Giải cứu 'chúa sơn lâm'

Cọp núi Lá, cá sông Hinh, Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận… - nhiều ngạn ngữ vềông ba mươi cho thấy cọp từng hiện diện dày đặc ở vùng đất Phú Yên - Khánh Hòa.

Trung tâm Cứu hộ Ðộng vật hoang dã Vườn Quốc gia Pù Mát ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An (gọi tắt là Trung tâm Cứu hộ) cách TP Vinh hơn 120 km. Khi chúng tôi đến đây, nhân viên trung tâm liền đưa tới khu vực chăm sóc 7 chú cọp nằm dưới tán rừng xanh mướt.

Xem như bố mẹ

Thấy người lạ, 7 chú cọp gầm gừ, chồm lên các song sắt. Anh Nguyễn Sỹ Quốc, nhân viên Trung tâm Cứu hộ, cho biết: "Ðầu tháng 8-2021, khi được giải thoát từ những kẻ buôn bán động vật hoang dã, mỗi con chỉ nặng 3-5 kg, sau 4 tháng chăm sóc nay đã được 20-25 kg. Trong đó, một "bé" lớn nhanh, nặng đến 30 kg".

Nhân viên Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Vườn Quốc gia Pù Mát chăm sóc các chú cọp vừa được giải cứu Ảnh: Thanh Tuấn

Theo các nhân viên Trung tâm Cứu hộ, lúc mới được giải cứu đưa về đây, các chú cọp khi đó mới sinh nên rất yếu, có biểu hiện tiêu chảy, mắc bệnh đường ruột. Bộ phận chuyên môn của Vườn Quốc gia Pù Mát đã dành những điều kiện tốt nhất để chăm sóc, nuôi dưỡng chúng. Không bao lâu sau, chúng dần thích nghi với môi trường mới, hồi phục sức khỏe và bắt đầu vận động.

"Bị nhốt, tiêm thuốc mê, vận chuyển trên xe suốt quãng đường dài nên lúc mới về Trung tâm Cứu hộ, chúng bị sốc. Nếu chăm sóc không đúng, chúng sẽ chết. Chúng tôi đã thăm khám, lên phác đồ điều trị riêng từng con. Khoảng 1 tuần sau, chúng không còn biểu hiện sốc và ăn uống bình thường" - anh Quốc nhớ lại.

Anh Ðặng Thanh Tuấn, người chăm sóc động vật hoang dã ở Trung tâm Cứu hộ, cho biết xa bố mẹ từ lúc mới sinh nên những chú cọp con dần gắn bó với nhân viên ở đây. Anh thổ lộ: "Chúng tôi thực sự như bố mẹ của chúng. Lúc 7 chú cọp mới được đưa về đây, hằng ngày tôi trực tiếp cho mỗi con uống sữa 6 lần, bình quân 4 giờ một lần, bất kể ngày đêm. Cọp con hiền lành, đáng yêu như chó, mèo. Cứ thấy chúng tôi vào chuồng là chúng chạy đến nhảy tót lên người nô đùa".

Chứng kiến cảnh nhân viên Trung tâm Cứu hộ bận bịu giữa đám "chúa sơn lâm" rồi nâng niu, vỗ về từng con, chúng tôi thấy rõ sự yêu thương của họ dành cho chúng. Ðam mê, gắn bó với việc chăm sóc động vật hoang dã, niềm vui và hạnh phúc lớn nhất của các anh là chứng kiến từng con phát triển, sinh trưởng tốt.

"Khi cọp còn nhỏ, cứ 2 ngày một lần, chúng tôi lại cho cân kiểm tra trọng lượng từng con. Bình quân mỗi tháng, cọp tăng được khoảng 5 kg. Nhìn những chú cọp khỏe mạnh lớn lên từng ngày, anh em chúng tôi ai cũng hồ hởi" - anh Tuấn bày tỏ.

Lặng lẽ giữa rừng già

Trong lúc trò chuyện với các nhân viên Trung tâm Cứu hộ, thỉnh thoảng chúng tôi lại nghe tiếng gầm gừ đáng sợ của những chú cọp trưởng thành đang được nuôi ở dãy chuồng cách đó không xa.

