Giải Báo chí Quốc gia 2024 sẽ có thêm Giải báo chí đa phương tiện và Giải báo chí sáng tạo
Đây là thông tin được lãnh đạo Hội Nhà báo đưa ra tại Hội nghị báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu mới của Điều lệ Giải báo chí quốc gia và truyên truyền nhiệm vụ phát triển bền vững khu vực phía Bắc do Hội Nhà báo tổ chức tại Hà Nội ngày 22/11.
Dự hội nghị có Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; nhà báo Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, các đại biểu đến từ các Liên Chi hội, Chi hội nhà báo các cơ quan báo chí Trung ương và 25 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố phía Bắc…
Phát biểu khai mạc hội nghị, Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ chính trị của báo chí: "Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại". Trong đó, tính chuyên nghiệp và hiện đại theo yêu cầu của Đảng có nghĩa là báo chí cách mạng Việt Nam phải phấn đấu, bắt kịp với các xu hướng phát triển chung của thế giới, một trong số đó chính là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công cuộc chuyển đổi số.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược "Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" với mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Nguyễn Đức Lợi cũng cho biết, thực tiễn cho thấy công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên, mạnh mẽ và sâu rộng tới lĩnh vực báo chí, truyền thông. Việc sử dụng công nghệ số để làm báo đã trở thành vấn đề "sống còn" của báo chí. Mới đây, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia Lê Quốc Minh đã ký Quyết định số 50/QĐ-HĐGBCQG ngày 21/6/2024 về việc Ban hành Điều lệ Giải Báo chí quốc gia (sửa đổi). Từ năm 2024, Điều lệ Giải đã có nhiều điểm mới, đặc biệt là 2 nhóm giải mới là Giải báo chí đa phương tiện và Giải báo chí sáng tạo.Việc bổ sung nêu trên đã thể hiện sự chủ động bám sát quan điểm, chủ trương mới của Đảng, Nhà nước, phù hợp với thực tiễn, xu thế phát triển chung của báo chí truyền thông.
Cụ thể, Hội đồng Giải Báo chí quốc gia sẽ trao giải cho các tác phẩm, sản phẩm báo chí sử dụng dữ liệu đa phương tiện và áp dụng quy trình sản xuất, kỹ thuật, công nghệ truyền thông số trong quá trình sáng tạo nội dung và tổ chức sản xuất; có định dạng độc lập như: Infographic, Video clips, Podcast, Gói tin tức đa phương tiện, sản phẩm báo chí dữ liệu, sản phẩm báo chí tương tác… Từ đó, sẽ khuyến khích các tác phẩm, sản phẩm báo chí dự giải vượt qua yếu tố về loại hình báo chí, tạo ra tác phẩm, sản phẩm báo chí đa loại hình hoặc đa nền tảng.
Về Giải Báo chí sáng tạo, Ban tổ chức trao giải cho tác phẩm, sản phẩm, chương trình báo chí có tính sáng tạo cao, vượt khỏi các loại hình báo chí truyền thống nhằm khuyến khích và thúc đẩy đổi mới sáng tạo của nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; tạo động lực phát triển báo chí đa nền tảng, đa phương tiện, báo chí dữ liệu và ứng dụng công nghệ trong báo chí truyền thông; thúc đẩy ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số báo chí.
Trình bày cụ thể hơn về các tiêu chí đáp ứng báo chí chất lượng cao, PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: Các tác phẩm báo chí đạt chất lượng cao phải có tính phát hiện, tính mới, tính điển hình, tính dự báo, dự đoán, tính thực tế, tính khách quan, chân thực, tính nhân văn, nhân đạo, đáp ứng được cả tính quốc tế, quốc gia và địa phương; hướng tới mục tiêu phát triển bền vững địa phương, vùng và quốc gia; tác phẩm, sản phẩm báo chí đa phương tiện và báo chí sáng tạo phải thể hiện được tính sáng tạo trong sản xuất và phân phối nội dung số, có giá trị nội dung, kỹ thuật và mỹ thuật cao, với các giải pháp, ứng dụng, chương trình tương tác…
Hội nghị tập trung làm rõ các vấn đề về vai trò và nhiệm vụ của báo chí trong tuyên truyền nhiệm vụ phát triển bền vững đất nước; đề xuất, kiến nghị giải pháp mạnh mẽ hơn trong chuyển đổi số báo chí, phát triển đa dạng sản phẩm báo chí số trong hệ sinh thái số hiện nay; đánh giá kết quả của Giải Báo chí Quốc gia qua 18 năm triển khai; đóng góp của chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao đối với việc nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho các phóng viên, nhà báo. Đặc biệt, đại diện một số cơ quan báo chí đã chia sẻ những kinh nghiệm hay trong chuyển đổi số hướng tới báo chí chất lượng cao, báo chí sáng tạo.
Từ kinh nghiệm thực tiễn, Nhà báo Ngô Việt Anh, Phó trưởng ban Nhân Dân dân điện tử đã chia sẻ về câu chuyện làm báo sáng tạo ở Báo Nhân Dân. Theo đó, việc triển khai tác phẩm, sản phẩm sáng tạo được đơn vị thực hiện theo từng bước: Xây dựng ý tưởng sáng tạo; lập kế hoạch, phân nhiệm nhóm dự án; triển khai các dự án thành phần; hoàn thiện, ghép nối các hạng mục; tổ chức truyền thông đa nền tảng. Việc phân công nhân sự được tổ chức theo nhóm dự án kết hợp nhiều đơn vị; chia nhỏ các dự án thành phần; ưu tiên nhân sự có tư duy đa phương tiện, đa nền tảng; khuyến khích đổi mới. Về công nghệ, đơn vị ưu tiên ứng dụng các công nghệ mới; hợp tác với các công ty công nghệ; ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Đối với tài chính và truyền thông, báo sử dụng hiệu quả ngân sách; xã hội hóa; chú trọng quảng bá trên mạng xã hội...
Nhà báo Tạ Bích Loan, Chủ tịch Liên chi hội nhà báo Đài truyền hình Việt Nam, Trưởng ban VTV3 cũng cho rằng, dù ở bất cứ loại hình báo chí nào, chỉ cần chúng ta có tinh thần đổi mới sáng tạo thì ắt sẽ thành công. Với báo chí, việc kể một câu chuyện làm sao hấp dẫn, khách quan, động lực hành động là điều vô cùng quan trọng. Báo chí luôn phải kể những câu chuyện mới hơn, hay hơn...