Giải bài toán visa du lịch thêm sức bật để phục hồi
Từng đối mặt với khó khăn chồng chất và rơi vào tình trạng gần như kiệt quệ hoàn toàn trong giai đoạn dịch bệnh, ngành du lịch năm nay lại trở thành động lực quan trọng góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế trong bối cảnh xuất nhập khẩu sụt giảm.
Từng bị “thiêu rụi” gần như hoàn toàn khi đại dịch COVID-19 nổ ra, ngành du lịch giờ đây mới thực sự hồi phục lại sau ba năm chiến đấu với dịch bệnh. Du lịch trở lại đúng thời điểm nền kinh tế gặp nhiều khó khăn hậu COVID-19, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, yếu tố thách thức nhiều hơn thuận lợi khiến xuất nhập khẩu của Việt Nam sụt giảm, đầu tư FDI cũng giảm sâu,... gây suy giảm tăng trưởng GDP của cả nước.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 4/2023 lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt mức cao nhất từ đầu năm đến nay với 984.000 lượt, tăng 9,9% so với tháng trước và gấp 9,7 lần cùng kỳ năm trước.
Tính chung 4 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến nước ta vẫn tăng dù trong mùa thấp điểm. Tổng cộng Việt Nam đón gần 3,7 triệu lượt khách nước ngoài, gấp 19 lần cùng kỳ năm ngoái và vượt qua con số cả năm 2022 cộng lại là 3,66 triệu khách.
Trong đó, Hàn Quốc tiếp tục dẫn đầu về lượng khách đến Việt Nam khi cán mốc 1 triệu lượt, tiếp theo là Mỹ với 263.000 lượt. Đáng chú ý, Trung Quốc cũng đã nhanh chóng vươn lên vị trí thứ 3 với 252.000 lượt khách dù chỉ mới mở cửa thí điểm cho công dân theo đoàn đến Việt Nam từ ngày 15/3.
Chỉ trong tháng 4, có 112.000 lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam, tăng hơn gấp đôi so với trước đó báo hiệu mức tăng trưởng tốt từ một trong những thị trường quan trọng nhất của Việt Nam.
Động lực lan tỏa tới các ngành kinh tế
Tại báo cáo gửi tới Quốc hội mới đây, Chính phủ đánh giá ngành du lịch đang hồi phục rất nhanh. Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách, trong đó có 8 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch dự kiến đạt khoảng 650.000 tỷ đồng.
Không chỉ mang lại nguồn thu cho các doanh nghiệp trong ngành du lịch, lữ hành, việc hồi phục và phát triển ngành du lịch nhất là du lịch quốc tế còn có tác động lan tỏa rất lớn đến nhiều ngành như hàng không, dịch vụ vận tải, ăn uống,… qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Với ngành hàng không, trong 4 tháng đầu năm, các cảng hàng không đã đón tới gần 37 triệu khách, tăng 55% so với cùng kỳ 2022. Trong số này có 9,7 triệu khách quốc tế (tăng 976% so với cùng kỳ 2022) và 27,2 triệu khách quốc nội (tăng 18% so với cùng kỳ 2022).
Chủ tịch Bamboo Airways Nguyễn Ngọc Trọng cho hay tháng 5, tháng 6 là mùa cao điểm của du lịch, đây cũng là thời điểm ngành hàng không sôi động nhất. Không chỉ Bamboo Airways, tất cả hãng hàng không đều có kế hoạch nâng tần suất chuyến bay, mở rộng thêm đường bay đến các thị trường trong điểm của Việt Nam như: Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản để phục vụ nhu cầu du lịch từ các thị trường này.
Mới đây, Vietnam Airlines đã liên tiếp mở các đường bay đến Melbourne (Australia) hay Mumbai (Ấn Độ) để khai thác các thị trường mới tiềm năng với du lịch Việt Nam.
Với ngành dịch vụ ăn uống, bán lẻ, trong 4 tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống cũng đạt 214,8 nghìn tỷ đồng, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước.
Nhận định về sự phục hồi của ngành du lịch, Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng ngành du lịch vẫn là điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế, dù tổng lượng khách quốc tế vẫn chưa thể bằng mức trước dịch COVID-19.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng đề cập đến việc Trung Quốc là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam trong giai đoạn này. Trung Quốc là thị trường trong và ngoài nước lớn nhất của Việt Nam, chiếm 32% lượng khách quốc tế đến Việt Nam vào năm 2019.
