng phóng viên báo điện tử VietnamPlus cho biết: Chúng tôi luôn rất hào hứng, phấn khích khi được trải nghiệm từng công cụ trong từng ứng dụng công nghệ để áp dụng cho các phóng viên biên tập viên. Đối với chúng tôi vấn đề ứng dụng AI và chuyển đổi số nói chung quan trọng nhất vẫn là vấn đề nhân sự. Nhân sự sẽ quyết định được hiệu quả về chuyển đổi số hiện nay.

“Thường nằm trong tay các bạn trẻ, thế hệ Gen Z, các bạn ý được đào tạo tại trường đại học và nắm bắt các trend, nắm bắt thành thục các ứng dụng, các công cụ AI và công nghệ trong báo chí truyền thông, từ đó tạo ra sản phẩm báo chí đa nền tảng. Tuy nhiên sử dụng các bạn Gen Z cũng là thách thức cho các tòa soạn vì đa số các bạn trẻ vẫn còn thiếu một số kiến thức nền, sai sót nhỏ, nên dù có sử dụng AI gì đi nữa thì bộ phận quản lý tòa soạn vẫn phải dành thời gian xem xét và duyệt sau cùng”, nhà báo Trần Ngọc Long chia sẻ.

Hiện nay ở một số quốc gia có công nghệ thông tin phát triển, họ đã sử dụng AI vào hoạt động truyền thông quảng cáo, tạo ra những clip quảng cáo có chất lượng, thu hút sự quan tâm của công chúng với chi phí rẻ nhất. Họ sử dụng AI tạo ra các clip với nhân vật ảo là những diễn viên nổi tiếng, tham gia diễn xuất với chất lượng hình ảnh và âm thanh giống như thật. Điều này cho thấy hiệu quả mà AI mang lại và rõ ràng nhiều cơ quan, đơn vị cần những người biết về AI và sử dụng thành thạo AI.

 Nhà báo Trần Ngọc Long - Phó phòng phóng viên báo điện tử VietnamPlus chia sẻ về nhân sự làm việc về công nghệ trong tòa soạn. Ảnh: Sơn Hải

Nhà báo Trần Ngọc Long - Phó phòng phóng viên báo điện tử VietnamPlus chia sẻ về nhân sự làm việc về công nghệ trong tòa soạn. Ảnh: Sơn Hải

Thực tế ở các nước phát triển đòi hỏi ngay từ bây giờ, công tác đào tạo AI vào hoạt động báo chí truyền thông ở trong nước cần có những bước đi khẩn trương và phù hợp với xu thế. Các cơ sở chuyên đào tạo về truyền thông, quảng cáo, PR sẽ có những chương trình đào tạo gì? Vẫn đào tạo theo các chương trình như trước hay đào tạo ra các học viên sử dụng thuần thục các công cụ AI, tạo ra các sản phẩm truyền thông chất lượng chỉ bằng một cái bấm nút.

Nâng cao năng lực cho nhà báo

Hiện nay ở trong nước, các cơ sở đào tạo báo chí đã và đang cập nhật những môn học gắn liền với các xu hướng báo chí mới như: Báo chí dữ liệu, truyền thông hội tụ và truyền thông đa phương tiện, truyền thông xã hội và MXH, báo chí trên di động, thiết kế đồ họa... Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đơn vị luôn cố gắng đào tạo người làm báo hướng đến năng lực toàn diện, đa nhiệm, phải làm chủ được công nghệ, nắm bắt những cái mới.

Nhà trường định hướng tập trung cải tiến nội dung chương trình đào tạo, cập nhật các môn học mới, hiện đại, đáp ứng nhu cầu thay đổi của thực tiễn. Trường đã triển khai một số nội dung rất mới như: báo chí dữ liệu, báo chí di động, ứng dụng AI trong hoạt động báo chí, thiết kế đồ họa, quản lý MXH, quản lý tòa soạn hội tụ, truyền thông xã hội…cố gắng tận dụng AI để học viên nhanh chóng hiểu nắm bắt và phát triển vào trong hoạt động báo chí truyền thông sau này.

Tuy nhiên, đồng hành với những tiện ích mà AI mang lại, bên cạnh đó còn là mặt trái của AI, đó là sự xuất hiện của tin giả do AI tạo ra. Đó là một sản phẩm của sự kết hợp giữa AI và thông tin sai lệch, đã đặt ra những thách thức chưa từng có đối với ngành báo chí và xã hội nói chung.

Nhà báo Lương Đông Sơn - Giảng viên Viện Báo chí – Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: Trong kỷ nguyên AI, tin giả đã trở thành một thách thức đáng kể đối với các cơ quan truyền thông, chính phủ và cả xã hội. Để đối phó với loại tin giả này, việc áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại là vô cùng cần thiết. Các giải pháp này không chỉ tập trung vào việc phát hiện và loại bỏ tin giả mà còn ngăn chặn chúng ngay từ giai đoạn đầu sản xuất.

 Sinh viên thực hành tại phòng máy của nhà trường. Ảnh: AJC

Sinh viên thực hành tại phòng máy của nhà trường. Ảnh: AJC

Nhà báo Lương Đông Sơn nhấn mạnh: Thực trạng này cho thấy việc đào tạo và nâng cao năng lực cho nhà báo là một giải pháp thiết yếu. Các cơ quan báo chí cần thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về phát hiện và xử lý tin giả, đặc biệt là tin giả siêu thực được tạo ra bởi AI.

“Nhà báo cần được trang bị các kỹ năng cần thiết để nhận diện các dấu hiệu của tin giả, bao gồm việc sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu, công cụ phát hiện deepfake và các phương pháp kiểm tra tính xác thực của nguồn tin. Hơn nữa, họ cũng cần hiểu rõ về các xu hướng mới nhất trong việc sản xuất tin giả, từ đó phát triển những phương pháp phòng ngừa hiệu quả” nhà báo Lương Đông Sơn thông tin thêm.

Có thể khẳng định, thời đại của AI đã bắt đầu, nhất là khi công nghệ này đang được phổ biến và ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Việc không thể phủ nhận lợi ích từ AI này đòi hỏi trong các trường học đào tạo báo chí truyền thông cũng quan tâm đến việc đưa vào công tác giảng dạy một cách chính quy. Từ việc biết về AI sẽ không sợ hãi, không bị lệ thuộc, không ỉ lại những thông tin từ AI và quan trọng nhất là làm chủ được công nghệ AI.

Lê Tâm

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/giai-bai-toan-ve-nhan-su-ung-dung-tri-tue-nhan-tao-tai-cac-co-quan-bao-chi-post309128.html