"Lúc còn bé, cọp kêu nhỏ nhẹ như mèo, nuôi một thời gian thì chúng bắt đầu vỡ tiếng, khi trưởng thành thì hay gầm thét. Thú thật, lần đầu nghe cọp gầm, chúng tôi ai cũng giật mình sợ hãi nhưng riết rồi quen. Bây giờ, ngày nào không nghe chúng gầm rít lại thấy buồn" - anh Ðặng Thanh Tuấn thừa nhận.

Ngoài cọp con, Trung tâm Cứu hộ còn tham gia giải cứu, chăm sóc, nuôi dưỡng những "chúa sơn lâm" đã trưởng thành. Trong đó, đáng nhớ nhất với cán bộ, nhân viên ở đây là chú cọp Ðông Dương được tiếp nhận vào năm 2013.

Anh Nguyễn Sỹ Quốc miên man: "Chú cọp này khi được giải cứu khỏi bọn buôn bán động vật hoang dã nặng đến 170 kg. Sau gần 5 tháng được nuôi dưỡng cẩn thận, nó được chúng tôi bàn giao cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã và kỹ thuật bảo vệ rừng Sóc Sơn ở Hà Nội chăm sóc".

Theo ông Nguyễn Tất Hà, nhân viên Trung tâm Cứu hộ, cọp trưởng thành khi đem về nuôi nhốt cũng rất hung dữ như những con ngoài tự nhiên. Ông tiết lộ: "Trong quá trình chăm sóc cọp trưởng thành, chúng tôi phải luôn giữ khoảng cách vì nếu không cẩn thận thì rất dễ bị chúng tấn công".

Ðến Vườn Quốc gia Pù Mát, gặp gỡ cán bộ, nhân viên Trung tâm Cứu hộ, chứng kiến công việc thầm lặng của họ và qua những cuộc chuyện trò, chúng tôi vỡ ra nhiều điều. Giữa rừng già - nơi vốn là lãnh địa của "chúa sơn lâm" - họ ngày ngày lặng lẽ cứu sống, tiếp sức cho rất nhiều chú cọp bị săn bắt, buôn bán trái phép.

"Cọp là loài động vật hoang dã quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng rất cao. Việc hồi sinh, nuôi lớn được nhiều con cọp là điều hết sức hạnh phúc đối với những người làm công tác bảo tồn như chúng tôi" - ông Hà trải lòng.

Khi giải cứu, chăm sóc động vật quý hiếm, đặc biệt là cọp, nhân viên Trung tâm Cứu hộ luôn hy vọng đưa chúng trở lại môi trường hoang dã hoặc bán hoang dã sớm nhất có thể. Nơi đó chúng có điều kiện sống tốt hơn hẳn và có thể mặc sức tung hoành.

Ông Trần Xuân Cường - Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát, phụ trách Trung tâm Cứu hộ - bộc bạch: "Sau khi giải cứu, nuôi dưỡng cọp hồi phục, khỏe mạnh, mong muốn lớn nhất của chúng tôi là chuyển chúng đến những trung tâm cứu hộ lớn hơn, có điều kiện và môi trường tốt hơn để có thể sinh trưởng, phát triển tốt nhất".

"Bệnh viện"

của thú rừng

Trung tâm Cứu hộ Vườn Quốc gia Pù Mát được thành lập từ năm 1996 nhằm giải cứu thú rừng bị thương do mắc bẫy cánh thợ săn. Sau này, trung tâm còn tiếp sức nuôi dưỡng, chăm sóc các loài động vật quý hiếm được giải thoát từ những kẻ săn bắn, buôn bán trái phép. Đến năm 2018, trung tâm được tài trợ kinh phí mua sắm thêm thiết bị, máy móc và bổ sung 3 nhân sự, trong đó có 2 bác sĩ thú y. Từ đó, Trung tâm Cứu hộ trở thành "bệnh viện", có thể cấp cứu, hồi sức, khám chữa bệnh cho thú rừng.

25 năm qua, Trung tâm Cứu hộ đã giải cứu, chăm sóc rồi thả về tự nhiên hàng ngàn cá thể động vật hoang dã, góp phần giữ gìn sự đa dạng sinh học. Không dừng lại ở việc cứu hộ, trung tâm sẽ tiến tới nhân giống, nuôi sinh sản một số loài động vật quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ, có giá trị bảo tồn.

ĐỨC NGỌC

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/giai-cuu-chua-son-lam-20220129152736463.htm