“Nhu cầu du lịch của người Trung Quốc có thể bị dồn nén trong năm nay, sau ba năm liên tiếp thực hiện chính sách giãn cách xã hội và không có du lịch quốc tế”, ông nói thêm.
Còn theo TS. Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không, du lịch, điểm tích cực đối với ngành du lịch năm nay là việc Trung Quốc mở cửa trở lại. Năm 2022, dù Việt Nam đã mở cửa từ ngày 15/3/2022 nhưng đến cuối năm vẫn không hoàn thành mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế.
Dẫn lại số liệu năm 2019, thời điểm chưa xảy ra dịch COVID-19, ông Lương Hoài Nam cho biết, Việt Nam đón tới 5,8 triệu du khách Trung Quốc, chiếm 1/3 tổng số khách du lịch quốc tế. Số khách này mang lại doanh thu hơn 5 tỷ USD cho các doanh nghiệp du lịch Việt Nam, chưa tính doanh thu vé máy bay, lệ phí sân bay, bán hàng cho khách du lịch Trung Quốc.
Một khi du lịch phục hồi và phát triển trở lại, rất nhiều ngành kinh tế sẽ được hưởng lợi, TS Nam nhìn nhận.
Để du lịch thực sự trở thành động lực quan trọng
Mặc dù du lịch có sự phục hồi nhanh, mạnh song theo đánh giá của các chuyên gia, du lịch quốc tế, vẫn chưa thể phục hồi như kỳ vọng.
“Sự phục hồi vẫn chưa quá rõ nét, một phần do khó khăn trong chính sách visa. Dự kiến trong kỳ họp Quốc hội sắp tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét và ban hành nghị quyết có nội dung liên quan chính sách visa điện tử theo hướng nới lỏng hơn, mở rộng các nước miễn visa nhập cảnh vào Việt Nam”, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Nếu chúng ta chào đón khách du lịch bằng chính sách xuất nhập cảnh thông thoáng, đây sẽ là yếu tố tích cực thúc đẩy ngành du lịch tăng tốc trong nửa cuối năm”, ông Thịnh cho hay.
Mới đây, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về chính sách visa mới. Trong đó có việc thực hiện chủ trương cấp thị thực (visa) điện tử cho công dân trong nước, vùng lãnh thổ; Giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước, vùng lãnh thổ trên cơ sở có đi có lại; Đảm đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Nâng thời hạn visa điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; Nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.
Kỳ vọng việc nới chính sách thị thực (visa) của Chính phủ sẽ tạo nên cú hích cực mạnh cho ngành du lịch, tạo sức bật cho toàn nền kinh tế. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy đánh giá việc mở rộng đối tượng miễn visa và kéo dài thời gian lưu trú là cơ hội tuyệt vời cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch phát triển du lịch bền vững, không chỉ giai đoạn phục hồi và còn về lâu dài.
Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation Nguyễn Quốc Kỳ nhận định chính sách visa được mở theo đề xuất của Chính phủ sẽ giúp ngành du lịch Việt Nam cân bằng trở lại về sức cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Từ đó, các doanh nghiệp có thể tự tin thúc đẩy chào bán tour từ bây giờ, thuận lợi hơn trong công tác tiếp thị, truyền thông, xây dựng thêm đa dạng các dòng tour để thu hút khách quốc tế.
Không chỉ là tin vui với riêng ngành du lịch, theo ông Kỳ, đây còn là cơ hội vực dậy cho cả ngành hàng không và hệ thống lưu trú.
Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist, đề xuất ngoài việc nới lỏng chính sách visa, cần sớm triển khai cụ thể giải pháp, kế hoạch quảng bá tiếp thị quốc tế quy mô lớn, cả chiều rộng và chiều sâu.
Trong đó tiêu biểu là Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030. Tiếp tục đẩy mạnh liên kết với các tổ chức truyền thông quốc tế, các nhân vật nổi tiếng quốc tế trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội tham gia các chương trình famtrip, presstrip theo thị trường, theo đối tượng du khách, trực quan sinh động tại Việt Nam, đặc biệt trải nghiệm các tuyến điểm du lịch mà Việt Nam muốn tạo điểm nhấn khác biệt trong năm 2023.
Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/giai-bai-toan-visa-du-lich-them-suc-bat-de-phuc-hoi.html